BÀI TRÍ KHÔNG GIAN NHÀ THEO PHONG THỦY MANG LẠI THỊNH VƯỢNG CHO GIA CHỦ
Ứng dụng của Phong thủy hiện đại trong nhà ở
Vấn đề cần tìm hiểu đầu tiên là: Thế nào là Phong thủy hiện đại?
Lý luận Phong thủy là lý luận thiết kế và quy hoạch kiến trúc cổ đại, tập hợp các ngành khoa học như: Địa lý học, Kiến trúc học, Cảnh quan học, Sinh thái học và Sinh mệnh nhân thể học. Phong thủy hiện đại không phải là việc bàn bạc và lý giải về những điều mê muội, mê tín, mà là Phong thủy được chắt lọc và đúc kết lại những điều có thật, những gì tinh túy và giá trị nhất. Tôn chỉ cao nhất của nó là khảo sát tỉ mỉ, tìm hiểu môi trường tự nhiên, thuận theo tự nhiên, biết cách lợi dụng và cải tạo tự nhiên một cách chọn lọc và có giới hạn, tạo ra môi trường nhà ở và môi trường sống tốt đẹp, từ đó có được thuận lợi lớn về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đạt đến cảnh giới hướng thiện là trời và người hợp nhất.
Trải qua một quá trình phát triển lâu dài, lý luận Phong thủy đã hấp thụ và dung hợp các ngành khoa học từ cổ xưa đến hiện đại, từ trong nước đến ngoài nước, gồm các lĩnh vực: mỹ học, lý luận học, tôn giáo, phong tục tập quán trong dân gian, và hình thành một hệ thống lý luận độc đáo, có nội hàm phong phú, tính tổng hợp và tính hệ thống cao – đó chính là Phong thủy hiện đại.
Thực tế đã chứng minh, Phong thủy hiện đại đã mang lại sự ứng dụng diệu kỳ trong xây dựng và bài trí nhà ở. Đó là:
Phòng khách to – phòng ngủ nhỏ
Thực tế hiện nay, các mẫu thiết kế phổ biến của nhà ở là phòng khách to – phòng ngủ nhỏ. Kiểu bố trí này không chỉ phù hợp với quan điểm của Phong thủy mà còn được luận chứng trong thuyết dưỡng sinh.
Trong quan niệm của Phong thủy, bốn chữ “tàng phong tụ khí” đã hàm chứa đầy đủ ý nghĩa của nó. Theo quan điểm của khoa học hiện đại, bên ngoài cơ thể con người tồn tại một tầng trường khí mà mắt thường không nhìn thấy được, được hình thành do sự lưu động không ngừng của nguồn năng lượng từ cơ thể phát ra. Loại năng lượng này hòa lẫn với nhau tạo nên “khí” nhằm duy trì sự sống.
Đặc trưng của loại trường khí này là thường tụ mà không tán. Hãy tưởng tượng nó giống như cơ thể người được khoác một lớp áo giáp để bảo vệ và chống lại các tác nhân xấu từ môi trường bên ngoài. Nếu trường khí này bị tán đến một mức độ nhất định, cơ thể con người sẽ bị các yếu tố có hại xâm nhập và dẫn đến bệnh tật. Người xưa có câu: “Nhà nhỏ người đông khí vượng” – điều này phù hợp với lý luận tụ – tán của trường khí giữa cơ thể người và môi trường sống.
Thực tế cũng tồn tại một kiểu “phòng dưỡng tâm”. Ví dụ tại Cố Cung (Bắc Kinh), phòng sách (hay còn gọi là thư phòng) của hoàng đế Ung Chính và phòng ngủ phía sau thư phòng ở phía Tây có diện tích không quá 10m². Nếu quan sát kỹ sẽ thấy diện tích giường gỗ khá lớn, được kê sát vào tường, ứng dụng nguyên tắc “giường có tường dựa”. Điều này cho thấy: hoàng đế không phải không được ở phòng lớn, mà là đã chọn kiểu phòng ngủ “dưỡng khí”.
Không gian phòng ngủ
Không gian phòng ngủ được thiết kế không quá rộng theo kiểu phòng ngủ “dưỡng khí”, mang lại sự ấm áp. Giường được kê tựa sát vào tường, tạo nên cảm giác bình yên.
Ngủ trong từ trường
Các nhà phong thủy khuyên rằng khi chọn nhà ở, tốt nhất gia chủ nên mang theo kim chỉ nam để xác định hướng nhà, nên chọn nhà có hướng chính Nam – Bắc hoặc chính Đông – Tây. Vì khi ở trong ngôi nhà có hướng như vậy, bạn mới có thể bài trí giường ngủ tiếp cận theo hướng chính Nam – Bắc hoặc Đông – Tây.
Thực tế, trên Trái Đất có rất nhiều đường lực từ trường chạy theo hướng Nam – Bắc. Đạo giáo cho rằng cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, cũng tồn tại trong một từ trường. Đầu và chân tương ứng với hai cực Nam và Bắc. Khi ngủ, tốt nhất là nằm theo hướng Nam – Bắc, cùng hướng với lực từ trường của Trái Đất, giúp điều chỉnh lại cơ thể sau một ngày lao động mệt mỏi có thể làm rối loạn từ trường, như vậy sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
Nếu treo đèn trong phòng ngủ nằm ở hướng không thẳng với nhà, đường lực từ sẽ cắt chéo cơ thể bạn. Mặc dù không thể thấy rõ sự cản trở đó lớn đến đâu, nhưng chắc chắn không tốt bằng cách bố trí theo phương hướng thuận tự nhiên.
Thực tế có một số người trang trí phòng ngủ rất lộng lẫy, trên trần treo một chiếc đèn lớn, đẹp, nhưng lại nằm ngay phía trên giường ngủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm thức của con người, đặc biệt là khi bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Lúc này, tiềm thức dần mất đi khả năng phòng vệ. Việc treo đèn trên giường sẽ làm cho tiềm thức căng thẳng, bất an. Vì vậy, tốt nhất không nên treo đèn thẳng hướng với giường ngủ. Thay vào đó, chỉ nên dùng đèn bàn ở đầu giường và thiết kế đèn mắt trâu bố trí vào bốn phía trần nhà, tạo không gian ánh sáng dễ chịu, giúp giấc ngủ sâu hơn. Nếu nhất định phải treo đèn trên giường, cần cố định chắc chắn, không nên dùng loại đèn treo đung đưa.
