Ở vùng đất Nam Bộ có nhiều đình thờ Nguyễn Trung Trực. Riêng ở Sóc Trăng, có ngôi đình thờ cụ Nguyễn đã hơn một trăm năm, đó là đình thần Nguyễn Trung Trực ở ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Nguyễn Trung Trực là thủ lĩnh của phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ từ năm 1861 đến 1868. Ông là người tỉnh Bình Định, chiến công nổi tiếng nhất của ông là đốt cháy tàu Espérance tại khúc sông Vàm Cỏ Đông, gần làng Nhật Tảo, nay thuộc xã Nhật Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Không giết được ông, người Pháp bắt mẹ ông làm con tin và buộc ông phải ra nộp mình cứu mẹ. Vì chữ hiếu, ông phải sa vào tay giặc. Giặc Pháp đem ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) vào ngày 27-10-1868 khi ông mới 31 tuổi. Trước khi bị giặc giết, ông đã hiên ngang dõng dạc hô lớn: “Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Vì những chiến công cũng như lòng ngưỡng mộ khí chất hiên ngang của ông nên hầu như người dân các tỉnh Nam Bộ đều lập đình thờ ông.
Ở đình thần Nguyễn Trung Trực tại Sóc Trăng, mỗi năm tổ chức lễ cúng hai lần: ngày giỗ Nguyễn Trung Trực (28 tháng Tám âm lịch) và cúng Kỳ yên cầu cho quốc thái, dân an (từ ngày 15 đến 18 tháng Ba âm lịch).
Dịp cúng Kỳ yên được tổ chức lớn nhất với các hoạt động diễn ra trong bốn ngày. Về phần Lễ, ngày đầu tiên (ngày 15) thỉnh sắc thần và thỉnh mời Năm Ông và Ông Bổn (các vị thần, thánh được thờ trong đình, miếu của cộng đồng Hoa tại thị trấn Long Phú) đến dự hội. Sắc thần được thỉnh từ nhà ông kế hiền (một chức sắc của Ban Hội đình được giao nhiệm vụ bảo quản và thờ phượng sắc thần) về đình dự hội. Ngày 16 là ngày lễ chính, diễn ra các hoạt động khai mạc, nghi thức cúng theo phong tục cổ truyền và hành lễ xây chầu. Ngày thứ ba tổ chức nghi thức cúng lần thứ hai, cúng tưởng niệm tử sĩ, Hậu hiền và những người có công bảo vệ đình. Ngày thứ tư nhật thanh tài chính (công khai tài chính).
Về phần Hội, trong ba đêm từ 16 đến 18 đều tổ chức hát tuồng, trước là để các ông xem, sau là phục vụ bà con. Các hoạt động của lễ hội thu hút đông đảo nhân dân trong huyện, tỉnh và các huyện, tỉnh lân cận, đồng thời còn có sự chung vui của cộng đồng người Khmer và người Hoa.