Khu di tích Bà Triệu (Thanh Hóa)

Khu di tích thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là công trình văn hóa, lịch sử được xây dựng để tưởng nhớ công lao của nữ tướng Triệu Thị Trinh, người huyện Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, đã có công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô xâm lược nước ta vào thếkỷ III. Khu di tích nằm trên mảnh đất vốn là căn cứ mà Bà Triệu đã xây dựng hệ thống đồn lũy chống giặc Ngô năm xưa và cũng là nơi Bà anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn.

Theo sử sách, Đền thờ Bà Triệu có lịch sử đã lâu đời, lúc mới khởi dựng chỉ có 3 gian gỗ lợp bằng tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Sau rất nhiều lần trùng tu, đến nay Đền Bà Triệu tọa lạc trên diện tích hơn 4 ha, với các hạng mục chính là Đền thờ, Lăng tháp và Đình làng Phú Điền. Ba di tích này tạo thành một quần thể tam giác vững chắc: đình – lăng – đền, được bảo vệ, giữ gìn nguyên dạng với các kiến trúc truyền thống có nguyên mẫu từ thế” kỷ XVIII, trong đó có nhiều di tích được bảo tồn khá nguyên vẹn, đảm bảo tính nguyên gốc như đình Phú Điền với những bức chạm lộng, chạm bong tinh xảo trên một đồ án bố” cục chặt chẽ thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của những nghệ nhân tài hoa thời bấy giờ; các di tích khác như Lăng mộ Bà, mộ các tướng quân họ Lý, khuôn viên đền Bà Triệu… đã và đang được quan tâm trùng tu, phục hồi.

Lăng tháp là công trình xây dựng trên đỉnh núi Tùng, ngọn núi nơi Bà đã tuẫn tiết trước mưu mô thâm độc của giặc Ngô.

Đối diện với khu Lăng tháp phía bên kia quốc lộ 1A về hướng Đông Bắc, dưới chân núi Gai thuộc dãy núi Bần là đền thờ. Đền có kiến trúc theo lối “nội công ngoại quốc” bao gồm: tiền đường (thờ Thánh tổ và bách gia trăm họ), trung đường (thờ Triệu Quốc Đạt và các tướng quân họ Lý), hậu cung (thờ Vua Bà), cổng ngoại, cổng nội, hồ nước, bình phong, tả hữu mạc… Cổng ngoại được xây dựng theo lối kiến trúc cổng tứ trụ chất liệu bằng đá khối, tường chạm nổi hình voi ở hai bên. Các ô hộc ở trụ cổng và tứ trụ chạm hình long, ly, quy, phượng, bốn mặt liền khối đá thân trụ, các đầu trụ được trang trí hình phượng và nghê. Qua cổng là hồ nước rộng có lan can và bậc lên xuống hồ. Qua bình phong bằng đá khối là cổng tam quan được xây bằng gạch, cửa giữa hai tầng, hai cửa bên một tầng, hai tầng mái. Trước cổng nội đặt hai tượng nghê đá cổ uy nghiêm. Qua cổng nội là sân tiền đường, nền sân lát gạch bát. Khu tiền đường được phục hồi lại theo nếp nhà cũ ba gian, hai cặp rồng và áng mây bằng đá được chạm khảm tinh xảo, đẹp mắt nằm hai bên bậc lên xuống của trung đường và hậu cung. Công trình sử dụng hoàn toàn gỗ lim để làm cột, kèo, xà, rui, vì và cửa; mái ngói và tường gạch loại tốt nhất, nung già, riêng mái ngói lợp dày 20cm; nguyên liệu đá Thanh Hóa…

Đình làng Phú Điền thờ thành hoàng làng chính là nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Ngôi đình vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của làng quê Bắc Bộ xưa với cây đa, giếng nước, sân đình.

Bên cạnh đó, không gian tĩnh lặng với hồ sen, vườn cây, sân cỏ, đường đi lối lại đều được lát bằng đá tảng, cùng với đình làng Phú Điền, khu lăng mộ Bà Triệu, lăng mộ các tướng quân họ Lý… tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh của công trình kiến trúc có nhiêu giá trị nguyên gốc đặc sắc vê nghệ thuật và mỹ thuật truyền thống trong một không gian của làng Việt cổ.

Bên cạnh những nét kiến trúc độc đáo, đền Bà Triệu còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm và một kho tàng các sự tích, huyền thoại, câu đối, ca dao, thơ… Nhiều cổ vật được lưu giữ ở đây như 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán, 65 đạo sắc phong qua các triều đại…

Khu di tích Bà Triệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, là nơi thể hiện sự tri ân của nhân dân đối với công đức, khí phách anh hùng của Bà Triệu và các tướng lĩnh trong cuộc khởi nghĩa chống xâm lược phương Bắc, giành độc lập dân tộc vào năm 248.

Khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015.