Nghệ thuật trồng cây cảnh
Trồng cây cảnh trong phong thủy nhà ở mang lại sinh khí mạnh mẽ, lâu bền, hỗ trợ tốt cho cuộc sống và sự nghiệp. Khi bạn bài trí các chậu hoa màu trắng, chúng có tác dụng thúc đẩy sự năng động, tăng khả năng giao tiếp và làm sạch không khí. Hoa màu vàng có thể kích thích sự phát triển, hỗ trợ tài lộc. Màu xanh mang đến sự hài hòa, giúp con người giữ bình tĩnh để phán đoán. Màu hồng đại diện cho sức sống trẻ trung và tinh thần. Màu xanh lá cây tốt cho sức khỏe, biểu tượng cho sự an toàn và an tâm, có lợi cho sự ổn định nhịp tim. Màu tím giúp tinh thần minh mẫn, tăng khả năng cảm thụ nghệ thuật.
Về ứng dụng, nếu giường và cửa đối nhau thì có thể hóa giải bằng cách cắm một bình hoa tươi. Trong phòng bếp, hoa tươi giúp tăng thêm khí chất của nữ chủ nhân. Nếu nữ chủ nhân thường xuyên nôn nóng, bồn chồn, u uất, bi quan thì nên dùng các loại hoa có màu xanh lục, trắng hoặc tím.
Treo tranh trong nhà
Khi chọn tranh treo trong nhà, có thể chọn các bức tranh như: “Cửu ngư” (9 con cá), “Tam dương” (3 con dê), “Bách điểu triều phượng” (trăm chim về chầu phượng), hay tranh “Thanh oa hí thủy” (chim sẻ nô đùa bên nước), giúp con người cảm thấy gần gũi với thiên nhiên.
Những bức tranh phong cảnh nhẹ nhàng như hoa mẫu đơn sẽ mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu khi trở về nhà. Tranh tiên, Phật cũng có thể treo, nhưng nên chọn các hình ảnh có gương mặt thân thiện, từ bi, biểu lộ cảm xúc tốt lành, hòa hợp.
Chọn dùng màu sắc
Phối màu trong nhà phải đảm bảo phù hợp với tâm sinh lý của con người. Nếu trong nhà sử dụng quá nhiều màu xanh đậm, lâu ngày sẽ gây cảm giác u uất, nặng nề. Màu tím, do có pha hồng, dễ tạo cảm giác kích thích mạnh, khiến người trong nhà dễ bị phân tâm, khó tập trung giải quyết công việc. Màu phấn hồng là màu rất không phù hợp vì dễ khiến tính khí con người trở nên nóng nảy, dễ gây tranh cãi. Màu xanh quá nhiều cũng làm ý chí sa sút.
Người Trung Quốc cho rằng màu đỏ là màu tốt lành, nhưng nếu sử dụng quá nhiều sẽ gây quá tải thị giác, chỉ nên dùng như màu nhấn, không dùng làm màu chủ đạo. Trong khi đó, nếu dùng quá nhiều màu vàng sẽ khiến người trong nhà dễ buồn bã, tạo ra cảm giác mộng tưởng; những người mắc bệnh thần kinh càng nên tránh màu vàng. Màu trần bì (nâu cam nhạt) tuy mang lại cảm giác ấm áp, tràn đầy sinh lực nhưng dùng quá mức cũng dễ gây phiền não.
Màu sắc tốt nhất trong nhà là màu trắng sữa, màu ngà voi và màu trắng. Đây là các màu phù hợp nhất với hệ thần kinh thị giác của con người, vì ánh sáng mặt trời có màu trắng, biểu tượng cho sự sáng sủa và hy vọng, đồng thời cũng dễ phối hợp với đồ nội thất trong nhà.
Màu gỗ cũng rất phù hợp vì dễ gợi cảm hứng và trí tuệ, là màu điều hòa tốt, đặc biệt nên sử dụng nhiều trong phòng đọc sách.
Bài trí phòng khách
Trong tổng diện tích ngôi nhà, thông thường phòng khách là nơi có không gian lớn nhất, là nơi tập trung sinh hoạt chung của tất cả các thành viên trong gia đình. Đây là nơi diễn ra các buổi hội họp, giải trí, tiếp khách… và cũng là không gian nối liền với phòng ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ, phòng đọc sách, ban công. Chính vì vậy, phòng khách luôn được gia chủ chú trọng trang trí đẹp đẽ, sang trọng, là nơi thể hiện phong cách, đẳng cấp, văn hóa và những thói quen, sở thích sống của người cư ngụ trong ngôi nhà.
Hai tiêu chí để đánh giá một phòng khách lý tưởng là: Thứ nhất, tính độc lập và thứ hai là tính hiệu quả của không gian. Thực tế hiện nay vẫn có nhiều phòng khách giữ vai trò “tiền sảnh” như trước đây, cũng có phòng khách đã tạo ra được một không gian độc lập và tách rời với không gian lưu thông. Tuy nhiên, cách thiết kế này cũng làm cho tổng diện tích của căn hộ tăng đáng kể. Việc xem xét bốn mặt tường của phòng khách có thuận lợi không, vị trí cửa ra vào, cửa sổ, ban công hay nhà vệ sinh có hợp lý không cũng rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến việc bài trí đồ đạc trong nhà. Việc sử dụng không gian phải đảm bảo tính tiện lợi, hiệu quả sử dụng cao. Phòng khách có nhiều chỗ lồi ra lõm vào, ánh sáng mờ nhạt sẽ khiến phòng khách tối hơn.
Khi chọn mua một căn nhà, điều quan trọng nhất là phòng khách như thế nào. Một căn hộ vuông vắn không đồng nghĩa với việc phòng khách vuông. Phòng khách lý tưởng nhất, đẹp nhất là phòng khách vuông vắn, thông gió tốt, có ánh sáng tự nhiên, ban công và cửa sổ ở hai đầu phòng khách kết hợp tạo ra một không gian thoáng đãng.
Thật sai lầm khi có ai đó nghĩ rằng trang trí nhà càng xa hoa thì càng đẹp, phòng khách càng rộng càng tốt, vì nếu phòng khách quá rộng sẽ gây cảm giác “tiền sảnh khách sạn” khiến người ở có cảm giác lạnh lẽo. Các chuyên gia cho rằng, nếu căn hộ có diện tích từ 90 – 150m² thì diện tích phòng khách nên ở mức 15 – 30m²; cho dù là nhà biệt thự thì diện tích cũng không nên quá 40m². Chiều rộng phòng khách tối thiểu là 4,2m, độ sâu không quá 7m, độ cao trên 3m.
Chú ý khi thiết kế
Khi bước vào một ngôi nhà, nơi mà chúng ta nhìn thấy đầu tiên là phòng khách. Nếu phòng khách sáng sủa, rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ và tràn đầy không khí tươi mát thì sẽ giúp cho tinh thần chúng ta hưng phấn. Tuy nhiên, nếu chúng ta phải đi qua một hành lang dài, tối tăm, không khí đầy mùi khói thuốc và dầu mỡ, phía góc hành lang còn có một túi rác chứa đồ,… rồi mới đến phòng khách thì đó quả là điều không tốt cho tinh thần và sức khỏe.
