Từ thành phố Ninh Bình xuôi quốc lộ 1A khoảng 3-4 km, rẽ tay phải khoảng 5 km đường nhựa là vào tới danh thắng Bích Động.
Chùa Bích Động thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Theo văn bia và lời kể của các cụ cao niên trong làng thì dưới thời Lê Thái Tổ (ở ngôi: 1428 – 1433), niên hiệu Thuận Thiên, có hai hòa thượng quê ở Nam Định, một vị pháp danh là Trí Kiên ở Vọng Doanh, huyện Ý Yên, vị kia pháp danh là Trí Thể ở Đông Xuyên, huyện Nghĩa Hưng. Trên đường đi, hai người gặp nhau và kết nghĩa anh em. Vì lòng mộ đạo Phật, hai vị rủ nhau đi tìm cảnh ngoạn mục, trên non dưới nước, rồi quyết định lập thảo am thờ Phật. Sau đó, chùa được dựng lên dựa vào sườn núi, chia làm ba nếp: Hạ, Trung, Thượng.
Chùa Hạ
Chùa Hạ được xây dựng trên khu đất bằng phẳng rộng chừng ba mẫu dưới chân núi. Khi vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786), tuần du qua đây thấy cảnh chùa đẹp nhưng chỉ là một am nhỏ đơn sơ. Về Kinh thành, vua bèn sai một viên quan trong triều đi khuyến thiện các nơi, lại sai người đem tiền, vật liệu về xây dựng nên cảnh chùa nguy nga và đặt tên hiệu là “Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng”, nghĩa là một ngôi chùa bằng đá đẹp trắng như ngọc ở nơi sơn cùng thủy tận.
Muốn vào chùa phải đi qua cây cầu đá bắc trên đầm sen. Vào mùa hạ, mùi hương sen thơm ngát tỏa ra từ vô số bông sen hồng sắc trước cửa Phật. Sau tam quan là một sân gạch rộng mới vào tới khu chùa. Nền chùa cao 2 m, tường xây đá phiến, cột cao 5 m, mái ngói rêu phong cổ kính. Hai dãy giải vũ hai bên, mỗi dãy bảy gian. Trong chùa có bức đại tự lớn, ghi chữ Hán: “Thanh Thản Cổ Mộ”, nghĩa là ngôi chùa này có tiếng là thanh bạch từ xưa tới nay. Trong chính điện, tầng cao nhất đặt tòa Tam Thế, gồm tượng Phật A Di Đà (đại diện cho quá khứ), Thích Ca Mâu Ni (đại diện cho hiện tại), Di Lặc (đại diện cho vị lai – tương lai). Tầng thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn: chính giữa là Phật A Di Đà – chủ cõi Tây Phương Cực Lạc và hai vị Bồ Tát tiếp dẫn chúng sinh là Quan Thế Âm (bên phải), Đại Thế Chí (bên trái). Tầng thứ ba có tượng mặt trắng, đội vương miện là Bà Chúa Ba – công chúa thứ ba đời vua Trang Vương đi tu đắc đạo thành Phật. Tầng thứ tư là tượng Thích Ca sơ sinh mặc áo đỏ, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Các tùy tùng ngồi hai bên là Già Lam, Thánh Tăng, Thổ Địa… Vị đứng bên trái là đại diện cho Tứ Trực Công Tào soi xét việc chính sự trong giới nhà Phật. Vị mặc võ phục đứng bên phải là một trong tám vị Kim Cương coi việc Hộ Pháp. Ba vị ngồi bên trái là các Hòa Thượng Trí Kiên, Trí Thể, Trí Tâm có công xây dựng và thành lập chùa Bích Động. Hai vị bên ngoài là Nam Tào và Bắc Đẩu coi xét sổ sinh tử.
Chùa có bia đá, bia công đức ghi tên những người đóng góp xây dựng chùa từ năm 1428 đến năm 1786. Bên phải chùa là cây thị hơn trăm tuổi. Chùa Hạ có bảy ngôi tháp lưu giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì ở đây.
Hiện nay ở sân trước chùa Hạ, bên trái là nhà đón khách thập phương, bên phải là chùa Hạ mới xây thay thế chùa cũ bị xuống cấp nghiêm trọng, cả hai đều bằng gỗ, lợp ngói khang trang.
Chùa Trung
Từ sân chùa Hạ đi qua cây mít hơn 160 tuổi đứng sừng sững bên đường, từng trải bao mưa nắng gió sương nhưng cây vẫn cho ra hoa thơm, quả ngọt. Bước lên 78 bậc theo con đường vòng quanh hình chữ S tới lưng chừng núi Ngũ Nhạc (tương truyền vì năm quả núi có hình cái chuông úp nên gọi là Ngũ Nhạc), qua hàng bao lơn là đến cửa chùa Trung. Xưa, khi nghe thấy tên chùa quá rườm rà, vua Lê Hiển Tông bèn sai quan Tham Tụng Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm (1755 – 1798, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du) về đây đặt lại tên chùa là Bích Động (Động Biếc) (đây là một cách chơi chữ kỳ tài: “Bạch Ngọc Thạch” ghép thành chữ “Bích”, “Sơn Đồng” ghép thành chữ “Động”), rồi khắc hai chữ “Bích Động” trên vách đá cheo leo trước cửa động, khuôn chữ 1,5 m, có dòng lạc khoản “Nguyễn Nghiễm phụng đề”. Phía trên chùa có một bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 6 thời nhà Lê (1710), bên phải sườn động có một bia đá đời Lê Cảnh Hưng.
