NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI MÔNG
(Mặc niệm) Hôm nay là Ba mươi Tết, là ngày cùng tháng tận. Năm cũ đã qua, năm mới đang đến. Tôi có rượu, có thịt, có chõ cơm ngon, có mẹt bánh dày còn chưa ăn. Trước tiên tôi mời ông bà để hưởng hương hoa, chứng giám cho lòng thành của tôi… Chứng giám cho một năm qua đã căng công gắng sức làm việc vất vả khó nhọc để thóc ngô đầy bồ, gà đầy chuồng, mọi người khỏe mạnh, cuộc sống yên lành…”. Đó là mấy câu mở đầu trong bài khấn mời ông bà tiên tổ về ăn ngày Ba mươi Tết của người Mông.
Có thể nói, quan niệm mọi vật có hồn (pli) phổ biến trong tộc người Mông. Đa số người Mông ở khắp nơi đều thờ tổ tiên. Theo phong tục của đồng bào, người quá cố sau lễ giỗ mãn tang, không còn là một cá thể nữa, mà hồn thiêng sẽ nhập vào cùng với dòng họ, cũng tựa như các thần thiêng.
Ban thờ của người Mông, đối với nhà giàu có thì cũng cầu kỳ, hoành tráng, lộng lẫy, bày biện nhiều thứ đồ quý. Song đại đa số với nhà dân lao động thì không nhất thiết phải cầu kỳ. Chỉ cần treo hoặc đóng một mảnh gỗ làm xích đông cao ngang mặt đối diện với cửa chính, đặt lên đó cái lư hương to hay nhỏ tùy theo, đồng thời đặt bốn chiếc chén để đựng rượu khi cúng lễ. Cũng có dòng họ không đặt lư hương trên xích đông mà đặt trên một tấm ghế dài bốn chân, thậm chí có nhà đặt ngay xuống đất, dưới chân tường phía dương. Tuy nhiên, theo như chúng tôi được biết thì tại gia đình người anh cả trong gia đình, dòng họ là người chịu trách nhiệm thờ cúng nhất thiết phải có xích đông để thờ tổ tiên, ông bà; còn với những người chưa phải gánh trọng trách này, họ chỉ thờ Thổ địa, Thổ công, các thần Cột chính, thần Buồng, thần Cửa, thần Gia súc gia cầm… thì có thể đặt đồ thờ xuống đất phía dương mà không bị coi là phạm luật.
Việc khấn cầu tổ tiên, ông bà của người Mông trong một năm thường được tiến hành vào dịp Tết và lễ ăn cơm mới. Ngoài ra, còn có thể khấn mời khi bắt tay làm những việc trọng đại như dựng nhà, cưới gả, khởi công khai ruộng mới…
Xưa kia người Mông tính lịch một năm chẵn 360 ngày, tức mỗi tháng chẵn 30 ngày, không thừa không thiếu. Vậy nên mới có Tết Mông không trùng với Tết Nguyên đán, cũng không trùng với Tết Dương lịch. Ngày Ba mươi Tết, nhà nhà dậy thật sớm mổ lợn béo, đồ xôi giã bánh dày là hai món quan trọng nhất để dâng tổ tiên. Riêng bánh dày khi giã nhuyễn, người ta dùng tay dàn một chiếc to để trong cái sàng, gọi là bánh cái, hay bánh tế (nduôr vangz/ nduôr tsaz) rồi mới bắt những cái nhỏ. Bánh cái càng to, càng làm được nhiều bánh nhỏ, càng chứng tỏ gia đình ăn nên làm ra. Trong khi mọi người tất bật chuẩn bị món ăn thì gia chủ lặng lẽ làm lễ quét bồ hóng. Tay cầm một nắm chổi bằng cành trúc, tay cầm mẹt, vừa quét miệng vừa lầm rầm khấn, đại ý: “Tôi không quét hồn người, hồn lúa, hồn ngô, hồn súc vật, không quét đi những điều tốt đẹp, không quét đi sự ấm áp… Tôi quét đi cái ốm cái đau, quét đi cái bệnh cái tật, quét đi những điều xúi quẩy… Mong cho một năm mới đủ đầy, phương trưởng…”. Khi quét, quét từ phía đông sang phía tây, quét xong mang mẹt bồ hóng, rác rưởi đổ về phía mặt trời lặn. Ban thờ được trang hoàng bằng giấy mộc, loại giấy tự chế, chuyên