Do đó, nếu diện tích phòng khách không được rộng, bạn có thể nhờ kiến trúc sư tư vấn. Một số thủ thuật thiết kế có thể giúp bạn có được không gian lý tưởng. Trước hết, phòng khách cần được thiết kế với đường nét rõ ràng, theo tuyến để tạo cảm giác liên tục, nhịp điệu, giảm bớt sự khô cứng của căn phòng, làm cho không gian trở nên rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tính toán và sắp xếp một cách khoa học các vật dụng trong căn phòng. Ví dụ như: thiết kế nội thất bám tường để tiết kiệm diện tích; sử dụng các mảng kính lớn để tạo cảm giác hiện đại và mở rộng không gian; các vật dụng như kệ tủ, kệ ti vi,… có thể thiết kế âm tường để tiết kiệm tối ưu diện tích.
Nên sử dụng các đồ vật đa năng (cánh tủ âm tường có thể thiết kế thành tấm gương, gầm bàn là tủ đựng đồ), tận dụng tối đa không gian trên cao và phía dưới thấp để trang trí. Mặt sàn được lát gỗ hoặc trải thảm cũng góp phần tăng diện tích ngồi cho phòng khách. Việc lựa chọn màu sắc cho các mảng tường và sàn phòng khách cũng rất quan trọng. Với phòng nhỏ, hẹp, nên sử dụng các gam màu nhạt như xanh nhạt hoặc ghi sáng để đẩy lùi cảm giác chật chội, giúp căn phòng trông rộng hơn.
Phòng hẹp, bạn có thể lát sàn chéo để tạo hiệu ứng chuyển động, làm không gian thêm rộng. Cùng với sàn và tường, mảng trần phẳng, bóng sẽ giúp hạn chế cảm giác trần nhà thấp. Nhờ sự tương tác giữa sàn, trần và tường, phòng khách nhà bạn sẽ có một không gian hài hòa và hợp lý.
Các chuyên gia cho rằng căn phòng sẽ trở nên lạnh lẽo và thiếu sức sống nếu để những đồ đạc hiện đại lấn át. Vì vậy, nếu phòng khách nhà bạn có lò sưởi (thật hoặc chỉ để trang trí), hãy cố gắng biến nó thành điểm nhấn quan trọng nhất, thay cho những chiếc tivi lớn hay dàn hi-fi đồ sộ.
Phòng khách nên có hình vuông hoặc hình chữ nhật để khí không bị ngưng tụ. Trừ trường hợp phòng khách quá nhỏ, nếu không thì đừng kê đồ đạc sát tường. Nếu căn phòng không vuông vắn, hãy đặt một chậu cây ở góc thừa để khí không bị dồn nén vào một chỗ. Đừng bao giờ kê ghế theo hướng quay lưng lại với cửa ra vào vì sẽ tạo cảm giác bất an.
Nếu từ phòng khách có thể nhìn thấy các phòng khác thì nên bố trí bình phong hoặc lắp cửa để che chắn, tránh để khách đến nhà nhìn thấu mọi bí mật riêng tư.
Bố trí hoa và cây cảnh sẽ giúp làm tròn những góc bàn, góc ghế trong phòng. Đừng bao giờ kê bàn ghế dưới xà hoặc rầm nhà, vì người ngồi sẽ luôn có cảm giác bị đè nặng. Những món đồ mềm như ghế sofa, gối, đệm ngồi… sẽ giúp cân bằng âm dương.
Treo một tấm gương (hình bát giác là tốt nhất) phía trên lò sưởi để tạo cảm giác căn phòng rộng hơn. Gương đặc biệt hữu ích khi muốn mở rộng không gian (ảo) và làm phòng thêm sáng sủa. Bể cá cảnh cũng là vật hữu ích giúp bạn thêm may mắn, tiền bạc và thuận hòa.
Chú ý cách bố trí
- Bình phong:
Bố trí bình phong trong phòng khách có tác dụng phong thủy quan trọng. - Lựa chọn hình dáng:
Phòng khách có phong thủy tốt nhất là hình vuông. Khu vực kê bàn ghế uống nước không nên xung sát với góc tường. Tránh có xà ngang, nếu có cần tìm cách che lại. Ghế salon không nên kê dưới xà ngang vì dễ gây căng thẳng tinh thần. Nếu có góc nhà nhô ra, cần hóa giải bằng vật dụng hoặc đặt cây cảnh. Nếu phòng khách hình chữ L thì có thể ngăn thành hai phần bằng bình phong, tủ hoặc treo gương để khắc phục khiếm khuyết.
Phòng khách hình vuông (“tứ bình bát ổn”) cho thấy chủ nhân quang minh chính đại. Nếu rộng ngang nhưng ngắn chiều sâu, chủ nhân là người cởi mở nhưng khó giữ tiền của. Nếu hẹp ngang mà sâu, tài vận tốt.
Nên bố trí một huyền quan ở lối vào phòng khách. Phòng khách và cửa chính nên cùng hướng. Có thể đặt bình phong ngăn giữa cửa chính và phòng khách. Ghế chủ nhà nên ở giữa, hai bên là chỗ cho khách. Ghế của chủ nên có chỗ tựa, cao hơn ghế khách. Nền nhà nên bằng phẳng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến vận may và sự nghiệp.
Cửa đi và cửa sổ là nơi tiếp nhận ánh sáng và khí – cũng là nơi đón tài khí. Nếu cửa chính nối liền cửa sổ và cửa sau theo đường thẳng sẽ gây “xuyên đường sát”, tài khí vào trước ra sau, không tụ được.
- Phòng khách rộng, cao, hướng Nam:
Cho thấy khí thế vượng, chủ nhà rộng rãi, cởi mở. Nên lắp cửa sổ tại nơi xoay góc để đón gió, ánh sáng và ngắm cảnh. - Nhà hình vuông, phòng ngủ tách biệt với WC và phòng thay đồ:
Cho thấy địa vị trung tâm của chủ nhà. Có thể hóng mát ở ban công, tạo sinh khí.
Bố trí Tài vị
Phòng khách ảnh hưởng lớn đến tài vận, sự nghiệp và danh dự gia đình, gọi là Tài vị. Tài vị cần ổn định và tĩnh, thường là góc chéo từ cửa bước vào.
Lưu ý khi bố trí Tài vị:
- Nếu tại Tài vị có cửa sổ, nên che lại bằng gỗ hoặc rèm để giữ khí.
- Kỵ khi từ cửa chính nhìn thấy bếp – nên thay đổi vị trí bếp hoặc dùng bình phong.
