Đền Sượt còn có các tên gọi khác nhau như: Thanh Cương linh từ, Quang Liệt miếu, ở phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Địa danh này gắn liền với tên tuổi Đức Thánh Vũ Hữu (có tài liệu ghi là Vũ Hựu – BT) – người có công lớn trong việc phò vua Lê Chiêu Tông đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi năm xưa. Để tưởng nhớ công ơn của Ngài, người dân làng Sượt đã lập đền thờ và hằng năm tổ chức tế lễ long trọng.
Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cứ từ ngày 10 đến 20 tháng Ba âm lịch, người dân làng Sượt lại mở hội tế lễ để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh, và theo chu kỳ 10 năm một lần, làng lại tổ chức đánh bệt. Lễ hội gồm các nghi lễ như: lễ mộc dục, lễ dâng hương, lễ rước kiệu thánh, lễ tế ngoại tán, xin âm dương,… Ngoài ra, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: đấu vật, kéo co, bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền, đập niêu, giã bánh dày…
Ngày nay, Lễ hội đền Sượt được tổ chức vào hai ngày, mùng 9 và 10 tháng Ba âm lịch hằng năm với hai phần Lễ và Hội.
Phần Lễ diễn ra liên tục trong hai ngày:
- Mùng 9 tháng Ba: Tổ chức lễ mộc dục, đón khách thập phương về dâng hương.
- Tối mùng 9 tháng Ba: Ban khánh tiết sửa lễ gồm: xôi, gà, rượu trắng, trầu cau, vàng hương làm lễ cáo yết tại đền.
- Ngày 10 tháng Ba: Buổi sáng, Ban khánh tiết sắm lễ xôi gà, rượu trắng, trầu cau, hương hoa dâng Đức Thánh tại đền. Sau đó, dân làng tổ chức rước kiệu từ đền, qua khu lăng mộ Đức Thánh đến đình rồi về đền. Đi đầu là đội múa lân, rồi đến đội cờ hội, bát biểu, kiệu long đình do tám thanh niên chưa vợ khiêng. Sau kiệu là những mâm lễ vật của dân làng. Sau khi đoàn rước về ổn định tại sân đền, kiệu được đưa vào hậu cung thì các màn tế lễ mới diễn ra.
Phần Hội: Hội đền Sượt ngày nay tuy không tổ chức các trò diễn như ngày xưa, song vẫn còn giữ được một số trò chơi mang đậm tính dân gian như: chọi gà, thi đấu cờ tướng, hát chèo,… Từ năm 1999, trò đánh bệt được tổ chức lại.
Lễ hội đền Sượt từ xưa đã được coi như là một lễ hội vùng có quy mô lớn, thu hút nhân dân từ các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng về dự. Ngày nay, đền Sượt vẫn là một trung tâm tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của mọi người dân.
Lễ hội đền Sượt không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống oai hùng và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, mà còn là hoạt động để gắn kết cộng đồng, cùng đoàn kết, chung tay xây dựng xóm làng ngày một phát triển và giàu đẹp, như một sự tri ân đối với Đức Thánh nói riêng và các thế hệ ông cha ta nói chung đã xả thân vì hòa bình và độc lập của dân tộc, vì sự tiến bộ và phát triển chung của đất nước.