Ngày giỗ chính tức là chính ngày kỷ niệm người chết qua đời. Người chết đã mệnh một đúng ngày ấy năm xưa nên hằng năm con cháu làm ngày cúng giỗ.
Suốt từ lúc cúng cáo giỗ ngày tiên thường cho đến hết ngày hôm sa u, bàn thờ lúc nào cũng có thắp hương. Tục tin rằng trong thời gian đó tổ tiên ngự trên bàn thờ, không thể để bàn thờ hương tàn khói lạnh được.
Ngay từ sớm ngày giỗ chính, con cháu đã phải sửa soạn sẵn sàng cỗ bàn, ngoài cỗ bàn để cúng, còn cỗ bàn để mời khách khứa nữa.
Trong những gia đình khá giả có mổ lợn, mổ bò, đều làm từ đêm hay từ sáng tinh mơ.
Vì sự kính trọng, chiếc thủ lợn hay thủ bò thường dành để thờ Thổ công trong ngày giỗ.
Cỗ bàn làm sẵn xếp thành từng mâm, và những mâm cỗ đều đặt ở một chiếc cũi tạm, ngày hôm đó tạm biến thành giá để cỗ, hoặc ở một gian nhà xép.
Ngày giỗ chính là ngày gia chủ mời khách khứa trong làng. Các bậc vào hàng chú, bác, người gia trưởng nhưng không ở địa vị phải làm giỗ hoặc giữ giỗ đều được mời từ sớm, còn những thân thuộc khác dù bề trên hay bề dưới người gia trưởng, có nhiệm vụ phải làm giỗ hay gửi giỗ, bao giờ cũng phải sẵn có mặt ngay tại ngày giỗ rồi, cả vợ con họ nữa.
Ngoài các người trong họ, còn mời cả lân bang, bè bạn và một số người trong làng. Ngoài khách của người gia trưởng, những người phải làm giỗ hoặc gửi giỗ cũng mời một số khách của mình.
Mời ăn giỗ cúng có hẹn giờ, thường là vào khoảng từ mười một giờ trưa trở ra và khách khứa tới lai rai cho đến chiều.
Những khách khứa tới ăn giỗ có mang đồ lễ để cúng người khuất, thường là vàng hương, rượu, trà, nến, hoa quả. Con cháu khi khách tới phải đón đồ lễ đặt trên bàn thờ trước khi khách lễ.
Khách sẽ lễ trước bàn thờ bốn lạy ba vái. Gia chủ phải tự mình hoặc cử đại diện đứng đáp lễ.
Lễ bàn thờ xong, khách quay sang vái người đáp lễ.
Có sự đáp lễ bởi khách đã lễ tổ tiên mình, mình phải lễ lại, còn về phần khách phải vái người đáp lễ đó chỉ để chứng tỏ sự nhún nhường của khách! Đây tùy thuộc lễ nghi, nhưng chủ yếu do xã giao mà ra.
Khách lễ xong, người nhà mời khách ăn trầu uống nước. Trầu cau đã được các bà cô làm giúp têm bổ sẵn từ trước. Nước mời khách trong ngày giỗ cúng như trong những ngày khao vọng, v.v… Ở vùng quê ưa dùng nước trà xanh, nhưng có pha riêng trà Tàu hoặc trà mạn để cúng và để mời khách nào không ưa dùng trà xanh. Trà xanh nấu bằng lá cây trà tươi mới hái có vị thơm của lá tươi, giá lại tương đối rẻ hơn trà mạn hoặc trà khô thiếu hương vị mà người dân quê ưa chuộng.
Cũng như cỗ bàn được làm sẵn, trầu cau têm bổ sẵn, nước trà xanh cũng được nấu sẵn để mỗi khi có khách chỉ việc rót ra ấm.
Khách đã ăn trầu uống nước rồi, người nhà mời khách dự cỗ. Một mâm cỗ dùng cho bốn người. Mỗi lần đủ bốn người khách, chủ nhà dọn một mâm cỗ mời, nhưng không phải bất cứ bốn người nào cũng ngồi chung với nhau. Khách đàn bà ngồi riêng, đàn ông ngồi riêng, người nhiều tuổi với người ít tuổi. Chủ nhà lại phải lựa những người cùng lứa tuổi hoặc địa vị xấp xỉ như nhau để mời vào một mâm.
Cái trò rượu vào lời ra, nếu có sự ngồi lẫn như vậy, tránh làm sao khỏi sự khích bác, nói cạnh, nói khóe giữa các khách khứa khi rượu đã ngà ngà say.
Khách khứa tới ăn rầm rập vào giờ gia chủ đã mời. Để tránh sự đông đúc hầu hạ không kịp, khách thường được mời làm từng đợt. Suốt ngày giỗ chính thường có khách khứa ăn cỗ tới tận chiều.
Hương đèn trên bàn thờ luôn luôn thắp sáng để khách khứa tới lễ.
Buổi chiều khi khách đã vãn, gia trưởng mới cúng thêm tuần rượu nữa, cũng có khi tuần cỗ nữa rồi lễ tạ xin hóa vàng.