dùng vào việc thờ cúng. Đồng bào dán một loạt giấy mộc bao quanh ban thờ, sau đó dùng giấy trang kim vàng và bạc dán lên phía cao, tùy từng hộ mà chia ra nhiều tầng khác nhau, dán nhiều tờ giấy khác nhau. Nếu nhà có người làm nghề thầy cúng thì ban thờ của thầy được dán giấy trang kim cắt thành nhiều hình thù như mặt trời, những ngôi sao, những con thú gần gũi như trâu, bò, dê, chó… tạo ra một bầu vũ trụ thu nhỏ ở phía trái ban thờ. Nếu nhà có người làm nghề thuốc, nghề đá, nghề rèn, đúc, nghề mộc… cũng dán một hoặc nhiều tờ giấy trang kim về phía trái ban thờ. Các thứ dụng cụ lao động sản xuất tuy do con người chế tác ra nhưng theo quan niệm của đồng bào chúng cũng có hồn và có cuộc sống công bằng với con người nên được xếp cả vào chỗ ban thờ, ấy là các loại cuốc, thuổng, xẻng, xà beng, khẩu súng kíp… mỗi thứ được dán cho một tờ giấy tạ ơn. Còn vật nuôi như trâu, bò, lợn, chó, gà, ngan, ngỗng… sẽ được cho uống nước bánh dày, đồng thời nơi cửa chuồng được dán cho một tờ giấy tạ ơn.
Cỗ bàn con cháu đã sắp xong, gia chủ rửa chân tay sạch sẽ, quần áo chỉnh tề ngồi xoay lưng vào trong, mặt hướng ra cửa chính bắt đầu cất giọng khấn cầu. Đầu tiên là mời rượu. Tuy rượu đã rót vào chén, thường là bốn chén đặt trên ban thờ, nhưng gia chủ vẫn rót thêm một chén cầm tay, tiếp đó mỗi lượt khấn mời, lại một lượt rót xuống chút xíu đổ xuống đất. Mời rượu xong rồi mời thịt. Mời thịt xong thì mời lá gan con lợn vừa mổ. Nhà có của ăn của để, nếu nuôi được lợn to chín chục cân, một tạ trở lên có thể mổ sớm từ hai mươi lăm Tết khi thầy cúng trong làng đã cúng khai Tết, nhưng ngày ba mươi vẫn phải mổ thêm một đầu lợn, tức một hơi thở sống để cúng ông bà, tổ tiên. Lá gan cúng ngày ba mươi Tết là của con lợn mới mổ, chứ không dùng lá gan con lợn đã mổ trước đó. Mời lá gan xong thì mời nước luộc thịt. Cuối cùng mới mời bánh dày. Tuy nhiên, tùy từng dòng họ, từng gia chủ mà việc thao tác đồ ăn thức uống có thể khác nhau. Riêng với bánh dày, khi gia chủ đọc lời khấn thì không bỏ xuống đất mà bỏ lên trên tấm bánh Tết. Trước khi bỏ, gia chủ đã xếp một tấm bánh thường lên tấm bánh Tết. Gia chủ vừa đọc lời khấn, tay vừa vo viên bánh to bằng ngón tay cái, gồm bốn viên hoặc ba viên tượng trưng cho ba hoặc bốn thế hệ, nhưng thông thường là bốn viên vì còn tượng trưng cho bốn phương trời. Như vậy, tấm bánh Tết sẽ tượng trưng cho bầu trời; tấm bánh nhỏ tượng trưng cho quê hương xứ sở; còn bốn viên bánh tượng trưng cho muôn loài, cũng là bốn thế hệ trong gia đình. Đại thể lời khấn như nhau nhưng tùy quy ước của từng dòng họ mà khấn mời từ ba đến sáu lớp (bậc) đời, hay còn gọi là dòng. Người Mông khi cúng không có tục lệ xưng quê quán như người Kinh, người Tày, Nùng… mà chỉ xưng tên gia chủ rồi lần lượt khấn gọi ba thế hệ, từ thế hệ cha, bác, chú cùng tất cả những người quá cố dòng đó; tiếp đến là dòng của gia chủ, là con bác, con chú…; tiếp nữa là dòng con, cháu của gia chủ. Như vậy, người thực hành cúng khấn phải thuộc hết tên từng người trong ba thế hệ liên tục, không để sót trường hợp nào. Bởi đồng bào quan niệm, nếu như để sót, hồn người đó sẽ đi lang thang rồi quay trở về quấy quả như gây cho người