Khu di tích lịch sử Chi Lăng, nằm trong vùng Ải Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, gồm 52 điểm di tích trải dài khoảng 15 km dọc theo thung lũng sông Thương – bắt đầu từ địa phận Sông Hóa đến giáp xã Mai Sao (từ km 100 đến km 115 quốc lộ Hà Nội – Lạng Sơn), chủ yếu thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lạng của huyện Chi Lăng. Đây là khu di tích lịch sử ghi dấu chiến thắng chống Tống (thế kỷ XI), chiến thắng chống quân Nguyên (thế kỷ XIII), chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đặc biệt là chiến thắng Chi Lăng ngày 10-10-1427 phá tan đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân tinh nhuệ do Liễu Thăng chỉ huy; bản thân tướng giặc Liễu Thăng cũng phải bỏ mạng, góp phần quyết định kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc Minh 20 năm của dân tộc.
Có thể nói, nổi bật nhất trong tổng thể toàn bộ khu di tích chính là các di tích ghi dấu chiến dịch Chi Lăng, đỉnh cao là trận chiến tiêu diệt đạo quân tiếp viện của Liễu Thăng ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi (tức ngày 10-10-1427) trong lòng thung lũng Chi Lăng. Tại xã Chi Lăng có di tích đầm lầy Mã Yên được lịch sử ghi nhận là nơi tiêu diệt đội kỵ binh hơn 100 tên do Liễu Thăng trực tiếp chỉ huy, núi Mã Yên – nơi nghĩa quân của Trần Lựu đã chém đầu tướng giặc Liễu Thăng. Nơi đây còn có các di tích như: núi Bãi Đầm, lũy Ải Chi Lăng, thành Bầu… Trong lòng Ải Chi Lăng có đến hàng chục điểm di tích từng là nơi mai phục, chặn đánh tiêu diệt địch của nghĩa quân Lê Lợi và dân binh địa phương như: núi Ma Sẳn, Bãi Hào, lũy Cửa Dinh (Ngõ Thề), lũy Ải Chi Lăng (còn được gọi là Quỷ Môn, ở dưới chân núi Quỷ), Nà Nông,… Nhiều di tích vốn là căn cứ của nghĩa quân và hậu cứ của các trận đánh: làng Đồn, Thành Kho, Đấu Đong quân, Ba Đàn, làng Chung (xã Chi Lăng); là các doanh trại đóng quân, kho tàng chứa vũ khí, lương thực; là làng bản đã cấp dưỡng nuôi quân đánh giặc. Một số điểm trong khu di tích như: vực Bơi, vực Ải Gốc Lý, hòn đá Mổ Lợn,… được nhân dân truyền tụng là nơi sinh hoạt của nghĩa quân. Ở Thành Kho (xã Chi Lăng) có đồi Ba Đăng là nơi nghĩa quân thường xuyên túc trực, quan sát phát hiện địch từ xa. Bên cạnh đó, còn có một số di tích được hình thành từ tín ngưỡng thờ những người có nhiều cống hiến, đã hy sinh trong chiến đấu: đền Quan Nàng, đền Mỏ Bạo (xã Quang Lạng)… Tại làng Coóc, xã Quang Lạng có ngôi đền Hổ Lai được nhân dân lập nên, thờ tên tướng giặc Liễu Thăng chết trận nhằm mục đích để vong linh không về quấy nhiễu làng xóm. Cách đó không xa, có tảng đá giống hình người cụt đầu nằm giữa cánh đồng, nhân dân thường gọi là “Hòn đá Liễu Thăng”, tương truyền đó chính là xác Liễu Thăng sau khi chết đã hóa đá. Ở phía nam của khu di tích (thuộc địa phận Sông Hóa) là một số điểm di tích chống Pháp của nghĩa quân Cai Kinh cuối thế kỷ XIX như: núi Tay Ngai, thành Cai Kinh, cầu Quan Âm…
Ngày 28-4-1962, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 313-VH/VP xếp hạng Khu di tích lịch sử Chi Lăng là Di tích