Đền Trần và chùa Phổ Minh ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, là cụm di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích thời Trần ở Nam Định nói riêng và cả nước nói chung.
Quá trình hình thành và tồn tại của di tích đền Trần và chùa Phổ Minh gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần. Triều đại nhà Trần tồn tại 175 năm (1225 – 1400), đã để lại cho dân tộc ta những thành tựu to lớn về nhiều lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quân sự…
- Đền Trần: gồm các hạng mục: ngũ môn, sân trước, hồ nước, nghi môn, sân trong, giải vũ, đền Thiên Trường, đền Cô Trạch, đền Trùng Hoa.
- Ngũ môn: nằm về phía ngoài cùng của di tích, gồm năm cửa (ba cửa lớn và hai cửa nhỏ). Cửa lớn có chiều cao 10,60m, chia thành ba cửa nhỏ, xây theo kiểu chồng diêm hai tầng.
- Sân trước, hồ nước: nằm phía sau Ngũ môn. Hồ nước có diện tích khoảng 1.000m², nằm tiếp giáp với sân trước và sân trong của đền.
- Đền Thiên Trường: khi khởi dựng, đền gồm ba gian, kết cấu bằng gỗ lim. Đến niên hiệu Long Đức 2 (1733), đền được mở rộng, với năm gian tiền đường, kết cấu bằng gỗ lim. Đền nằm ở chính giữa của khu di tích đền Trần. Bao quanh đền là các hạng mục kiến trúc như: nghi môn, sân trong, hai nhà giải vũ, tiền đường, thiêu hương, tả vu, hữu vu, hậu cung.
Tiền đường dài 12m, rộng 6,6m, gồm năm gian. Hai cánh cửa gian giữa bằng gỗ lim, được gia công một cách công phu nhất, với họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê, thế kỷ XVII. Bộ khung tiền đường bằng gỗ lim, với bốn hàng chân cột, chân tảng đá chạm hoa văn hình cánh sen, mang phong cách nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIII – XIV.
Thiêu hương: có mặt bằng nền hình vuông, rộng 6,4m, hệ khung làm bằng gỗ lim, kiểu hai hàng chân cột, mỗi cột có chiều cao 3,58m, đường kính 0,25m. Các cột được gia công theo kiểu thượng thu hạ thách và đặt trên hệ thống chân tảng đá, chạm hoa văn hình cánh sen. Bộ vì làm theo kiểu bốn mái, chồng rường, với các đầu đao, bờ nóc trang trí họa tiết vân mây, rồng chầu…
Hậu cung dài 12,7m, rộng 8,5m, kiểu chồng diêm, hai lớp mái. Bộ cửa bằng gỗ lim chạy hết 3 gian công trình. Mỗi gian có sáu cánh, mỗi cánh cao 3,1m, rộng 0,5m, làm theo kiểu thượng chạm nền gấm thông phong, hạ bức bàn. Trên mỗi cánh cửa còn chạm khắc các bài thơ bằng chữ Hán cách điệu rất đa dạng, tiêu biểu cho các thể chữ: Lệ, Triện, Thảo. - Đền Cô Trạch: nằm ở phía Đông đền Thiên Trường, thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Mặt bằng kiến trúc có bố cục dạng tiền chữ “Nhất”, hậu chữ “Đinh”, gồm các hạng mục: nghi môn, sân trong, giải vũ phía Đông, tiền đường, thiêu hương, tả vu, hữu vu, trung đường, hậu cung.
Tiền đường: gồm năm gian, dài 14,5m, rộng 5,5m. Kết cấu khung gỗ lim, với ba hàng cột; thiêu hương có mặt bằng hình vuông, kiểu phương đình bốn mái; tả vu, hữu vu mỗi dãy ba gian, khung gỗ lim, bộ vì kiểu quá giang kèo cầu, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói Nam; trung đường dài 13,5m, rộng 5,5m, gồm 5 gian; hậu cung dài 5,5m, rộng 4,1m. - Đền Trùng Hoa: nằm ở phía Tây đền Thiên Trường, kiến trúc gồm: tiền đường, thiêu hương, trung đường và cung cấm. Khung nhà được dựng bằng gỗ lim, các tòa đều thiết kế theo kiểu bốn mái, với bốn đầu đao được uốn cong tạo dáng mềm mại, thanh thoát. Đền Trùng Hoa là nơi thờ 14 vị vua Trần.
Nghi môn kiểu tứ trụ, có ba cửa ra vào. Tòa tiền đường dài 15,7m, rộng 5,9m, gồm ba gian, hai chái, với bộ mái lợp ngói Nam, các đầu đao uốn cong mềm mại. Tòa thiêu hương có mặt bằng hình vuông, rộng 6m, theo kiểu phương đình hai tầng, tám mái, lợp ngói Nam. Đối xứng với thiêu hương là hai tòa giải vũ nội, mỗi tòa gồm ba gian. Tòa trung đường nối liền với thiêu hương và hai dãy tả vu, hữu vu, dài 15,7m, rộng 5,9m, chia thành năm gian, các gian có kích thước đăng đối nhau.
