Địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía tây bắc. Địa đạo là kỳ quan trải dài hơn 200 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện. Hệ thống này được bắt đầu xây dựng từ cuối những năm 1940 và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sử dụng để tấn công Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
Cấu trúc địa đạo Củ Chi là hệ thống công sự ngầm bí mật ở dưới lòng đất, hệ thống công sự này được ngụy trang rất sâu và kỹ lưỡng trong rừng rậm nhiệt đới. Các công sự ngầm sâu dưới từ 3-8 m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Giếng sâu 15 m, trong vắt. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường “xương sống” tỏa ra nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng một cách mặt đất 3 m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất được 5 m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10 m hết sức an toàn. Đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy… Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, ngụy trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.
Vào thời kỳ đánh phá ác liệt, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của nhân dân đều “âm” xuống lòng Địa đạo Củ Chi. Trong điều kiện gian khổ vẫn cố gắng tạo ra cuộc sống bình thường, mặc cho trên mặt đất không ngớt bom đạn cày xới, lửa khói mịt mù… nhưng thực tế ở trong địa đạo hết sức gian khổ, thiếu thốn.
Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và nhân dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân đội Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”…
Hiện nay, Địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai địa điểm:
- Địa đạo Bến Dược (Căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54/VHQĐ ngày 29-4-1979.
- Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15-12-2004.
Với những giá trị lịch sử, nhân văn mang lại, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ.