NÉT ĐẸP TRONG ỨNG XỬ VỚI TỔ TIÊN CỦA ĐỒNG BÀO Ê ĐÊ
Như mọi tộc người thiểu số miền núi, các tộc thiểu số cư trú trên vùng núi Trường Sơn – Tây Nguyên có ngôn ngữ và phong tục tập quán riêng, phù hợp với thiên nhiên, địa bàn nơi sinh sống. Đặc biệt, đời sống tâm linh của bà con là cội nguồn của mọi đặc trưng văn hóa phong phú và độc đáo, chính điều này đã góp phần hình thành nên một địa chỉ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tôn vinh là “Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại”.
Đời sống tâm linh đó chính là tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Bằng tâm hồn giản đơn, người Tây Nguyên quan niệm rằng rất nhiều những vật mang hình dạng to lớn như núi rừng, sông suối, bến nước, thiên nhiên với mặt trăng, mặt trời, sấm sét, ngôi nhà, cây cổ thụ, bộ ching chêng (cồng, chiêng), chiếc ché, các loài vật… đều có linh hồn.
Và vì có nhiều thần linh như thế nên muốn làm việc gì cũng phải báo cáo, cầu xin, khi được phép mới tiến hành. Khi có kết quả phải tạ ơn. Không có hiệu quả, làm sai hoặc chưa được phép mà cứ làm là vi phạm, sẽ phải tạ lỗi.
Mọi lễ nghi của đồng bào đều xoay quanh ba trục chính: theo lịch sản xuất nông nghiệp; theo chu kỳ vòng đời một con người; và theo những mối quan hệ có được trong hoặc ngoài bộ tộc. Chính vì vậy mà trong năm bà con có nhiều lễ lạt. Một năm sản xuất bắt đầu bằng việc dọn cỏ rẫy chờ mưa xuống, nào gieo trỉa, làm cỏ, suốt gùi lúa đầu tiên, cho tới lúc đóng cửa kho sau khi đổ gùi lúa cuối cùng vào bồ… Thu hoạch xong, ngoài việc tạ ơn thần linh đã cho mùa màng no đủ, là mọi việc lớn của con người phải được tiến hành như dựng ngôi nhà mới, sửa nhà cũ hư hỏng, bỏ mả cho người chết, chúc thọ người già, cưới chồng cho con gái, thành niên cho con trai… kéo dài từ nhà này sang nhà khác, từ buôn làng nọ sang buôn làng kia cho đến lúc lại vào tháng dọn rẫy chuẩn bị cho vụ mới… “Mùa ăn năm uống tháng” (^hua mnăm thun mrầo), “tháng nghỉ ngơi” (^khay ningnơng) là thế.
Trong tín ngưỡng đa thần của người Tây Nguyên, không có tục thờ cúng tổ tiên, ông bà trực tiếp như người Kinh hay một số dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Nhưng như thế không có nghĩa là đồng bào một số dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào Ê Đê nói riêng không thờ cúng ông bà, tiên tổ; mà khi ông bà, cha mẹ đã quá cố, tức là ông bà, cha mẹ cũng hóa thành thần, ma, ngự cùng các thánh thần trên trời – Yang (Zang). Một trong những lễ nghi liên quan tới các mối quan hệ này, thường tổ chức vào “mùa ăn năm uống tháng”, được coi là rất quan trọng của vòng đời người Ê Đê nói riêng và một số tộc người khác ở Tây Nguyên nói chung, đó là lễ bỏ mả – ỉui msat hoặc pơ thi.
Theo quan niệm vòng luân hồi, người Ê Đê cũng như một số tộc người ở Tây Nguyên hồn nhiên cho rằng con người chết đi sẽ phải qua 7 lần đầu thai vào các kiếp khác, như con bướm, con nhện, con chó, giọt sương…, rồi sẽ lại được tái sinh làm người. Người ta cũng cho rằng sau khi chết đi, vì tình cảm thương nhớ giữa người sống với người đã chết, mà linh hồn người chết vẫn luôn luôn quanh quẩn bên gia đình, không đi đâu xa khỏi buôn làng. Do đó, cần làm lễ bỏ mả, nghĩa là chia lìa chính thức và vĩnh viễn giữa người còn sống và người đã chết, để hồn người chết không còn vấn vương luyến tiếc gì, nhẹ nhàng đầu thai sang kiếp khác. Vì vậy, với đồng bào, nếu như tang lễ mang tính u buồn, thì bỏ mả là sự giải thoát tâm linh cho cả người chết lẫn người còn sống, nên thường diễn ra rất vui vẻ, như một ngày hội.
Theo phong tục Ê Đê, khi gia đình có người chết, trong vòng một năm, vì tình cảm thương nhớ, ngày nào họ cũng phải mang cơm ra mộ cho người chết, bỏ xuống huyệt qua một ống nứa xuyên thẳng từ mặt đất đến nắp quan tài ở phía đầu huyệt. Việc tổ chức cho một lễ bỏ mả, trước tiên là căn cứ vào nỗi đau đã vơi đi của những người còn sống, bởi từ nay trở đi không còn phải thăm nom gì ngôi mộ nữa. Yếu tố quan trọng thứ hai, là việc chuẩn bị đầy đủ lương thực và thực phẩm cho cuộc lễ, đặc biệt là những ché rượu cần. Nếu rượu cần được làm bằng nguyên liệu củ mì (sắn) thì chỉ làm trước từ bảy đến mười ngày. Rượu bắp (ngô) sẽ phải ủ lâu hơn. Còn nếu là rượu gạo thì càng để lâu càng thơm ngon, thậm chí người sành uống còn đem chôn xuống dưới đất, để qua vài năm, rượu vàng sánh như màu mật ong và thơm phức. Như vậy, ngoài gạo, cần có bắp hoặc mì. Sau đó là thực phẩm, ngoài các loại rau, thường là cọng môn, đu đủ, rau cải… để làm canh, và nhất thiết phải có đủ heo, gà và đặc biệt là trâu, bò đối với nhà giàu có, người có vai vế trong buôn để làm lễ vật hiến sinh dâng lên các vị thần linh, cho phép linh hồn người đã chết được đón nhận vào thế giới bên kia, hoặc là “về làng ông bà”, để rồi sau đó lại được đầu thai sang kiếp khác.
Sở dĩ việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm được coi là yếu tố quan trọng bậc nhất, bởi tính cộng đồng xuyên suốt trong mọi sinh hoạt của các tộc người ở Tây Nguyên. Mỗi chuyện buồn, chuyện vui của một gia đình đều có sự chia sẻ của cả dòng họ, cả buôn làng. Vì vậy, gia chủ phải làm sao có đủ để đãi đằng sự sẻ chia đông đảo ấy.
Lễ bỏ mả thường được tiến hành vào mùa khô, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong xuôi, khi lễ ăn cơm mới của gia đình hay lễ cúng bến nước của buôn làng cũng đã qua. Để tránh tốn kém, người ta chọn những năm không có đám cưới hoặc lễ mừng thọ nào phải tổ chức. Chuẩn bị cho lễ bỏ mả, từ vài con trăng (vài tháng) trước ngày đã định, gia đình chủ lễ phải có nhiều cuộc bàn bạc để phân công chịu trách nhiệm từng đầu việc. Nhóm chuẩn bị vật hiến tế và thực phẩm, nhóm dựng nhà mồ, nhóm lấy nước, lấy củi đủ phục vụ cho mấy ngày lễ, nhóm giã gạo, nấu ăn… Chọn ai là người vào rừng chặt cây dựng nhà mồ và cộ ^ Kut, cộ ^ Kỉao mới, ai làm tượng mồ… Khi ngày chính thức đã được chọn, sẽ có người đi báo tin cho những người trong dòng họ ở các buôn gần, buôn xa.
Lễ thường được tổ chức trong ba ngày, vào những tuần trăng sáng.
Ngày đầu tiên, mang theo một ghè rượu nhỏ và con gà ra ngoài ngôi mộ cũ. Thầy cúng (pô riu yang) và người phụ nữ chủ gia đình (khoa sang) cùng với anh hoặc em trai bà chi (dăm dei) sẽ khấn xin các vị thần linh cho phép gia đình làm lễ bỏ mả. Sau nghi lễ này, việc dọn cỏ, phá bỏ nhà mồ cũ, chặt cây đẽo tượng dựng nhà mồ mới bắt đầu được tiến hành. Người ta cũng dựng ngay tại khu mộ một chiếc lều nhỏ, đốt đống lửa để đêm đến gia đình và những người tham gia làm nhà mồ có dịp quây quần trò chuyện lần cuối với người đã khuất. Những thành viên đã được phân công từ trước cứ vậy mà thực hiện nhiệm vụ của mình. Cũng bắt đầu từ lúc này, có những sinh hoạt mang tính nghệ thuật trình diễn khác diễn ra ở khu nhà mồ vào những lúc việc nhàn, nhất là khi bóng đêm sập xuống, như hát đối đáp của nam nữ thanh niên, tó khan của người già, thổ đinh buốt, đinh năm, hát kể về nỗi nhớ thương, sự chia tay giữa người sống với người đã chết, phụ nữ tụ tập nhau hòa thổ đinh với nội dung chủ yếu là bày tỏ nỗi lòng với người đã chết, hoặc giữa những người đang cùng chung sống. Lúc này ở nhà chiêng trống cũng đã nổi lên, báo tin cho các vị thần linh và cộng đồng, gia đình vào việc lớn.
Ngày thứ hai, công việc quan trọng nhất là dựng nhà mồ và giết các con vật nuôi làm thịt. Ngay từ hôm trước, những người trong buôn, trong dòng họ, tùy theo hoàn cảnh nhà mình mà tham gia đóng góp với gia chủ. Một lon gạo, một trái bí, gánh rau môn, trái đu đủ, con gà… do những người phụ nữ mang đến trao cho người phụ nữ cao tuổi nhất trong nhà. Còn sáng này, trai tráng trong họ hàng sẽ vác những ghè rượu đến đóng góp, cột một dãy bảy ché ở trước nhà mồ, và một dãy khác nhiều hơn ở phía trong chiếc lều nghỉ cạnh đó. Dù ít, dù nhiều, gia chủ đều trân trọng đón nhận và cảm ơn.
Công việc ở khu nhà mồ từ mờ sương đã thật náo nhiệt. Những người thợ khéo tay sau khi dùng rìu xẻ những tấm ván, ghép lại thành căn nhà mới, có hai mảnh trăng hình lưỡi liềm ở hai đầu mái, biểu tượng của nhà người chết, họ vẽ các hoa văn lên thành ván, lên những cây cột dựng bốn góc hàng rào. Những thanh niên to khỏe nhất thì dựng hai cột gơng Kỉao cao vút, có hình chóp nhọn trên đầu, cũng đã được vẽ nhiều hình xanh, dựng nối hai đầu mộ với nhau bằng sợi dây da trâu dài, như đường lên làng trời của linh hồn. Người phụ nữ cao tuổi nhất trong nhà xé những mảnh vải đen trắng buộc quanh nhà mồ, lên đầu những bức tượng vừa được dựng lên. Bà vừa buộc vừa thì thầm kể chuyện xưa chuyện nay, nói những lời giã biệt với người đã khuất.
Đám phụ nữ quây quanh bếp lửa với những chiếc nồi đồng lớn chỉ được dùng trong những dịp lễ để chế biến các món ăn. Canh được nấu luôn ở ngoài mộ, còn cơm thì nấu từ trong nhà đem ra. Nhóm những trung niên sau khi đã mổ thịt, đem đặt trước chiếc đầu và đuôi lên nhà cúng cơm nơi đầu mộ, lại đang thoăn thoắt với chiếc dao nhỏ xíu, sắc lẹm, kẹp giữa hai chân, thái nhỏ những món thịt. Không một giọt nước, mà thịt đã được chia ra làm từng món đặt trên những chiếc nong to chuẩn bị cho mâm cúng. Ngoài chiếc đầu và đuôi trâu, hoặc bò, hay heo, còn phải có đủ các bộ phận khác của con vật như: da, lòng, gan, thịt nạc, huyết…mỗi thứ một ít để chứng tỏ cho các vị thần linh biết tấm lòng thành. Còn dành cho khách quý đã có món vêch, bằng toàn bộ lòng phèo của con vật hiến sinh, cay xé lưỡi mà ngon hết biết. Cũng như heo non nướng nguyên cả con trên than hồng da giòn rụm, thơm lựng, là hai món ăn đặc biệt chỉ nấu trong lễ cúng lớn có ăn trâu, ăn bò.
Gần cuối buổi chiều, công việc chuẩn bị xong xuôi, mọi người tụ tập xung quanh ngôi nhà mồ mới đã hoàn tất. Những người thân trong gia đình thì ngồi xổm, tay chống lên đùi, bàn tay đỡ lấy má, một bên nam, bên nữ, ngồi dọc theo hai bên mộ. Thầy cúng ngồi xuống trước chiếc ché Tuk to nhất cột ở giữa, chậm rãi hút rượu ra chiếc bát đồng cũng to nhất, đặt lên mâm cúng. Nắm hai bàn tay lại với nhau, ông khấn, đại ý lời khấn: “Ơ VangAtâo\ Từ nay muốn ăn cơm hồn hỏi thần Gió, muốn uống nước hồn hỏi thần Đất. Xin hồn đừng quanh quẩn bên nhà, để người sống lo chuyện làm ăn. Chúng tôi không còn qua lại thăm nom và khóc thương hồn nữa. Ơ Yang A tâổ\
Chiêng nổi lên dồn dập như muốn thông báo và mời các vị thần linh chứng giám cho việc chia tay vĩnh viễn với người đã khuất. Năm, bảy người phụ nữ cao tuổi trong dòng họ đứng thành hàng ngang trước dãy ché, đôi cánh tay giơ cao theo hình chim giang cánh, ba ngón giữa của bàn tay cụp xuống, ngón cái và ngón út xòe ra như chiếc mỏ chim Grứ, chầm chậm quay ba vòng trong nghi lễ “vẫy tay mời các vị thần linh về uống rượu”. Cũng lần lượt và chậm rãi như thế, thầy cúng hút rượu trong cả bảy chiếc ché rót vào bảy chén đồng, hoặc bảy ống nứa bày xung quanh mâm cúng.