Hậu cung gồm ba gian, dài 10,7m, rộng 6,7m. Kết cấu khung bằng gỗ lim, kiểu bốn hàng chân cột, các cột được đặt trên chân tảng đá, chạm hoa văn hình cánh sen. Bộ vì kiểu chồng rường, tiền bẩy, hậu bẩy.
Tất cả các hạng mục kiến trúc đền Thiên Trường hợp thành thế tay ngai, đối xứng với nhau theo trục Bắc-Nam.
- Chùa Phổ Minh: gồm các hạng mục tam quan, ao sen, nhà bia, tháp, sân trước, chùa chính, hành lang, hậu điện, phủ Mẫu, nhà tổ, tăng phòng, khu tháp mộ.
- Tam quan: dài 8,42m, rộng 8,98m, ba gian, gian giữa rộng 3,72m, hai gian bên rộng 2,38m. Thềm bậc gian giữa đặt đôi sư tử đá, dưới dạng tượng tròn, chạy dọc theo chiều từ trên xuống. Khung kiến trúc kết cấu kiểu cổ đẳng (hai tầng bốn mái). Trên cổ đẳng, mặt ngoài tam quan treo bức đại tự có bốn chữ Hán: “Đại Hùng bảo điện” (Điện báu Đại Hùng).
- Sân chùa và nhà bia:
Sân chùa hình chữ nhật, dài 27m, rộng 9m. Trên sân chùa còn có các thành phần kiến trúc như: tháp, chân tảng đá cánh sen, cột kinh, cây hương đá. Hai cột kinh hình bát giác, chiều cao 3,95m, mỗi cạnh rộng 0,25m, thân cột chạm kinh Phật, phần đỉnh chạm hoa văn cánh sen và búp sen. Xung quanh các cột kinh và cây hương đá còn có 14 chân tảng đá cánh sen xếp ngay ngắn theo hình chữ nhật, kích thước dài 3,9m, rộng 2,9m. Chính giữa các chân tảng là hoa văn cánh sen kép, mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIII – XIV.
Nhà bia có mặt bằng hình vuông, xây bằng gạch, vữa, kiểu cổ đẳng (2 tầng 8 mái), lợp ngói Nam. Nhà bia phía Tây có bia niên hiệu Cảnh Trị 6 (1668), nhà bia phía Đông có bia niên hiệu Duy Tân 1 (1907). - Tháp Phổ Minh: có mặt bằng nền hình vuông, cạnh dài 5,2m. Chiều cao tổng thể của tháp là 19,51m, được chia thành ba phần: đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Phần chân đế, tính từ dưới lên chia thành 12 cấp, mỗi cấp có kích thước khác nhau. Đỉnh tháp là một khối đá hình bông sen, gồm nhiều tầng khác nhau. Đỉnh búp sen có năm lớp cánh sen ngửa, chụm vào nhau, trong đó, lớp cánh sen cuối cùng có viền kép, phần đỉnh búp sen kết thúc 2 tầng tròn. Trên bề mặt cánh sen, được chạm khắc nhiều hình ảnh khác nhau.
- Hệ thống các biểu tượng: Tượng phật: được đặt ở nhiều vị trí trong chùa, được chạm khắc từ đá, gỗ, đồng, với nhiều hình dáng, kiểu dáng khác nhau. Hệ thống tòa: Hệ thống tòa ở chùa Phổ Minh hiện nay được chia thành hai loại: tòa chính (tòa lớn) và tòa nhỏ (tòa phụ). Tòa chính có mặt bằng hình chữ nhật, chiều dài 22m, chiều rộng 10m. Mái tòa lớn được lợp ngói Nam, hai đầu đao uốn cong. Các tòa phụ được bố trí xung quanh tòa chính, giúp cho không gian chùa trở nên hài hòa và thoáng mát hơn.
Bên cạnh các biểu tượng chính của Phật giáo, tại chùa còn có các biểu tượng mang tính văn hóa tín ngưỡng dân gian, thể hiện sự hòa quyện giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. - Hệ thống cây cối: Chùa Phổ Minh còn có hệ thống cây cối phong phú, với nhiều loại cây cổ thụ, mang đến không khí trong lành và mát mẻ cho khuôn viên chùa.
Cụm di tích đền Trần và chùa Phổ Minh đã được xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Đây là điểm đến hấp dẫn cho du khách và tín đồ phật tử thập phương trong các dịp lễ hội truyền thống của dân tộc, nhất là lễ hội đền Trần được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hàng năm