- Kỵ ngồi ở phòng khách mà thấy hết các cửa phòng – ảnh hưởng riêng tư.
- Tránh để cửa chính thông thẳng ra cửa sau, tạo thế “nhà thông thông” – tài khí không tụ.
Phối màu sắc
Màu sắc nên chọn theo nguyên tắc trạch mệnh tương phối:
- Mệnh Mộc: Nâu, xanh lá, xanh lam, xám (Thủy sinh Mộc).
- Mệnh Hỏa: Đỏ, tím, xanh lá (Mộc sinh Hỏa).
- Mệnh Thổ: Nâu, vàng, đỏ, tím (Hỏa sinh Thổ).
- Mệnh Kim: Trắng, vàng sẫm, nâu, vàng đất (Thổ sinh Kim).
- Mệnh Thủy: Xanh lam, xám, trắng, vàng sẫm (Kim sinh Thủy).
Nắm vững nguyên lý phong thủy – ngũ hành sinh khắc – sẽ giúp phối hợp tối ưu.
Nguyên tắc bài trí
- Phong cách thống nhất:
Thiết kế nên thống nhất phong cách (truyền thống hoặc hiện đại). Tránh pha trộn lộn xộn, trừ khi có ý đồ Đông – Tây kết hợp hoặc cổ – kim dung hòa.
- Căn hộ vừa và nhỏ nên chọn phong cách hiện đại – giúp sáng sủa, gọn gàng, rộng rãi.
- Căn hộ lớn phù hợp phong cách cổ điển – nếu dùng cho nhà nhỏ sẽ tạo cảm giác tù túng.
- Vật liệu trang trí:
Chọn vật liệu trang nhã, thanh thoát, hài hòa. Quan tâm đến màu sắc và phẩm chất để đạt hiệu quả thị giác và phong thủy tốt.
Phải chú trọng việc trang trí các vách tường.
Cách trang trí vách tường vừa thể hiện cảm hứng của chủ nhà, vừa ảnh hưởng đến khí trong nhà. Theo các chuyên gia Phong thủy, phòng khách là trung tâm của ngôi nhà, nơi đây thuộc vị trí “Hoàng cực”. Dương khí và sinh khí là hai loại khí không thể thiếu trong phòng khách. Vì vậy, khi trang trí các vách tường phải cố gắng làm lộ rõ dương khí và sinh khí.
Những điều kiêng kỵ
- Màu sắc trang trí phòng khách không nên u ám, lạnh lẽo; màu sắc u ám, lạnh lẽo sẽ tích tụ âm khí.
- Không nên dùng tranh ảnh nữ nhi để trang trí trên tường. Tranh ảnh nữ nhi thuộc âm, nếu dùng để trang trí trên tường sẽ làm thịnh âm khí, khiến nội khí mất cân bằng.
- Không nên lạm dụng giấy dán tường. Đặc tính của giấy dán tường là dễ hút ẩm và lên mốc, hơi ẩm mốc sẽ sinh ra những điều không may, gây bất lợi cho gia đình.
- Phòng khách không được trống trải mà nên được trang hoàng. Khi bài trí phòng khách, không nên để không gian quá trống trải, lạnh lẽo vì đó là biểu tượng của sự suy thoái, tàn tạ — là điềm chẳng lành.
Bài trí không gian thờ cúng
Trong quan niệm của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, người ta luôn đặt nơi thờ cúng tại vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà. Theo quan niệm xưa, bàn thờ được đặt cố định tại khu vực trung tâm của nhà. Ngay ở cửa chính có thể đặt bàn thờ và bộ bàn ghế tiếp khách. Đây cũng chính là cách bài trí quen thuộc, mang lại sự hài hòa với cấu trúc không gian nhà ở truyền thống vốn có hàng hiên và sân vườn bao bọc xung quanh.
Đối với nhà ở hiện đại thì diện tích và cấu trúc không gian đã khác xưa. Thói quen sống và quan niệm trong sinh hoạt có nhiều thay đổi, do vậy mà cách bố trí bàn thờ cũng đa dạng hơn và có nhiều vấn đề cần cân nhắc hơn.
Cách đặt phòng thờ phổ biến nhất hiện nay là bố trí trên tầng thượng, vừa thoáng khí, vừa có khoảng sân rộng để tập trung đông người vào các dịp giỗ Tết, hạn chế va chạm trong sinh hoạt hàng ngày.
Bàn thờ đặt ở vị trí trang trọng nhất – khu vực trung tâm nhà.
Thực tế, một số gia đình không muốn đưa bàn thờ lên tầng cao, nguyên do là gây khó khăn cho người lớn tuổi khi chăm lo hương khói, quét dọn bàn thờ, và nếu đặt quá cao sẽ tạo cảm giác xa cách.
Tuy nhiên, mỗi ngày vài lần đi lên phòng thờ cũng giống như một hình thức tập thể dục. Đồng thời, cần giáo dục thế hệ trẻ ý thức hướng về tổ tiên; tất cả mọi người trong gia đình nên thay phiên nhau hương khói.
Nếu nhà ít người, hoặc quá khó khăn, hoặc là nhà trệt, căn hộ chung cư, tập thể… thì có thể đặt bàn thờ liền với không gian phòng khách. Tuy nhiên, cần có giải pháp thoát khói và chống ố vàng trên trần, ví dụ như: dùng tủ thờ có nóc, dùng tấm kính ngăn phía trên, đặt bàn thờ gần cửa thông gió.
Đối với bàn thờ Thần Tài và Ông Địa nên đặt ngay tại lối vào chính và ở dưới đất, vì việc thắp nhang — nhất là nhang thơm — có tác dụng xua đuổi không khí ẩm ướt, côn trùng vào những buổi sáng sớm hoặc chiều tối (là khoảng thời gian chuyển tiếp giữa Âm và Dương, ánh sáng nhá nhem, vi khuẩn nhiều và độ ẩm tăng). Đồng thời, theo quan niệm dân gian, làm như vậy việc “nghinh tiếp Thần Tài” sẽ trực tiếp hơn.
Bàn thờ Thiên thì hầu như là lộ thiên hoàn toàn, có thể đơn giản chỉ là một bệ đá, hoặc cầu kỳ hơn là một trang thờ có mái. Sân thượng hoặc ban công phía trước là nơi phù hợp để đặt bàn thờ Thiên, có thể thắp nhang để xua đuổi âm khí, tạo thêm một nét ấm áp cho sinh hoạt trong ngôi nhà Việt.
Bàn thờ nên có độ cao phù hợp với tỷ lệ người trong gia đình, tránh làm quá cao (phải leo trèo, không an toàn) hoặc quá thấp (dễ bị va chạm và thiếu sự tôn nghiêm). Trường hợp có nhiều tầng thờ thì sắp đặt theo thứ tự từ cao xuống thấp theo ngôi thứ.
