Di tích Dinh Độc lập tọa lạc tại số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận I, Thành phố Hồ Chí Minh, có tổng diện tích là 12 ha, bốn mặt là bốn trục đường bao quanh – phía Đông Bắc giáp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; phía Tây Nam giáp đường Huyền Trân Công Chúa; phía Tây Bắc giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai; phía Đông Nam giáp đường Nguyễn Du. Di tích còn được biết đến với nhiều tên gọi khác, như Dinh Norodom, Dinh Thống đốc, Dinh Toàn quyền, Hội trường Thống Nhất.
Năm 1858, Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1867, Pháp chiếm xong sáu tỉnh Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Ngày 23-2-1868, Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ mới tại Sài Gòn, thay cho dinh cũ, được dựng bằng gỗ vào năm 1863 (cả dinh cũ và dinh mới đều ở khu vực di tích hiện nay). Dinh mới được khởi công xây dựng ngày 1-7-1962 theo đồ án do kiến trúc sư Hermite phác thảo.
Trong thời gian xây dựng, gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (nay là trụ sở của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh). Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Đình Diệm bị phe đảo chính ám sát (ngày 2-11-1963). Sau đó, ngày 31-10-1966, Nguyễn Văn Thiệu đã đứng ra làm chủ lễ khánh thành dinh… Cũng từ ngày này, Dinh Độc lập mới xây trở thành trụ sở của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu sống, làm việc ở dinh này từ tháng 10-1967 đến ngày 21-4-1975.
Ngày 8-4-1975, chiếc máy bay F5E do Nguyễn Thành Trung lái, xuất phát từ Biên Hòa, đã ném bom vào dinh, nhưng gây hư hại không đáng kể. Đúng 10 giờ 45 phút, ngày 30-4-1975, xe tăng mang số hiệu 843 của Quân Giải phóng thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính, tiến thẳng vào dinh. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận – Đại đội trưởng chỉ huy xe 843 đã hạ lá cờ ba sọc xuống, kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên trên nóc dinh. Cũng chính vào giờ phút đó, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam.
Từ ngày 16 đến 21-11-1975, Dinh Độc lập đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc trong một đất nước Việt Nam thống nhất. Tiếp đó, các hội nghị hợp nhất các tổ chức quần chúng của cả nước (Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ) cũng đã được tổ chức tại đây. Để kỷ niệm các sự kiện chính trị đặc biệt này, Chính phủ đã quyết định đổi tên Dinh Độc lập thành Hội trường Thống Nhất.
Dinh mang vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc, có chiều cao 26 m, được xây dựng trên diện tích 4.500 m², diện tích sử dụng là 20.000 m², gồm ba tầng chính, một sân thượng, hai gác lửng, một tầng nền, hai tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của dinh, tùy theo mục đích sử dụng, được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau, bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp Hội đồng nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó Tổng thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến… và các hồ sen bán nguyệt ở hai bên thềm đi vào chính điện, bao lơn, hành lang… Tất cả đều được thiết kế hết sức hài hòa, hợp lý.
Hiện nay, Dinh Độc lập do Cục Quản trị II – Văn phòng Chính phủ quản lý. Đặc biệt, Dinh Độc lập chính là nơi ghi dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1975.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử Dinh Độc lập – nơi ghi dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12-8-2009.