trong nhà ốm đau, chăn nuôi thất bát, cấy trồng thất thu… Song có điều về phía giới nữ thì khấn mời người đến làm dâu, chứ không khấn mời người trong họ mình đã đi làm dâu họ khác. Những ngày Tết, linh hồn những người quá cố luôn luôn xum vầy cùng gia đình từ trưa ba mươi cho đến chiều ngày mồng Ba, tức ngày ba mươi được khấn mời một lần, sáng ngày mồng Một của năm mới được khấn mời một lần. Đến chiều ngày mồng Ba Tết thì gia chủ làm lễ tiễn biệt, gọi ỉ^ xang đangz. Gia chủ làm cỗ mới rồi khấn tiễn ông bà tổ tiên trở về cố hương nhưng chớ quên “phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới ăn nên làm ra, mọi người khỏe mạnh, sản xuất thu hoạch bời bời, chăn nuôi gia súc gia cầm đầy chuồng đầy sân, lời xấu mang theo, lời tốt luôn đậu trên miệng…” Đến ngày Rằm là ngày Tết Mẹ (^nav tsaz), con cháu mải đi chơi Tết ở đâu thì mau mau mà về dự lễ tổng kết Tết rồi chuẩn bị ra ruộng ra nương. Ông bà tổ tiên được khấn mời một lần nữa cùng về dự lễ và chứng giám cho lòng thành của con cháu. Trong bữa ăn, gia chủ là người cao niên nêu những việc lớn phải làm trong năm, như: phát nương ở đâu; phát nương mới hay rẫy lại nương cũ; đám ruộng nọ tiếp tục khai thêm mấy mảnh; bán con ngựa nào để tậu xe; chuẩn bị vật liệu sửa sang lại nhà cửa; chuẩn bị đồ lễ để cưới con dâu cho con trai …
Ngoài ăn Tết theo lịch của người Mông, lễ ăn cơm mới thực sự là dịp vui hội được mùa của đồng bào. Hằng năm vào chừng cuối tháng Tám, đầu tháng Chín âm lịch, trên những tràn ruộng bậc thang bám theo sườn núi dốc, lúa bắt đầu ngả màu vàng, lúc này các bà chủ nhà cất bước rong ruổi quanh những chân ruộng để chọn đám lúa nếp có thể ngắt được. Sau đó huy động nhân lực trong gia đình và bà con lối xóm cùng ngắt bằng chiếc hái. Chiếc hái (vur) làm bằng gỗ, có hình cong như nửa vành trăng, chính giữa gắn một lưỡi dao mỏng, sắc lẹm. Giữa đỉnh vòng cung của chiếc hái khoét một lỗ để xiên một sợi dây. Sợi dây này sẽ khoác lên mu bàn tay. Khi ngắt bông lúa, một tay cầm nắm bông lúa đã ngắt, tay cầm hái dùng hai ngón trỏ và ngón giữa ngoắc giữ bông lúa kéo vào lưỡi hái. Những cục lúa mỡ màng được xếp vào thồ để mang về nhà. Nếu cần lấy rơm sạch thì tãi nắm bông lúa xuống mẹt, một tay giữ, một tay dùng bát cạo những hạt thóc ra. Rơm sẽ được phơi riêng nơi thoáng mát dùng vào việc buộc chổi, đốt rơm lấy tro gội đầu hoặc lấy tro ngâm gạo nếp làm xôi, làm bánh nếp đen, và còn dùng để cho vào lư hương. Nếu không cần rơm thì để cả cục lúa xuống mẹt rồi dùng chân giẫm làm sao cho hạt thóc tách khỏi bông rơm. Thóc được sàng qua loa rồi cho vào chảo rang khô để dễ giã. Còn đống rơm thơm lừng giờ đã thành rối nên đàn trâu, bò, dê sẽ được thưởng thức. Nhà nào chỉn chu lo toan cho mẹt gạo nếp non, ấy là nhà sẽ có món cốm. Có cốm nghĩa là cỗ to nhất. Đương nhiên đó là món quà sang trọng nhất dâng biếu tổ tiên, ông bà. Với lúa tẻ, người ta gặt đám lúa chín ưng ý chừng nào đó tùy theo rồi mang về vò hoặc giã. Sau khi loại bỏ rơm rối, người ta cho thóc vào chảo rang khô giòn rồi giã gạo. “Oà… thì thụp!” Ấy là tiếng cối giã bằng sức nước. “Giã nhanh lên! Giã nhanh lên!” Ấy là cối giã bằng chân, tiếng có vẻ đôn đốc, giục giã.