Tủ thờ thường có phần dưới và hai bên là tủ chứa đồ (gia phả, lịch giỗ kỵ, vàng mã, hương đèn…). Nếu bệ thờ làm theo kiểu tấm đan bê tông thì cũng nên kê một tủ nhỏ hay bàn vào khoảng trống bên dưới để thuận tiện cho việc sắp xếp vật dụng trong các dịp giỗ Tết.
Phòng thờ có thể kết hợp với phòng đọc sách, phòng khách hoặc là nơi trà đàm, sinh hoạt gia đình trang trọng. Kỵ nhất là bố trí cùng với phòng ngủ hoặc nơi giải trí ồn ào, vì thiếu trang nghiêm và không phù hợp với trường khí của phòng thờ vốn thuộc Âm.
Tóm lại, có thể tùy theo hoàn cảnh gia đình mà cách bài trí phòng thờ, bàn thờ được linh hoạt điều chỉnh, trên tinh thần trang nghiêm, ít bị ảnh hưởng bởi các sinh hoạt khác.
Trong ngôi nhà hiện đại – nhất là căn hộ chung cư – cần sự giản dị và đảm bảo tính mỹ thuật. Tránh trang trí bàn thờ quá lòe loẹt, cầu kỳ. Bài trí bàn thờ cần đảm bảo tính trang nghiêm nhưng không u tịch, bởi nhà ở gia đình (thuộc tính Dương) không bao giờ là một ngôi chùa hay đền – miếu – phủ – am (thuộc tính Âm, là “vãng sinh đường” cho khách thập phương).
Không gian thờ cúng trong nhà vốn mang tính tâm linh. Nó chính là sự kết nối giữa các thế hệ, đồng thời là cách giữ vững nề nếp gia phong.
Bài trí phòng ngủ
Phòng ngủ vốn là nơi kín đáo, riêng tư, đưa con người vào giấc mộng, là nơi che chở cho linh hồn. Nó cũng là nơi đem lại cho con người sự yên tĩnh, thư thái và thoải mái nhất sau một ngày làm việc bận rộn và vất vả.
Trung bình mỗi người có một phần ba thời gian cuộc đời là dành cho giấc ngủ. Như vậy có thể thấy, tầm quan trọng của giấc ngủ là rất lớn. Khi ngủ, cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi cả thể xác lẫn tinh thần. Con người giống như một bình điện đã tiêu hao một số năng lượng vì làm việc, suy nghĩ, lo lắng, cảm xúc… suốt một ngày. Cho nên, giấc ngủ ban đêm là thời gian để cơ thể tái tạo số năng lượng đã mất. Nếu chúng ta không ngủ được, hoặc có một giấc ngủ không thoải mái, thì cơ thể không thể tái tạo được số năng lượng cần thiết cho ngày kế tiếp. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến sức khỏe ngày càng giảm sút, tinh thần dễ suy sụp và tuổi thọ sẽ ngắn lại.
Trong quan niệm phong thủy, phòng ngủ là nơi thiêng liêng nhất trong ngôi nhà. Phòng ngủ chính có chiều rộng không nhỏ hơn 3,6m, diện tích từ 14–17m²; phòng ngủ phụ có chiều rộng không nhỏ hơn 3m, diện tích từ 10–13m². Phòng ngủ cần đảm bảo tính riêng tư, tốt nhất nên có không gian lưu thông giữa phòng khách và phòng ngủ; ngoài ra, không nên mở cửa phòng ngủ hướng trực tiếp về phòng khách.
Thông thường, người ta hay đặt phòng ngủ của bố mẹ, người lớn ở phía Tây Nam hoặc Tây Bắc của ngôi nhà. Cách bài trí này giúp tăng ý thức trách nhiệm với con cái, giúp con người trưởng thành, chín chắn hơn trong công việc hay trong cuộc sống, luôn nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của người khác. Phòng ngủ đặt ở phía Bắc có đặc tính yên tĩnh, tốt cho người bị mất ngủ (nhất là với người già). Phòng ngủ ở phía Tây rất thích hợp cho các cặp vợ chồng, vị trí này giúp cho hai người yêu thương, hòa thuận, tình cảm mặn nồng hơn. Phía Đông hoặc Đông Nam của ngôi nhà nên dành cho những người trẻ tuổi mới thành đạt, giúp cho con đường công danh thuận lợi hơn. Theo Đông Tây tứ trạch, vị trí phòng ngủ có quan hệ đối ứng ở mức độ nhất định với năm sinh của chủ hộ.
Chú ý không đặt phòng ngủ trên nhà xe, hoặc ở phía dưới nhà vệ sinh; tối kỵ cải tạo ban công phía sau nhà thành phòng ngủ. Về hình dạng, phòng ngủ nên là hình vuông để thông gió, thoáng đãng; kỵ phòng ngủ có hình dạng dài, hẹp. Cửa phòng ngủ không được đối diện cửa nhà bếp, tránh khí ẩm nóng từ bếp lưu vào phòng ngủ. Vì trong phòng ngủ có chăn màn và nhiều đồ dùng bằng bông sợi, dễ hút ẩm mạnh khiến không khí trong phòng ẩm ướt.
Các phòng ngủ trong nhà không nên đối diện nhau, hướng cửa đối như vậy gọi là “tương mạ môn” (mắng chửi nhau), nguy cơ nảy sinh các vụ cãi cọ trong gia đình là rất lớn. Trong phòng ngủ có thể lắp đặt các loại tủ âm tường để tiết kiệm diện tích, hơn nữa đây là loại tủ có thể chứa được nhiều loại đồ đạc, quần áo, vật dụng, giúp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp hơn.
Nhà vệ sinh không nên đặt ở vị trí đầu phòng ngủ, như vậy sẽ làm cho phòng ngủ luôn ẩm ướt, không khí ô nhiễm. Hơn nữa, khi ra vào nhà vệ sinh tạo ra tiếng ồn ảnh hưởng đến giấc ngủ. Việc đặt nhà vệ sinh tại đó còn ảnh hưởng đến bố cục của căn phòng, do đó cần đóng cửa nhà vệ sinh hoặc treo rèm để khắc phục.
Nguyên tắc sắp xếp
Phòng ngủ là một trong bốn phần quan trọng nhất của một căn nhà. Từ vị trí của phòng ngủ, sự sắp xếp trong phòng ngủ, đến cách đặt giường, hướng nằm ngủ… đều là những yếu tố quyết định một giấc ngủ an lành. Chúng tôi xin đưa ra một số nguyên tắc căn bản trong việc sắp xếp phòng ngủ theo phong thủy:
- Nguyên tắc 1: Nếu chia chiều sâu căn nhà làm hai phần, thì phòng ngủ nên ở nửa sau. Lý do là vì sinh khí di chuyển từ đường vào nhà, nên phần trước chịu dao động mạnh hơn. Nếu phòng ngủ đặt ở nửa trước thì giấc ngủ dễ bị xáo trộn.
- Nguyên tắc 2: Phòng ngủ đặt ở hướng Bắc của căn nhà là thích hợp cho những người thường bị mất ngủ. Hướng Bắc thuộc hành Thủy – biểu tượng của sự yên tĩnh. Ánh sáng sẽ ở mức trung bình, không quá chói vào buổi sáng hay nóng bức vào buổi chiều. Yếu tố âm dương được cân bằng.
- Nguyên tắc 3: Tuyệt đối không biến phòng ngủ thành kho chứa đồ. Nếu có quá nhiều đồ đạc, sinh khí bị bế tắc, gây áp lực, khiến người ngủ cảm thấy ngột ngạt, khó ngủ.
- Nguyên tắc 4: Không nên đặt đầu giường ngay dưới một cây xà ngang. Cây xà sẽ dồn ép sinh khí, tạo áp lực lên đầu người ngủ và có thể gây nhức đầu mà y học chưa giải thích được.
- Nguyên tắc 5: Không nên đặt tủ, kệ sách phía đầu giường. Những cạnh, góc nhọn sẽ sinh ra tà khí như mũi tên độc, làm cho giấc ngủ không thoải mái và dễ bị nhức đầu.
- Nguyên tắc 6: Nằm ngủ đúng với hướng sinh khí của mình sẽ giúp ngủ ngon và tái tạo năng lượng. Mỗi người chịu ảnh hưởng của từ trường, nên nằm ngủ theo hướng phù hợp sẽ giúp tăng hiệu quả nghỉ ngơi.
- Nguyên tắc 7: Các thiết bị điện tử như ti vi, đài, máy tính… đặt trong phòng ngủ sẽ gây nhiễu loạn từ trường, làm giấc ngủ bị gián đoạn và giảm khả năng tái tạo năng lượng.
Bài trí phòng ngủ cho trẻ nhỏ
Với trẻ, phòng ngủ chính là sân chơi của chúng. Vì thế, để thiết kế phòng trẻ em, vừa tuân thủ các nguyên tắc phong thủy, vừa đảm bảo phù hợp với tính hiếu động là điều không dễ.
Gợi ý: Mang chủ đề của những câu chuyện cổ tích mà trẻ yêu thích vào phòng ngủ.
- Khi trang trí hoặc chọn đồ nội thất cho trẻ, nên quan tâm đến tính cách và sở thích của chúng. Tính cách của trẻ sẽ quyết định chủ đề chính của căn phòng.
Trong phong thủy, những cặp màu tương phản dưới đây thể hiện trạng thái tĩnh – động song hành trong phòng trẻ:
- Đỏ – xanh lá cây: Hợp với trẻ hiếu động, đỏ thuộc Hỏa kích thích thị giác, xanh lá gần gũi với thiên nhiên.
- Da cam – xanh dương: Hợp với trẻ hướng ngoại, đem lại cảm giác vui tươi và tăng trí tưởng tượng.
- Vàng – tím (hoặc hồng): Hợp với trẻ hướng nội và lãng mạn. Màu tím mềm mại, kín đáo thường được bé gái yêu thích.
Tùy theo lứa tuổi và giới tính của trẻ, có thể bổ sung hoặc điều chỉnh các cặp màu này.
- Không nên chọn vật sắc nhọn để trang trí phòng trẻ, nhằm tránh gây nguy hiểm.
- Hệ thống ánh sáng cũng rất quan trọng, đặc biệt là ánh sáng tự nhiên.
Bài trí phòng đọc sách
Nếu ngôi nhà của bạn có diện tích lớn, bạn có thể sử dụng một phòng chưa được dùng đến để biến thành phòng đọc sách. Nhưng nếu ngôi nhà quá hẹp, bạn có thể tận dụng một phần phòng ngủ làm góc học tập và làm việc.
Để thiết kế một phòng đọc sách có bố cục hợp lý, hợp phong thủy, ngoài việc chú trọng đến chức năng và công năng sử dụng của căn phòng, nhà thiết kế còn phải xác định vị trí của căn phòng dựa vào năm sinh của gia chủ.
- Năm sinh có đuôi là “0” bao gồm: 1930, 1940, 1950, 1960, 1970, 1980, 1990, 2000… nên đặt phòng học phía Tây Bắc.
- Năm sinh có đuôi là “1” bao gồm: 1931, 1941, 1951, 1961, 1971, 1981, 1991, 2001… nên đặt phòng ở chính Bắc.
- Năm sinh kết thúc bằng số “2” bao gồm: 1932, 1942, 1952, 1962, 1972, 1982, 1992, 2002… phòng ở Đông Bắc.
- Năm sinh kết thúc bằng số “3” bao gồm: 1933, 1943, 1953, 1963, 1973, 1983, 1993, 2003… phòng ở chính Đông.
- Năm sinh kết thúc bằng số “4” bao gồm: 1934, 1944, 1954, 1964, 1974, 1984, 1994, 2004… phòng học phía Đông Nam.
- Năm sinh kết thúc bằng số “5” bao gồm: 1935, 1945, 1955, 1965, 1975, 1985, 1995, 2005… phòng ở chính Nam.
- Năm sinh kết thúc bằng số “6” và “8” bao gồm: 1936, 1946, 1956, 1966, 1976, 1986, 1996, 2006 và 1938, 1948, 1958, 1968, 1978, 1988, 1998, 2008… nên đặt phòng ở Tây Nam.
- Năm sinh kết thúc bằng số “7” và “9” bao gồm: 1937, 1947, 1957, 1967, 1977, 1987, 1997, 2007 và 1939, 1949, 1959, 1969, 1979, 1989, 1999, 2009… phòng ở chính Tây.
Nếu năm sinh của bạn không phù hợp với căn hộ mà bạn chọn, bạn có thể thay thế bằng năm sinh của vợ (hoặc chồng), hoặc con bạn. Trong số đó, chỉ cần có một năm phù hợp là được, cả gia đình đều có lợi.
Bài trí nhà bếp
Nhà bếp là khu vực để chế biến và nấu chín thức ăn, do đó đây là không gian trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong nhà. Bếp lò nếu đặt ở vị trí hung sẽ khiến sức khỏe của mọi người suy giảm; nếu đặt ở hướng cát thì sức khỏe được đảm bảo. Vì vậy, vị trí đặt nhà bếp cần được chú trọng.
