Chùa Giác Lâm

Đầu thế kỷ XVIII, dân Việt Nam khai phá mở mang vùng đất đến tận Đồng Nai – Gia Định. Theo truyền thống từ xưa, làng mạc xây dựng đến đâu thì chùa chiền mọc lên ở đó để làm chỗ sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của quần chúng. Một trong những ngôi chùa có ảnh hưởng sâu rộng ở vùng đất mới ở phương Nam còn tồn tại đến nay là Tổ đình Giác Lâm.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: “Chùa Giác Lâm ở tại gò Cẩm Sơn,

Tên bài viết là: Chùa Giác Lâm, ngôi chùa nổi tiếng Sài Gòn – Gia Định. Tiêu đề bài viết này do chúng tôi đặt lại (B.T).
Chùa Giác Lâm hiện tọa lạc tại số 118, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825): Công thần triều Nguyễn, từng giữ chức Hiệp Tổng trấn thành Gia Định (1808), Tổng trấn thành Gia Định (1820), được phong tước An Toàn hầu. Ông là một tác gia văn học nổi tiếng đầu thời Nguyễn.

Cách lũy Bán Bích về phía tây ba dặm, hình tựa bình phong, đội nón, mở trướng trải thảm, rộng chừng ba mẫu. Cây to thành rừng, hoa núi như gấm, sớm chiều mây khói bốc lên nhiễu quanh. Chùa tuy nhỏ nhưng cảnh thú vị.
Mùa xuân Giáp Tý, năm thứ 7 triều vua Thế Tông (tức chúa Nguyễn Phước Hoạt – 1774), ông Lý Thoại Long, người xã Minh Hương, cúng tiền xây dựng chùa viện, trang nghiêm nhà thiền thanh tịnh. Vào dịp tiết đẹp Thanh Minh (mồng 6 tháng Ba âm lịch), Trùng Cửu (mồng 9 tháng Chín âm lịch), thi nhân, du khách, tụm năm tụm ba mở tiệc rượu, ngồi ngắm hoa, nâng chén quỳnh mà ngâm vịnh. Trông xuống phố chợ bụi bặm xa cách, vượt ngoài tầm mắt, thật là đáng du ngoạn thưởng thức.
Từ 1772 – 1827, có Đại lão Hòa thượng Viên Quang, đời thứ 36 dòng Thiền Lâm Tế chính tông, là bậc chân tu kiên trì mật hạnh. Từ thuở ấu thơ đến lúc cao tuổi, càng ngày càng tinh tiến. Tính ngài thích mây khói, suối đá nên bước chân hiểm khi đặt chân đến chốn thành thị ồn ào.
Từ lúc gậy thiền bay đến đây, trong núi dứt phiền não, dưới rừng xây chùa Phật. Năm Gia Long thứ 15 (1816), ngài mở giới đàn lớn, từ đó thiện nam tín nữ quy y đông đảo nên cửa thiền càng phát triển, thịnh vượng.
An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức và Hòa thượng Viên Quang vốn có nhân duyên thân thiết từ thời thơ ấu. Sau mấy mươi năm loạn lạc xa cách, mỗi người đi một hướng, đạo, đời khác nhau.
Dưới triều Gia Long (ở ngôi: 1802 – 1820), Trịnh Hoài Đức được cử giữ chức Hiệp Tổng trấn thành Gia Định. Một dịp đi chùa lễ Phật, ông gặp người bạn cũ, bây giờ đã trở thành bậc cao tăng – Hòa thượng Viên Quang. Cảm xúc trào dâng, Trịnh Hoài Đức đã làm bài thơ kỷ niệm:

Nhớ xưa thuở thái bình,
Đất Đồng Nai thạnh mỹ,
Đạo Phật được hưng sung,
Nhà ngoại thêm phú quý.

Ta đồng tử đốt hương,
Sư giới hạnh tu hành.
Bên ngoài chia đạo đời,
Bên trong đồng tâm chí.

Loạn lạc phải xa nhau,
Thế giới thành ngạ quỷ.
Ta trôi nổi vào ra,
Bọt bèo biến sanh tử.

Mới đó bốn mươi năm,
Chớp choáng chuyện thế sự.
Nay bỗng nhiên nhàn hành,
Nơi thiền môn gặp gỡ.

Ta Hiệp trấn Tướng công,
Sư Cao tăng Thượng sĩ.
Nhìn xưa như giấc mộng,
Tâm cùng tâm tương nghị.

Chuyện xưa nói sao cùng,
Đạo lớn vốn như thị.

Kế thừa Hòa thượng Viên Quang, các vị cao tăng như Hải Tịnh, Hoằng Ân… nỗ lực phát triển chùa Giác Lâm thành trung tâm giáo dục, đào tạo tăng tài ở miền Nam. Để giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời kỳ đất nước mất độc lập, các ngài đã chú tâm phát huy lễ nhạc làm phương tiện truyền bá giáo lý đạo Phật trong quần chúng. Từ nguồn mạch tâm linh này, dần dần hình thành bộ môn đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương Nam Bộ.
Đến nay, trải qua hơn 300 năm lịch sử phát triển của thành phố, nhiều ngôi chùa cổ như Khải Tường, Từ Ẩn, Mai Sơn… đã bị thực dân Pháp phá hủy. May mắn Tổ đình Giác Lâm vẫn tồn tại uy nghi, làm chứng cho bao cuộc thịnh suy của vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Chùa Giác Lâm xứng đáng là một di tích lịch sử văn hóa, mỹ thuật quý báu của dân tộc Việt Nam.