Hương thơm của lúa non tỏa ngào ngạt khắp làng trên, xóm dưới. Hẳn là vong hồn của tổ tiên, ông bà, những người đã quá cố do tuổi già, những người bị chết do ốm đau, do nhiều lý do đường đột lúc này cũng đang vui vầy xúm quanh cùng con cháu.
Sau khi cỗ bàn đã tươm tất, ông chủ gia đình đã tắm rửa sạch sẽ, áo quần tề chỉnh, trịnh trọng ngồi bên mâm bắt đầu cất giọng ê a ề à: Một năm trời tôi làm việc vất vả, gặp phải bao khó khăn, nhưng nhờ có ông bà tổ tiên phù hộ độ trì, nên mùa lúa hồn ngô hồn khoai đã về. Hạt lúa chắc mẩy, con gà con dê không nhiễm bệnh dịch, mọi người trong nhà khỏe mạnh, đi đến nơi về đến chốn, làm gì được nấy, nói lời không mất lòng ai… Hôm nay tôi nấu bát cơm thơm dẻo, tôi chưa kịp ăn, tôi xin thỉnh câu ông bà tổ tiên chứng giám cho lòng thành của tôi và hưởng hương hoa trước nên..!”. Miệng vừa khấn, tay ông vừa lấy ít thịt, hoặc rót rượu, hoặc dùng thìa gỗ xúc vài hạt cơm, vài hạt cốm đổ xuống đất. Có nhà, nhân dịp này còn tiến hành lễ cúng giải hạn, lễ cúng các vong hồn lạc lõng hoặc làm lễ chúc phúc cho người già, con trẻ… tạo không khí vừa linh thiêng vừa đầm ấm. Con cháu trong gia đình, người đi làm, người đi học ở xa đã tề tựu đông đủ; bà con lối xóm, người thân thích ở xa hay khách khứa được mời cũng đã có mặt. Mọi người được ông bà chủ mời lên mâm.
Xin lưu ý rằng người Mông dù bữa cơm đạm bạc hay thịnh soạn thì đều ngồi ăn bằng mâm, không bao giờ ngồi bệt xuống đất, với quan niệm chỉ loài vật mới ăn ở dưới thấp. Cũng vì thế, người Mông rất tôn trọng hạt cơm, hột thóc, họ luôn luôn dạy con cháu không được đánh đổ cơm bừa bãi, bởi họ rất sợ hồn của chúng sẽ bỏ ra ngoài rừng; hoặc ông bà tổ tiên sẽ mang chúng đi theo làm cho sản xuất lụi bại, chăn nuôi thất bát. Từ kính trọng và luôn tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, người Mông cũng tôn trọng muôn loài, vì chúng cũng là một thực thể sống trực tiếp hoặc gián tiếp giúp cho con người có cuộc sống bình yên, ấm êm. Việc tôn trọng muôn loài còn có ý nghĩa cao hơn, sâu sắc hơn, đồng bào tin rằng hồn của muôn loài sẽ gặp tổ tiên ở cõi âm hay cõi thiên đường và báo với tổ tiên về thái độ cư xử, về đường ăn lối ở của gia chủ để tổ tiên biết mà phù hộ hay trừng phạt. Và đương nhiên con người đang sống ở cõi dương, chắc chắn không ai muốn bị sát phạt, trừng trị. Muốn thế, chỉ có cách là phải sống tốt, cư xử thân thiện với tất cả muôn loài trên thế gian này.
Với quan niệm chết không phải là hết, mà là chuyển hóa sang một dạng sống khác; chết chỉ mất đi về thể xác còn hồn thiêng thì vẫn tồn tại, vẫn quanh quẩn bên người sống; khi chết đi, người chết vẫn cần phải có những đồ dùng thân thiết đã từng gắn bó với con người bao đời, vì thế khi đưa thi hài người quá cố về với rừng hoang núi vắng, nhất thiết người ruột thịt phải đưa một con dao, một cây nỏ và một con gà nhép đã bóp chết để lên trên mộ. Là những người bạn tâm giao của người chết nhưng những thứ đó cũng là đồ dùng cần thiết: con gà để nuôi làm vốn; con dao để làm lụng hằng ngày; còn cây nỏ để săn bắt, cũng là để bảo vệ sinh mạng của chủ nhân. Và trong lễ tang ma, có một công đoạn cực kỳ quan trọng không thể bỏ qua, gọi là nâng tang (tsang shaov chuôz) phải tiến hành vào ban đêm vì khi đó khách khứa đã vãn. Con cháu đứng nghiêm trang nghe như nuốt lấy từng lời người chủ sự kể lể biết bao công lao của người quá cố để mà ghi ơn sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ. Ý nghĩa trực tiếp của hoạt động này là nâng đỡ, vực dậy, bởi khi người bề trên của họ qua đời, họ sẽ buồn đau như là một cú ngã. Ý nghĩa rộng hơn, đó là giao trách nhiệm cho họ phải chịu tang, tức phải gánh chịu ơn huệ của người quá cố thuộc bề trên, và đó không chỉ là ơn huệ trực tiếp của người mới qua đời, thi hài hãy còn đang quàn trong nhà, mà là ơn huệ, công lao dưỡng dục của bao thế hệ đi trước đã qua, tức đó là truyền thống gia đình, là phong tục, lý lối của dân tộc. Kể xong một đoạn ơn nghĩa nào đó thì con cháu lại quỳ lạy một lần để ghi xương khắc cốt. Vì thế, con cháu phải có nghĩa vụ thực hành tất cả các lễ nghi đúng theo thể thức. Đến lượt thế hệ đó qua đời thì con cháu thế hệ sau lại kế tiếp truyền thống mà thực hành theo đúng bài bản đã định sẵn.
Có thể nói một cá thể người Mông không chỉ thường ngày đối mặt với thiên nhiên khi thì hiền lành dâng hiến ban tặng, khi thì hung dữ giành giật. Cuộc đời họ, một ngày, một tháng, một năm và cả cõi đời còn đối mặt với các quan hệ tín ngưỡng tâm linh, một ngày không ít nhất một lần phải khuỳnh tròn hai cánh tay cầu xin sự phù hộ, độ trì của bao tầng lớp tổ tiên tiền bối đã quá cố và các thần, ma xung quanh. Rồi thì một sinh linh nhỏ nhoi mới ra đời, nếu là con gái thì nhau chôn dưới gầm giường; nếu là con trai thì nhau chôn dưới gốc cây cột thần trong nhà để chúng thực hành thiên chức của mình khi lớn lên, trưởng thành. Sau khi sinh được ba ngày, bảy ngày hay mười hai ngày tùy thuộc từng dòng họ quy định mà tổ chức lễ đặt tên, cũng phải có sự hiện diện của tổ tiên chứng giám. Gia chủ đặt một quả trứng sống lên thành bát trơn nghiêng, tay giữ quả trứng, miệng lầm rầm cầu khấn xin tổ tiên đặt cho đứa trẻ một cái tên cho khớp với vận mệnh của nó. Vô số những cái tên được xướng lên. Quả trứng tự dưng đứng khựng, bỏ tay không đổ, dù khẽ lắc cũng không thể đổ. Thế là tổ tiên đã cho đứa trẻ đúng tên. Tên đó có thể trùng với tên ông nội, bà nội hay ông ngoại, bà ngoại, là những người gần gũi nhất mà không bị coi là phạm húy, hỗn xược, thậm chí còn mang lại niềm tự hào, hãnh diện đối với cha mẹ đứa trẻ và cả đứa trẻ, miễn là không trùng với cha mẹ, anh em ruột thịt. Rồi đến lễ gọi vía, lễ chúc phúc, lễ cưới. Rồi lễ chúc thọ khi tuổi chừng sáu mươi, bảy