Khi thiết kế nhà bếp, trước tiên phải quan tâm đến nhu cầu nấu nướng, thói quen ăn uống, bố cục không gian. Nhà bếp dạng mở có thể mở rộng không gian, thể hiện sự thu hút, phong cách và cá tính trong trang trí, đồng thời phản ánh cuộc sống hiện đại.
Về chức năng, nhà bếp là nơi lưu trữ, sơ chế, nấu nướng, pha chế, phối hợp thực phẩm và vệ sinh dụng cụ. Đây là một không gian phục vụ tổng hợp, mỗi hoạt động lại đòi hỏi một diện tích phù hợp để thực hiện.
Những lưu ý quan trọng về hướng nhà bếp:
- Không đặt bếp hướng Nam, vì theo phong thủy, phía Nam thuộc Hỏa, nhà bếp cũng thuộc Hỏa – Hỏa thêm Hỏa dễ gây hại cho gia đình. Hơn nữa, hướng Nam khiến thức ăn nhanh ôi thiu.
- Không đặt bếp ở trung tâm nhà, vì dễ gây khí uế lan tỏa. Vị trí tốt nhất là phía Đông hoặc Đông Nam – hai hướng có ánh nắng mặt trời chiếu vào, giúp nhà bếp khô ráo và diệt khuẩn.
Về phong thủy, nhà bếp thuộc Hỏa, nên có 8 vị trí đặt lý tưởng:
- Phía Đông: Thuộc Mộc, Mộc sinh Hỏa. Nơi mặt trời mọc, có ánh sáng nên rất khô ráo.
- Phía Đông Nam: Cũng thuộc Mộc, có ánh sáng mặt trời, phòng khô ráo, hợp vệ sinh cả bốn mùa.
- Phía Tây Bắc: Tốt vào giờ Tuất và giờ Hợi. Tuy nhiên, Tây Bắc phương Càn là hung, có gió lạnh thổi vào làm bay mùi khắp nhà.
- Phía Đông Bắc: Tốt vào giờ Sửu, Dần. Tuy nhiên, nơi đây quay lưng với mặt trời, có khí ẩm và gió lạnh – phong thủy gọi là “Biểu quỷ môn”.
- Phía Tây: Vừa tốt vừa xấu – Hỏa sinh Kim là tốt, nhưng ánh nắng Tây gây nóng, khó bảo quản thực phẩm.
- Phía Nam: Là hướng xấu – Hỏa thêm Hỏa, gây nhiệt cao và ảnh hưởng sức khỏe.
- Phía Tây Nam: Cũng là hướng xấu – Thổ được Hỏa sinh, nhưng vào buổi chiều bị nắng gắt, khí nóng làm thực phẩm nhanh hỏng, dễ gây ẩm thấp. Phong thủy gọi là “Lý quỷ môn”.
Lưu ý thêm: Ngoài việc xác định vị trí hung – cát, bạn cần bài trí các vật dụng nhà bếp như máy hút mùi, bếp đun, vòi nước… tại những vị trí hợp phong thủy để đạt hiệu quả tối ưu cho sức khỏe và tài lộc.
Bố trí phòng tắm và nhà vệ sinh
Phòng tắm, nhà vệ sinh giải quyết tất cả các nhu cầu cơ bản như: rửa mặt, tắm, vệ sinh… Tuy nhiên, cần phân tách rõ ràng để tránh xung đột khi sử dụng. Về vị trí, nếu ngôi nhà chỉ có một phòng vệ sinh thì nên bố trí sao cho thuận tiện liên hệ với các phòng ngủ, đặc biệt là phòng ngủ chính. Nếu ngôi nhà có từ hai nhà vệ sinh trở lên, nên thiết kế một nhà vệ sinh chung ở vị trí thuận tiện, tránh để cửa nhà vệ sinh hướng vào cửa chính hoặc phòng khách.
Về diện tích, nhà tắm kiêm vệ sinh có bồn tắm nên có chiều rộng không nhỏ hơn 1,6m, lối đi trong phòng tắm không nhỏ hơn 1,2m. Ngoài những điểm trên, cần chú ý hai điều sau:
- Không đặt phòng tắm ở trung tâm nhà: Phòng tắm, vệ sinh nên tách biệt khỏi trung tâm nhà. Nhiều ngôi nhà hiện đại diện tích lớn thường phạm phải lỗi này, cần cân nhắc kỹ trong thiết kế.
- Phòng tắm không đối diện cửa chính: Cửa nhà tắm, nhà vệ sinh không nên đặt cùng hướng với cửa chính. Theo phong thủy, cửa chính là nơi đón sinh khí, nếu đối diện với nhà vệ sinh, sinh khí sẽ bị khí uế và ẩm thấp xâm nhập, ảnh hưởng xấu đến toàn bộ ngôi nhà. Từ góc độ tâm lý, việc bước vào nhà mà thấy ngay cửa nhà vệ sinh cũng tạo cảm giác thiếu thanh nhã và không riêng tư.
Bài trí khoảng sân nhỏ
Nếu khoảng sân, vườn nhà bạn quá tối, sẽ không mang lại sự hòa điệu và tĩnh lặng với thiên nhiên. Ngược lại, nó có thể tích tụ nhiều năng lượng tiêu cực, gây bực bội và khó chịu cho người sống trong nhà. Dưới đây là một số gợi ý để bạn tạo ra khoảng sân vườn như ý:
- Treo chuông gió
Chuông gió không chỉ mang lại yếu tố thẩm mỹ mà còn được tin là đem lại sự thịnh vượng và tài lộc cho gia chủ. Tiếng chuông nhẹ nhàng giúp tâm hồn thư thái, giảm căng thẳng. - Làm tròn những góc cạnh
Những góc cạnh vuông vức, sắc nhọn không tốt cho phong thủy, dễ gây cảm giác áp lực. Lối đi uốn khúc, mềm mại mang lại nguồn năng lượng tích cực và sự cân bằng. Bạn cũng có thể sử dụng các viên đá tròn để trang trí. - Tô thêm sắc thắm
Màu sắc tươi sáng như đỏ, cam, vàng giúp kích hoạt tinh thần, tạo cảm giác vui tươi. Nếu bạn yêu thích không gian êm đềm, hãy chọn các gam màu nhẹ như xanh dương, trắng, hồng… - Bổ sung yếu tố thủy
Nước tượng trưng cho cuộc sống và sự thịnh vượng. Một hòn non bộ nhỏ hay đài phun nước trong sân vườn sẽ giúp tinh thần bạn nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, cần luôn giữ nước sạch sẽ, trong lành. - Thắp sáng khoảng sân nhà bạn
Khoảng sân tối sẽ làm không gian trở nên u ám. Hãy cắt tỉa bớt cây cối, tạo khoảng thoáng để ánh sáng mặt trời chiếu vào ban ngày. Ban đêm, bạn có thể treo vài ngọn đèn nhỏ lên cây để tạo ánh sáng nhẹ nhàng, ấm cúng.
