THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ VÀ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM SỰ KIỆN 81 NGÀY ĐÊM NĂM 1972
Di tích lịch sử thuộc địa bàn thị xã Quảng Trị và hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Thành có diện tích 25ha, nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, được xây dưới thời Nguyễn (năm 1809); là thành lũy quân sự và trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trong suốt những năm từ 1809 đến 1945. Ban đầu, thành được xây dựng và đắp bằng đất. Đến năm 1837, vua Minh Mạng đã cho xây lại thành bằng gạch nung cỡ lớn, kết dính bởi vôi, mật mía và một số phụ gia khác.
Tòa thành có cấu trúc hình vuông theo kiểu Vauban với chu vi tường thành dài 2.160m, cao 3m, dưới chân dày 13,5m, đỉnh dày 0,72m. Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Dưới thân thành có đường phòng hộ. Bốn góc thành là bốn pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài.
Thành có bốn cửa nằm chính giữa bốn mặt thành: Tiền, Hậu, Tả, Hữu xây bằng gạch với lối kiến trúc vòm cuốn, bằng gỗ lim dày. Mỗi cửa có chiều rộng từ 3 – 4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói âm dương. Trước mỗi cửa thành đều có một chiếc cầu xây vòm cuốn bắc qua hào thành nối bên trong với bên ngoài. Nội thành có các công trình kiến trúc như: hành cung, cột cờ, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh, ty Phiên, ty Niết, kho thóc, nhà kiểm học, trại lính, trong đó hành cung được xem là công trình nổi bật nhất, là nơi để vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm. Năm 1929, Pháp xây dựng thêm nhà lao ở Thành cổ và biến đây thành nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước, cùng với đó là các tòa mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn…
Dưới thời tạm chiếm Mỹ – ngụy, Thành cổ đã bị biến thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp phong trào cách mạng. Thành cổ Quảng Trị đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh anh hùng của quân và dân ta, tiêu biểu là cuộc chiến đấu ngoan cường đánh trả các đợt phản kích tái chiếm Thành cổ của ngụy quyền Sài Gòn trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972).
Trong cuộc chiến đấu năm 1972, Thành cổ bị phá hủy gần hết, chỉ còn lại một số đoạn tường gạch loang lổ vết đạn và 2 cổng Tiền, Hậu chưa sụp đổ. Từ năm 1992 đến nay, di tích đã được tu bổ, bảo tồn những yếu tố gốc còn lại sau chiến tranh, tôn tạo và xây dựng mới nhiều công trình như: Đài tưởng niệm (xây năm 1997, giữa đài dựng một biểu tượng cây đèn thờ cao 8,1m), Nhà trưng bày – Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị (xây năm 2002, trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm lịch sử năm 1972), Bia chiến tích sinh viên Thành cổ Quảng Trị (xây năm 2002, để ghi nhớ và tưởng niệm những người lính học sinh, sinh viên đã hy sinh trong cuộc chiến).
Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972
- Ngã ba Long Hưng và nhà thờ Long Hưng:
Ngã ba Long Hưng nằm trên quốc lộ 1A, thuộc làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Nhà thờ Long Hưng là một trong những vị trí chốt giữ ở hướng nam của Thành cổ, được xây dựng vào những năm 1955-1956. Nhà thờ này đã bị bom đạn phá hủy gần hết, hiện chưa được phục hồi. - Nhà thờ Tri Bưu là một trong những vị trí chốt giữ ở hướng đông bắc Thành cổ.
- Trường Bồ Đề là một trong những trận địa chốt khá vững vàng của quân ta trong chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972. Đây là một trong số ít công trình còn sót lại chưa bị bom, đạn phá hủy hoàn toàn.
- Bên sông Thạch Hãn là cửa ngõ để quân ta tiếp tế vũ khí, lương thực… vào chiến trường. Đây là nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt của quân và dân ta suốt 81 ngày đêm lịch sử, hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh, nằm lại trên mảnh đất này. Gần đây, các công trình tháp chuông, nhà hành lễ, bến thả hoa, tượng đài đã được xây dựng bên bến sông này để tri ân những chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
- Quảng trường Giải phóng vốn là nơi làm việc của bộ máy cai trị thực dân Pháp, Mỹ – ngụy ở Quảng Trị. Trong chiến dịch 81 ngày đêm lịch sử năm 1972, đây là nơi đặt Sở Chỉ huy của Trung đoàn 48 và Trạm phẫu thuật tiền phương để chuyển tiếp những chiến sĩ thương vong sang bờ Bắc sông Thạch Hãn. Năm 2009, bia di tích được phục dựng.
- Chốt Long Quang là chốt trọng yếu của mặt trận cánh đông bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Chốt được xây dựng trên hệ thống đê chắn cát, chắn nước biển xâm nhập của dân địa phương. Năm 2001, một bia đài bên cạnh trận địa cũ đã được xây dựng để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại đây.
- Chốt Ngô Xá Tây là nơi từng diễn ra nhiều trận đánh quan trọng nhằm ngăn chặn bước tiến công của địch năm 1972. Sau chiến tranh, địa điểm này đã trở thành phế tích. Năm 2009, nhà bia tưởng niệm Ngô Xá Tây được xây dựng.
Với những giá trị đặc biệt, Khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg, ngày 9-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ.