Lễ làm chay diễn ra vào trung tuần (ngày 15-16) tháng Giêng âm lịch tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Lễ hội được tổ chức nhằm lưu giữ, khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cúng cô hồn thập loại chúng sinh.
Đối tượng chính của Lễ làm chay là ông Tiêu, tức Tiêu Diện Đại sĩ, một hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu từ trước đó cả tháng và gồm nhiều công việc như: dựng giàn ông Tiêu, làm Long Đình – Tứ Châu, dựng giàn thầy, dựng đài liệt sĩ, làm ghe phóng đăng, làm hình ông Tiêu. Hình ông Tiêu trong Lễ làm chay được thể hiện rất công phu, cao khoảng 2m, mặc áo giáp trụ, đầu có sừng và có cả trăm gương mặt trên khắp thân người. Đặc biệt, ông Tiêu có lưỡi bằng giấy hồng dài gần nửa mét, được coi là nơi tập trung mọi quyền lực, phép thuật của ông.
Lễ được bắt đầu với nghi thức Thỉnh ông Tiêu (vào khoảng 10 giờ sáng ngày 15). Đám rước gồm các bô lão, phu kiệu, đội múa lân, đánh trống… rước ông Tiêu từ đình đến chùa Linh Phước rồi về chùa Ông để nhân dân vào chiêm bái. Tiếp theo là các nghi thức: thỉnh Phật, thỉnh kinh, thỉnh thầy; khai kinh tụng cầu an để cầu an cho cộng đồng; cúng tế liệt sĩ (hay còn gọi là nghĩa sĩ trận vong); đề phan liệt sĩ. Buổi tối là các hoạt động giao lưu ca nhạc tài tử và xe hoa xuất phát từ đình diễu hành vòng quanh thị trấn Tầm Vu, kéo dài đến nửa đêm.
Sang ngày 16 có các nghi thức: lễ cúng cô hồn; thỉnh cỗ bánh; thỉnh ông Tiêu lên giàn; thỉnh cô hồn; lễ chiêu u (cúng cô hồn); thỉnh kinh, đánh động, thỉnh thầy; phóng đăng.
Nghi thức quan trọng nhất trong Lễ hội làm chay là nghi thức Xô giàn – đưa khách, được tiến hành vào nửa đêm ngày 16. Lễ vật trên giàn được rải xuống và phân phát cho trẻ em, sau đó đốt hình ông Tiêu kèm theo vàng mã. Những người tham gia lễ hội cố gắng lấy được cỗ bánh, trái cây nhằm tìm chút lộc đầu năm. Người dân ở đây quan niệm rằng, ai tranh được cái lưỡi của ông Tiêu là năm đó làm ăn phát tài. Sau khi mọi nghi lễ đã xong, một chiếc thuyền giấy có khung tre chở lễ vật cúng tế đặt lên bè chuối, được thả xuôi theo dòng sông Tầm Vu làm nhiệm vụ đưa khách (cô hồn). Đoàn đưa khách quay về đình thỉnh lư hương về miếu Âm Nhơn, đây cũng là nghi lễ cuối cùng để kết thúc Lễ làm chay.
Với giá trị tín ngưỡng và nhân văn quan trọng, Lễ làm chay đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19-12-2014.