Thiết kế, bố trí cầu thang nhà
Cầu thang được xem là phương tiện “dẫn khí” từ tầng này lên tầng kia, vì vậy khi thiết kế phải chú trọng đảm bảo tính rộng rãi, sáng sủa và không bị tù túng.
Trong trường hợp cầu thang nhà bạn quá tối và thấp thì các luồng khí di chuyển trong nhà dễ bị chặn lại. Theo quan niệm phong thủy, cách tốt nhất là mở rộng không gian và giảm tải sự ngột ngạt cho khu vực cầu thang.
Theo ý kiến của các chuyên gia phong thủy, khi thiết kế nhà cần tránh đặt cầu thang chạy thẳng xuống cửa chính, vì như vậy sẽ khiến cho khí (cũng như tiền của trong nhà) mau chóng chảy ra ngoài. Để khắc phục khiếm khuyết này, bạn có thể treo một khánh nhạc hoặc quả cầu thủy tinh ở giữa bậc thang cuối với lối vào để giảm nhẹ dòng khí lưu chuyển.
Nếu bậc thang nằm quá sát một bên vách, bạn có thể treo một tấm gương trên tường để tượng trưng cho khoảng cách. Ngoài ra, để vừa tạo sự thông thoáng vừa làm đẹp cho ngôi nhà, giải pháp lý tưởng lúc này là bạn hãy bố trí các chậu cây cảnh đặt dưới chân cầu thang để giúp khí lưu chuyển từ dưới đất lên các tầng trên.
Một cầu thang xoáy trôn ốc từ trên cao nhìn xuống như cái nút chai cũng khiến nhiều gia chủ ái ngại. Cầu thang xoắn ốc không những hở bậc thang mà còn làm khí thoát ra giống như có một lỗ hổng trong nhà. Nếu kiêng kỵ và muốn khắc phục nhược điểm này, bạn có thể đặt một cây nhỏ hay vật gì đó màu xanh trên tay vịn, rồi bố trí đèn trên trần chiếu xuống cầu thang từ đầu đến cuối để dẫn khí vào nhà.
Phong thủy cho sân thượng
Trên thực tế hiện nay, khá nhiều người không chú trọng đến việc thiết kế ban công, sân thượng theo phong thủy. Do vậy, đôi khi có những điềm xấu ảnh hưởng đến đời sống gia đình mà người ta không hề hay biết. Hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây để có thể tự mình bài trí sân thượng một cách hài hòa với phong thủy, từ đó đem lại vận may và tài lộc vào nhà.
Bài trí chim ưng bằng đá
Khi nhìn từ sân thượng (hoặc ban công) của một tòa nhà cao tầng xuống, chúng ta thường bị che khuất tầm mắt, không thấy được đường. Trong phong thủy, đây được gọi là “cục khốn”. Người sống trong ngôi nhà như vậy thường dễ bị khuất phục, thiếu tự tin, dễ dựa dẫm vào người khác, khó vươn lên.
Phương pháp hóa giải là đặt một con chim ưng bằng đá quay đầu hướng lên trời, hai cánh dang rộng trên lan can sân thượng. Đầu chim ưng phải hướng ra ngoài, như đang bay cao mới đạt được tầm ý. Tuy nhiên, nếu gia chủ tuổi Dậu thì không nên đặt chim ưng trên sân thượng để tránh phạm kỵ.
Bài trí rùa bằng đồng hoặc đá
Rùa là loài động vật tính âm, có thể lấy nhu thắng cương. Trong phong thủy, rùa là biểu tượng của việc hóa giải xung sát. Khi đặt rùa bằng đồng hoặc bằng đá để hóa sát, cần chú ý đặt đầu hai con đối nhau. Dưới đây là một số tác dụng của rùa đá trong việc hóa giải “điểm xung”:
- Xung do sân thượng (hoặc ban công) vuông góc với đường phố: Nếu từ sân thượng nhìn xuống thấy trước mặt có một con đường chĩa thẳng vào nhà như một con mãnh hổ đang trực tấn công, thì đây là “cách cục đại xung”. Hình xung này dễ gây tai nạn, phá tài, nhất là nếu đường đông xe cộ. Nếu là đường cao tốc, nên đặt một đôi rùa trên sân thượng và treo thêm một chiếc gương lồi để giữ an toàn.
- Sân thượng bị đường cung chiếu: Khi đứng từ trên cao nhìn xuống, thấy con đường trước nhà uốn cong mà đoạn cong lại hướng thẳng vào sân thượng, thì đó là “đường đạo phản cung”, chủ về kích thích dục vọng. Để hóa giải, có thể dùng rùa bằng đồng. Nếu có cửa sổ lồi hoặc tường ngoài nhà có các góc nhọn chiếu thẳng vào sân thượng, cũng nên dùng rùa để hóa sát.
- Sát do sân thượng bị “Thiên Trảm”: Là trường hợp có khe hở hẹp giữa hai tòa nhà cao tầng giống như “đao trời” chém xuống. Nhà ở vị trí này thường dễ mắc bệnh về máu huyết hoặc gặp tai nạn. Cách hóa giải là đặt đôi rùa bằng đá hoặc đồng trên sân thượng phía khe hở đó.
- Sân thượng gặp hình sát thuộc Hỏa: Rùa đồng và rùa đá đều có thể hóa sát, nhưng nếu gặp hình sát thuộc Hỏa như ống khói cao, tòa nhà màu đỏ, kho dầu…, nên dùng rùa đá để hóa giải. Nếu các hình sát Hỏa này ở phương Nam (Hỏa vượng), thì càng nguy hiểm hơn. Khi đó nên đặt một bình nước sạch vào giữa hai con rùa đá để cân bằng ngũ hành.
Bài trí rồng bằng đá
Nếu sân thượng (hoặc ban công chính) hướng ra biển hoặc những nơi có nước, thì trên sân thượng (hoặc ban công chính) nên bài trí một đôi rồng bằng đá. Phần đầu rồng phải hướng ra biển hoặc những nơi có nước, tượng trưng cho việc “song long bay ra biển”.
Tuy nhiên, nếu chủ nhà tuổi Tuất thì không nên đặt rồng đá trên sân thượng, vì rồng và chó vốn xung khắc nhau. Trong trường hợp này, có thể dùng Long Quy hoặc Kỳ Lân thay thế. Hai loài linh vật này cũng tượng trưng cho may mắn và đều thích nước, nên vẫn có thể đem vận may và tiền tài vào nhà.