Một người chết thường có nhiều con cháu, nhưng ngày giỗ, chỉ cúng ở nhà người con trai trưởng, hoặc nếu con trai trưởng đã chết, việc cúng giỗ được cử hành tại nhà người cháu đích tôn.
Người con trai trưởng hoặc người cháu đích tôn là trưởng một ngành họ, phải lo việc cúng giỗ, nhưng những người con thứ, cháu thứ, những cháu ngoại không thể bỏ giỗ ông bà, cha mẹ mình được. Ngày giỗ, những người này đều phải tề tựu ở nhà người trưởng chi họ, hoặc là ngày giỗ một vị đã xa, vào hàng cao tằng thì con cái cháu chắt tề tựu ở nhà người trưởng tộc để làm giỗ.
Những người này phải có đồ lễ mang tới cúng. Việc mang đồ lễ lại nhà trưởng tộc như vậy gọi là gửi giỗ.
Lễ gửi giỗ trọng hay mọn tùy theo một phần ở khả năng tài chính của người sống và một phần tùy theo sự liên hệ giữa người sống với người chết.
Một tằng tôn, huyền tôn gửi giỗ có thể chỉ gửi thẻ hương ngàn vàng; một người cháu gửi cúng chú có thể gửi một vài cân trái cây hay một bó hoa cùng vàng, hương, nến. Con cháu thường gửi giỗ trọng hơn, vì đúng ra con cháu phải chịu với trưởng chi họ phí tổn về làm giỗ. Con cháu thường gửi giỗ bằng tiền, kèm theo đồ lễ đáng giá, có khi là cả con lợn, có khi là cặp gà hay thúng gạo nếp, hay bất cứ một thứ gì để tham gia thêm vào việc làm giỗ.
Có người trong khi gửi giỗ lại mua thứ gì người chết khi sinh thời ưa thích. Thí dụ, người khuất lúc sống hay dùng mực Bắc Hải, ngày giỗ con cháu cũng lựa mực cúng.
Nhiều người ở xa, ngày giỗ không về được cũng có mua đồ lễ để gửi về cho người trưởng tộc. Những người này, ngoài việc gửi giỗ còn làm lễ cúng vọng trong ngày giỗ. Ta có câu “Con đâu cha mẹ đấy” là ý nói con cái cúng giỗ ở đâu hương hồn cha mẹ về đó phối hưởng.
Với tục lệ thờ cúng tổ tiên, việc cúng giỗ là một điều trong chữ hiếu. Người ta thường băn khoăn nếu không về dự giỗ được, mặc dầu đã có cúng vọng. Câu nói trên chỉ là một câu để an ủi người ở xa.
Có nhiều trường hợp người trưởng chi họ không nhận đồ lễ gửi giỗ của người nào, hoặc vì họ bất kính với tổ tiên hoặc vì người này cậy của khinh nhờn người trưởng tộc.
Thật là một điều buồn cho người đi gửi giỗ không xong! Lẽ tất nhiên, người đó cúng vọng, nhưng cúng vọng sao bằng cúng ở nhà người trưởng tộc.
Những đồ lễ do các ngành thứ mang gửi giỗ, người trưởng tộc đều đem cúng hết trong ngày giỗ. Cúng xong, ăn không hết, người trưởng tộc sẽ chia phần cho con cháu các ngành.