Chùa Trung là một dãy nhà nằm ngang, nửa gắn vào hang đá, nửa lộ thiên. Phía trên mái chùa có mười chữ Hán: “Già Lam Thần Đại Hùng Bảo Điện Nam Thiên Tổ”. Phía trong chùa bài trí thờ Phật giống như chùa Hạ, chỉ khác là tượng Đức Thích Ca Mâu Ni có cửu long phù giá. Hai vị Bồ Tát ngồi phía ngoài, bên phải là Văn Thù, bên trái là Phổ Hiền. Vị ngồi trong cùng bên tay trái là Thánh Hiền (tức A Nan), vốn là Đại đệ tử sáng dạ nhất của Đức Phật; ai muốn học hành thành đạt thì phải cầu tới ngài; trong cùng bên phải là Đức Ông, ai bị oan trái cầu đến ngài thì tai qua nạn khỏi. Đền bên trái thờ Mẫu, miếu bên phải thờ Quan Thế Âm Bồ Tát.
Từ chùa Trung lên 22 bậc đá là vào hang Tối. Đường lên hang Tối đi dưới cầu Giải Oan có tấm bia đá đề năm chữ “Bích Sơn Thiền Tự Bi Ký” bằng chữ Hán ghi lại lịch sử chùa Bích Động từ năm 1428 đến năm 1786. Trong hang Tối có một quả chuông đồng lớn được chạm trổ tinh xảo, là di vật của Hòa Thượng Trí Kiên và Hòa Thượng Trí Thể; nhìn ra ngoài là cầu Giải Oan, khách qua đây thỉnh lên ba tiếng chuông ngân tức thì những oan ức trong người được giải. Cách cửa động chừng 4 m có ba pho tượng đá, chính giữa là Phật A Di Đà, hai bên là Văn Thù và Quan Thế Âm Bồ Tát. Bên phải có rùa đá quay đầu chầu vào Đức Phật, xa hơn một chút là tượng Cô, tượng Cậu, Lão Thọ đứng ung dung. Ai cầu sống lâu, sinh con trai con gái thì thắp hương bái niệm ở đây. Bên trái có hình rùa đá, đại bàng đá, một bàn cô tiên uống chè có hai cốc to và tám cốc nhỏ. Phía trong có tượng thờ Bà Chúa Thượng Ngàn (bà chúa rừng). Ra khỏi động là Cổng Trời.
Chùa Thượng
Rời chùa Trung lên tiếp 43 – 45 bậc đá và gạch là lên đến chùa Thượng. Chùa xưa đã bị đổ nát, chỉ còn trơ cột đá và tường xây với ba chữ “Ngũ Đài Sơn”. Mùa thu năm 1991, chùa được sửa lại như cũ với sự đóng góp của gia đình ông Mạch Quang Tục, người ở thành phố Ninh Bình, và nhân dân Hợp tác xã Liên Trung, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Chùa thờ Phật Bà Quan Âm. Trong chùa treo một chuông đồng nhỏ và có bia ghi việc trùng tu chùa, bên phải có miếu thờ Thổ Địa, bên trái là miếu thờ Sơn Thần. Bên trái chùa còn có bể nước cam lồ của Phật Bà Quan Âm; ai ốm đau bệnh tật thì thắp hương xin nước ở đây. Đứng ở đây nhìn xa xa, năm ngọn núi Ngũ Nhạc chầu vào cửa động như một đóa hoa sen; khung cảnh một màu xanh núi, xanh rừng, hòa màu xanh đồng lúa… thực xứng với cái tên Bích Động (Động Biếc).
Ông vua – nhà thơ Tự Đức (1848 – 1883) khi ra Bắc vào thăm Bích Động, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, đã hạ bút đề danh hiệu “Nam Thiên Đệ Nhị Động” (nghĩa là động đẹp thứ nhì trời Nam, sau động Hương Tích).
Không chỉ là danh thắng, Bích Động còn là một di tích lịch sử. Theo lịch sử cách mạng ở địa phương, năm 1929, đồng chí Tạ Uyên đã lấy chùa Bích làm cơ sở in truyền đơn tố cáo thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), chùa là nơi làm việc của Tỉnh ủy Ninh Bình. Động Bích còn là cơ sở của công binh xưởng Phan Đình Phùng, là căn cứ của bộ đội chủ lực trong chiến dịch Quang Trung (năm 1951) và chiến dịch Tây Nam Ninh Bình (năm 1953).
Vào những ngày hè nóng bức và ồn ào, đến thăm Bích Động, giữa cảnh núi biếc mây xanh, lên chùa chiêm ngưỡng cảnh Phật trong khói hương lan tỏa mờ ảo để thấy mình như nhập vào cảnh thiền, mọi ưu phiền được rũ sạch, mọi ý ác đều tiêu tan, và trong tâm chỉ một niệm câu mong tích đức hiền…