Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)

Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; từng là địa điểm đóng đô của ba vương triều (Đinh, Tiền Lê và Lý). Năm 968, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân và lên ngôi hoàng đế, Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền, bởi những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự. Kinh đô Hoa Lư tồn tại được 42 năm, qua các triều Đinh (968-980), triều Tiền Lê (980-1009) và triều Lý (1009-1010). Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành cố đô.
Kinh đô Hoa Lư được bao bọc bởi nhiều ngọn núi đá vòng cung, các triều vua đã dựa theo địa hình tự nhiên để đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư với diện tích hơn 300 ha, được chia thành thành Ngoại, thành Nội và thành Nam, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8-10m, hiện vẫn còn dấu vết của nhiều đoạn tường thành.
Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận hai thôn Yên Thượng và Yên Thành, là nơi vua Đinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước, hiện là đền thờ vua Đinh, vua Lê.
Khu thành Nội rộng hơn, thông với thành Ngoại bằng một ngách núi, gọi là Quèn Vòng với những cầu Đông, cầu Rền… bằng đá, làm nơi nuôi trẻ em và kho chứa. Bên ngoài thành có nhiều trạm gác bảo vệ.
Phía Nam là thành Tràng An (thành Nam) là khu vực phòng thủ hậu cứ của kinh đô.
Ngày nay, đền thờ vua Đinh có khuôn viên rộng 5 ha, quay về hướng Đông, trước mặt đền là núi Mã Yên, tương truyền, vua Đinh đã lấy nơi này làm án. Ngôi đền uy nghi, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, theo kiểu nội công ngoại quốc với ngọ môn quan, hồ sen, núi giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba tòa bái đường, thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường có “Long sàng” làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Đinh Tiên Hoàng cùng các con trai. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trang trí tại đền đều khá tinh xảo. Ngay trước đền vua Đinh, trên đỉnh núi Mã Yên cao tới 265 bậc là lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng được đặt ở chính giữa núi, nơi võng xuống thấp mà dân gian hình dung là cái yên ngựa. Lăng xây bằng đá, có một bệ thờ trên đặt một lư hương cũng bằng đá. Trước lăng có một tấm bia đá xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 21, được trùng tu vào năm Hàm Nghi thứ nhất.
Đền vua Lê nằm cách đền vua Đinh chừng 500m, thờ vua Lê Đại Hành. Đền soi bóng xuống nhánh sông Hoàng Long. Trước mặt đền là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa. Đền vua Lê có quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh, nhưng cũng có ba tòa: bái đường; thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; chính cung – thờ vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngọa Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga. Đền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Lăng mộ vua Lê Đại Hành nằm dưới chân núi Mã Yên về hướng Nam. Hai bên lăng có hai quả núi được cho là “long chầu, hổ phục”. Lăng được xây bằng đá, trước lăng có dựng bia đá. Giống như lăng vua Đinh, lăng vua Lê cũng được dựng từ năm Minh Mạng thứ 21, được trùng tu vào năm Hàm Nghi thứ nhất.
Ngoài các công trình trên, cố đô Hoa Lư còn có các di tích lịch sử khác như: núi Cột Cờ, sông Sào Khê, đền thờ công chúa Phất Kim cùng một số ngôi chùa đẹp như: chùa Ngân Xuyên, chùa Nhất Trụ…, đặc biệt là có nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi như: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Bích Động, Địch Động, Bái Đính…
Những dấu tích lịch sử – văn hóa hiện còn tại khu vực di tích rất phong phú và đa dạng, ngoài hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hoàng thành, hang động và một số công trình khác, khu di tích còn lưu giữ được 678 di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.
Cố đô Hoa Lư được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012