Bây giờ đến những người thân thiết nhất với người đã chết lần lượt uống rượu chia tay mỗi người một ngụm nhỏ, qua từng ché cho đến hết. Cần rượu (mnăm mrinh) phải được chuyền nối từ bàn tay người này sang bàn tay người khác, không để rời tay, theo thứ tự người già, người trẻ, nữ trước, nam sau. Gia chủ lại chuyển sang dãy ché cột trong lều. Hết người nọ đến người kia, lần lượt cả dòng họ, người thân và bạn bè. Đêm càng đi dần vào sâu trong tiếng ching thì quanh khu nhà mồ càng náo nhiệt. Lễ coi như đã hoàn tất, người ta lại tiếp tục những hoạt động diễn xướng, vừa để góp vui với buôn làng, vừa là chia tay với người đi về làng trời, làng ma, cho đến tận lúc mặt trời lên.
Ngày thứ ba, người ta tiếp tục giết các con vật, lấy đầu và đuôi, cùng mỗi thứ một ít, cúng tiếp, thay lượt rượu khác cho những ché rượu đã nhạt. Đến lúc này, ai có việc riêng, có thể tạm biệt gia chủ để ra về. Nhưng thịt của những con vật hôm nay, không chỉ đãi đằng những người đến muộn, những người còn ở lại tham dự cuộc lễ, mà còn chia cho tất cả mọi người đã có mặt, mỗi người một miếng nhỏ, hoặc gói trong lá chuối, lá môn, hoặc xâu vào chiếc que, sợi lạt. Dẫu miếng thịt sẽ chẳng đủ nấu bát canh, nhưng đây là hình thức không thể thiếu ở bất cứ một cuộc cúng tế nào. Không đơn thuần là sự cảm ơn, mà còn là sự sẻ chia vui buồn, gắn bó giữa cộng đồng với nhau.
Mọi người vẫn có thể tiếp tục vui chơi quanh nhà mồ cho tới khi nào lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho cuộc lễ cạn. Những đêm bên ngôi mộ sẽ vắng lặng, sẽ có cả nhịp ching chêng và bước chân những vòng suang ngực sát ngực, hông sát hông cho những gái trai thành đôi.
Và kể từ khi trồng xong những cây chuối và cây khoai môn ở bốn góc, đóng cửa nhà mồ, dứt hẳn mối quan hệ với người đã khuất, gia đình không còn qua lại thăm nom ngôi mộ nữa. Người chết cũng yên tâm để đầu thai vào một đời sống khác, một hình hài khác. Những ngôi mộ đẹp sẽ được rừng già bao phủ, bí ẩn giữ cho những người đã khuất tan vào lòng đất, hồn thiêng nhập vào xứ sở của ông bà, tổ tiên. Còn người ở lại tiếp tục cuộc sống mới không vướng bận gì với quá khứ nữa.
Không riêng chỉ người Ê Đê, đa phần các tộc người ở Tây Nguyên đều có lễ bỏ mả, không ấn định cụ thể số năm chờ đợi. Chỉ riêng phong tục của tộc người Bru – Vân Kiều, người chết sau 25 năm mới được làm lễ bỏ mả. Lễ bỏ mả có thể kéo dài từ ba cho đến năm, hoặc bảy ngày tùy theo mức độ giàu nghèo của gia chủ. Với quan niệm từ bỏ để hồi sinh, đây là một trong những lễ thức lớn và mang tính nhân văn rất cao của các tộc người Tây Nguyên.
Có thể nói, lễ bỏ mả của người Ê Đê nói riêng và của các dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung là nét đẹp văn hóa thể hiện cách ứng xử của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Ngày nay, cùng với sự giao thoa văn hóa đến từ nhiều vùng miền, tập tục tang ma của các tộc người một số vùng cũng thay đổi. Hy vọng rằng ở đâu đó giữa những vườn cà phê, cao su ngát xanh, vẫn còn có những buôn, bon, kon, pỉei giữ được tập tục ông bà xưa, cho ngày nào đó tiếng ching chêng có dịp náo nức bay lên với tâm hồn con người, gọi bước chân gái trai vào vòng suang đêm hội. Và không gian văn hóa Tây Nguyên – di sản của nhân loại vẫn mãi lưu truyền.