mươi. Rồi lúc chết phải dựng cả một đám tang quy mô lớn nhỏ tùy theo thanh danh, uy tín, tuổi tác và mức sống, chưa kể trong trăm năm có mặt trên đời có thể xảy ra bao nhiêu lần ốm đau phải cúng bái, thuốc thang… Phúc đức trùng phùng tùy thuộc phần lớn ở sự phù hộ độ trì của các vị tổ tiên. Hoạn nạn khó nhọc cũng tùy thuộc các vị. Khi thì các vị cho được mùa màng tươi tốt, bắp ngô trĩu hạt, hạt lúa mẩy căng, củ khoai, hoa trái lúc lỉu, người người khỏe mạnh, tiếng cười vui không ngớt. Khi thì gắng công gắng sức cấy trồng mà bắp ngô lưa thưa vài hạt chưa kịp chắc đã nhũn nhão, khóm lúa thì ngỏng lên, trắng bạch như đuôi con chuột. Ruộng lúa đang lên xanh mơn mởn, tự dưng nguồn nước cạn kiệt, châu chấu, chuột bọ từ đâu xổ ra phá phách tứ tung. Lại có khi con trâu, con ngựa tự dưng bỏ cỏ, con lợn nuôi chẵn năm tròn lông dài như lông nhím mà vẫn bằng nấy cân. Lại còn khi ông già, bà cả hay con trẻ lăn ra ốm rên hừ hừ chẳng rõ là bệnh gì để thuốc thang, chẳng rõ là ma quái nào quấy quả mà cúng bói… Ấy thế nhưng họ vẫn cần mẫn chịu đựng, cần mẫn ứng xử, vẫn duy trì tập tục theo những cách thức đã hình thành và tồn tại suốt chiều dài lịch sử không thể dễ quên lãng bài khấn mời gia tiên, cũng không thể quên bài ca Răn đường, một sử thi duy nhất phải đọc lên khi có người tắt hơi thở. Một sự bảo tồn đáng trân trọng, giữ gìn! Nhưng trong toàn bộ kho tri thức dân gian, tuy thời nay có phần, có đoạn đã giản tiện, không có nghĩa là đã loại bỏ, mà chính người dân đang tìm một “lối đi”, một cách ứng xử cho thích hợp.
Ví dụ như đám lễ ma trâu, bò, vài chục năm nay chúng tôi không thấy xuất hiện nữa. Đám lễ này là sự tổng hợp của cả chu trình đám tang ma, tái hiện gần như nguyên xi đám tang và đám giỗ, nên rất cầu kỳ, nhiều công đoạn, đông khách khứa, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và của cải. Hay như đám cúng giải hạn, mọi người trong gia đình hoặc dòng họ đứng ngồi quần tụ lại, thầy cúng dùng sợi (màng) vừa kéo cuốn, vừa khấn cầu xung quanh họ, nay cũng đã vãn. Theo chúng tôi, đó là sự tự điều chỉnh của người dân. Hay như hội Gâu tào, lễ hội chơi xuân đầu năm. Ý nghĩa suy nguyên của lễ hội này là cầu sinh cầu lộc, những năm gần đây đang tiếp tục phát triển, mở rộng, là do đời sống người dân đã sung túc hơn, đã vơi đi những khó nhọc thúc bách. Gia đình nào đó thấy nguy cơ làm ăn sút kém, hay gặp chuyện không may tất phải nhờ đến thầy cúng, thầy bói xem rồi chỉ cho cách thức giải quyết. Nếu cần phải mở hội thì gia chủ loan báo cho mọi người hay. Công đoạn ban đầu là lễ khai hội. Công đoạn cuối cùng là lễ cất hội. Lễ khai hội và lễ cất hội đều có nghi thức cúng khấn tổ tiên tiền bối, thông báo và xin phép tổ tiên cũng như thần Thổ công, Thổ địa. Còn công đoạn giữa là dành cho mọi người nô nức vui chơi. Những ngày hội không sát sinh, không uống rượu say, không cãi vã, ẩu đả…, tức là chỉ diễn ra những điều tốt đẹp. Ngày nay những con đường đã kéo con người lại gần nhau hơn, nên chúng tôi thấy những dịp lễ hội, những dịp lễ cúng cầu, người từ Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã đến thăm người ở Pha Long, tỉnh Lào Cai, hay người Lào Cai đã đến thăm người ở Thanh Hóa, Hà Giang… Giao lưu được mở rộng, văn hóa truyền thống được bảo lưu, nghĩa tình thêm đậm đà.