Chùa Diệu Đế Hồng Tiệp

Đông Ba, Gia Hội hai cầu,
Ngó qua Diệu Đế bốn lầu hai chuông.
(Ca dao Huế)

Chốn xưa, nguyên là chỗ tiềm để của Hoàng tử Miên Tông, trưởng tử của Thánh Tổ (Minh Mệnh, ở ngôi: 1820 – 1841). Lên ngôi năm 1841, ba năm sau, tức năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), Hiển Tổ (Thiệu Trị, ở ngôi: 1841 – 1847) đã cho đại trùng tu, biến nơi đây thành một ngôi chùa lớn; đồng thời, sắc phong Diệu Đế thành Quốc tự và biệt liệt vào một trong hai mươi thắng cảnh của Đế kinh.

Chùa tọa lạc phía đông thành, xóm Ngự Viên xưa. Đối diện chùa là Hộ Thành hà (tục gọi là sông Đông Ba hay Gia Hội) với hai hàng bồ đề cổ thụ soi bóng nước Hàng Bè, Kẻ Vạn, giữa hai cây cầu Đông Ba, Gia Hội đón đưa mấy nhịp đời vui buồn dâu bể.

Chùa xưa cảnh sắc tú lệ, cây cỏ phồn mậu, kiến trúc nguy nga. Theo văn bia Hiển Tổ soạn, chùa có tổng thể kiến trúc gồm chính điện, phía trước dựng Đạo Nguyên các, cùng hai lầu chuông trống. Chính giữa là lầu Hộ Pháp. Sân trước có hai nhà lục giác, trái là lầu chuông, phải là bi đình. Xung quanh chùa có hệ thống la thành kiên cố, chính điện là cổng tam quan ngó mặt xuống bến đò cùng hai cổng nhỏ trổ hai bên hông chùa. Và còn có Trí Tuệ tịnh xá, Cát Tường từ thất xứng danh quy mô Quốc tự của vương triều.

Năm 1885, biến cố thất thủ Kinh đô đã đưa vương triều nhà Nguyễn vào một cuộc tang thương cùng bao con dân nước Việt. Vua Hàm Nghi (ở ngôi: 1884 – 1885) xuất bôn khởi đầu cho công cuộc trường kỳ kháng Pháp. Lịch sử Việt Nam sang trang mới đầy bi hùng và máu lệ. Đất Phật cũng không tránh khỏi việc dự phần. Cuối năm 1885, chùa Diệu Đế bị trưng dụng, phục vụ cho vài cơ quan thuộc bộ máy hành chính Nam triều. Cát Tường từ thất được sử dụng làm Sở Đúc tiền, Trí Tuệ tịnh xá là Thừa Thiên phủ đường. Hai dãy tăng phòng, một làm nhà lao, một là trụ sở Khâm Thiên Giám cùng nhà kho chứa những di vật của Quốc tự Giác Hoàng bị triệt hạ cùng trong biến cố này.

Cho đến năm 1887, phần lớn công trình kiến trúc của chùa đã bị phá hủy.
Năm 1889, Hòa thượng Tâm Truyền được vua Thành Thái (ở ngôi: 1889 – 1907) ban tiền để tổ chức trùng tu chùa nhưng đến năm Giáp Thìn (1904), lại bị cơn bão dữ lại một lần nữa làm điêu tàn… Mãi đến năm 1953, chùa mới được trùng tu có cảnh chùa như hiện tại.

Trong lịch sử, chùa Diệu Đế ngoài vai trò là Quốc tự của triều đình, còn là “chứng nhân” quan trọng cho mấy độ thịnh suy của Phật giáo suốt chiều dài lịch sử. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, nơi đây là điểm xuất phát cho lộ trình rước Phật Diệu Đế – Từ Đàm vào dịp lễ Phật đản hằng năm. Và, cũng trong những năm tháng của thập kỷ bi hùng ấy, Diệu Đế còn là một trong những nơi diễn ra phong trào đấu tranh của Phật giáo đồ chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.

Du khách đến Huế có thể ngắm cảnh chùa thanh u soi mình trên gương nước con sông đào nhỏ nhỏ rợp bóng cây. Chỗ này thuộc phường Phú Cát, số 100B Bạch Đằng, gần bên cầu Gia Hội, trên vùng đất hào hoa nơi biết bao tài tử văn nhân tài hoa từng lưu ngụ.

Năm 2008, chùa Diệu Đế lại như thêm một lần “sống lại” trong không khí tưng bừng của mấy chục nghìn người con Phật hân hoan trên con đường rước Phật vào dịp Đại lễ Phật đản Vesak 2008 sau bốn thập kỷ gián đoạn.

Xin dẫn ra đây một khổ thơ trong bài thơ liên hoàn của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, được viết dưới một thời mà quang âm còn chưa kịp làm mờ phai trong tâm trí:
Huế đô sợi tóc buộc ngàn cân,
Thành nội vang rền súng ngoại nhân,
Sườn núi mở tung gan phật tử,
Lòng sông nghẹn uất máu lương dân.

Nhưng chùa Diệu Đế còn cao vút,
Thì bóng ma vương phải xóa dần.
Mình chẳng giết mình ai giết nổi,
Ngàn thu văng vẳng tiếng chuông ngân…
(Trích: Chuông chùa Diệu Đế,
Vũ Hoàng Chương, 1966).