Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân), xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc), tỉnh Thanh Hóa; gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.
Lam Kinh còn gọi là Tây Kinh, vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV, là quê hương đất tổ nhà Lê. Cũng như các triều đại Lý, Trần, để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô lớn ở đất Lam Sơn làm điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời là nơi tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số” quan lại trong hoàng tộc.
Trải qua thời gian, những kiến trúc của khu di tích Lam Kinh không còn lại bao nhiêu, phần lớn đã bị hủy hoại. Một số” công trình tiêu biểu còn lại hiện nay là:
-Chính điện Lam Kinh: theo tư liệu lịch sử và khảo cổ học, chính điện Lam Kinh được dựng ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (năm 1433). Bố cục mặt bằng của kiến trúc này có dạng hình chữ “công”, với tổng diện tích là 1.645,04m2, gồm ba tòa điện chính: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Hiện nay, trong khu vực này chỉ còn lại dấu tích nền móng, với 127 tảng kê chân cột, nền lát, bó vỉa cùng một số” hiện vật khác.
-Thái miếu: là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Theo kết quả khai quật khảo cổ, khu vực này gồm chín tòa kiến trúc hình chữ nhật có kích thước bằng nhau. Đỉnh cao nhất nằm ở tòa thứ năm (chính giữa) và thấp dần về hai phía. Hiện nay, đã tôn tạo, phục hồi được năm tòa (các tòa số” 3, 4, 5, 6, 7).
-Sân rồng: là một trong những kiến trúc có diện tích lớn nhất trong khu trung tâm của điện Lam Kinh (tổng diện tích 3539,2m2), nằm tại phía sau Ngọ Môn, chính giữa có ba lối đi lên chính điện theo bậc thềm rồng.
- Đông trù: nằm ở phía đông nam của chính điện, được coi như khu vực hậu cần, bếp núc để phục vụ cho toàn bộ khu vực trung tâm của Lam Kinh.
- Tả vu, Hữu vu: nằm về hai bên sân rồng, hiện chỉ còn lại nền móng và một số chân tảng kê cột cùng một số hiện vật khác.
- Tây thất: nằm trên một gò đất nhỏ ở phía tây của chính điện, ngoài phạm vi thành Nội. Hiện nay, khu vực này chỉ là phế” tích kiến trúc.
- Cầu Bạch: mới được phục hồi, dài 17m, rộng 5,50m, bắc qua sông Ngọc, nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm chính điện Lam Kinh.
- Hệ thống tường thành: gồm ba vòng thành (La thành, thành Nội và thành Ngoại). Năm 2008, một số đoạn của La thành phía đông và phía tây cầu Bạch đã được khôi phục (với tổng chiều dài 21m).
- Hồ Như Áng, kênh dẫn nước đập nhà Lê, hồ Tây: trước kia, khu vực này vốn là vùng đất trũng, xung quanh có nhiều khe suối nhỏ. Lợi dụng địa thế* tự nhiên, nhà Lê đã cho đào kênh dẫn nước về hồ Tây, để cung cấp cho toàn bộ khu vực Lam Kinh.
-Núi Dầu: cách lăng vua Lê Thái Tổ khoảng 500m. Trên núi có đền thờ bà hàng Dầu, gắn liền với truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
-Lăng mộ Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng: Vĩnh Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng, ở phía nam chân núi Dầu. Năm 1995, Vĩnh Lăng đã được trùng tu, xây lại bằng gạch, bên ngoài ốp đá đục nhám, phía trước lăng có hai tượng quan hầu và bốn đôi tượng con giống bằng đá, đứng chầu vào đường “thần đạo” của lăng.
Bia Vĩnh Lăng được làm bằng đá trầm tích nguyên khối, cao 2,79m, rộng 1,94m, đặt trên lưng rùa đá. Nội dung văn bia ghi lại thân thế, sự nghiệp của Lê Thái Tổ. Đây là một công trình điêu khắc đá có giá trị nghệ thuật, đồng thời cũng là tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Sơ.
-Lăng mộ Lê Thái Tông và bia Hựu Lăng: nằm trên đỉnh cao của rừng Phú Lâm, thuộc xã Xuân Lam. Bia Hựu Lăng được dựng cách lăng khoảng 20m. Hiện nay, bia đã bị mất, chỉ còn lại rùa đá.
-Lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và bia Khôn Nguyên Chí Đức: tọa lạc trên một khu đất thấp, gọi là Xà Đàm (đầm Rắn), cách Vĩnh Lăng 700m về phía đông. Năm 1998, lăng mộ được trùng tu lại bằng gạch vồ, mặt ngoài trát xi măng, hai bên tạc tượng người và động vật bằng đá. Bia Khôn Nguyên Chí Đức dựng năm Mậu Ngọ (1498), làm bằng đá xanh nguyên khối, cao 2,76m, rộng 1,9m. Trán bia và diềm bia trang trí hình rồng năm móng và hoa lá cách điệu…
– Lăng mộ Lê Thánh Tông và bia Chiêu Lăng: nằm sát gò Đình (xã Xuân Lam). Bia được dựng năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thống (1498).
-Lăng mộ Lê Hiến Tông và bia Dụ Lăng:
nằm ở bên phải của Vĩnh Lăng, giáp hồ Tây. Bia Dụ Lăng nằm cách lăng mộ khoảng 30m, được làm bằng đá nguyên khối, cao 2,78m, rộng 1,98m.
-Lăng mộ Lê Túc Tông và bia Kính Lăng: được xây trên đỉnh núi “Hổ Xứ Ngọc Giăng Đèn”, thuộc địa phận xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Bia Kính Lăng được dựng năm Đoan Khánh thứ nhất (1505).
-Đền thờ vua Lê Thái Tổ: tọa lạc ở phía đông nam Khu di tích Lam Kinh. Năm 1996, đền được tôn tạo lại, với kết cấu khung gỗ lim, theo mẫu thức của kiến trúc truyền thống, bao gồm các hạng mục: tiền đường, nhà cầu (ống muống), trung đường và hậu cung.
Ngoài các kiến trúc kể trên, trong khu vực Lam Kinh còn có hệ thống công trình phụ trợ cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học khác.
Vào dịp tháng Tám âm lịch hằng năm, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi), nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no hạnh phúc.
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số” 1419/QĐ-TTg, ngày 27-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ.