NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ

NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ

Cũng như các tộc người khác, người Khmer Nam Bộ quan niệm tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Vì vậy, nghĩa vụ đầu tiên của con cái là phải biết ơn công sinh thành của cha mẹ; biết ơn cha mẹ thì phải hiếu thảo với ông bà, tổ tiên. Vì vậy, khi ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải chăm lo phụng dưỡng, phải nghe lời dạy bảo của bề trên; khi ông bà, cha mẹ qua đời, con cháu phải thờ phụng, cúng bái đầy đủ để cầu mong sự phù hộ độ trì, và cũng là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Tuy nhiên, người Khmer không thờ ông bà, tổ tiên tại nhà như nhiều dân tộc khác, nên trong nhà không có bàn thờ. Các nghi lễ thờ cúng của đồng bào đều được thực hiện tại chùa. Chùa Khmer là nơi linh thiêng. Đồng bào đem lễ vật là cơm nước, bánh trái, hoa quả… vào chùa dâng lên Đức Phật và sư sãi, đồng thời đọc kinh để gửi lời nguyện cầu tới ông bà, cha mẹ.

Theo phong tục của người Khmer, sau khi mất, con cháu đem hài cốt của ông bà, cha mẹ, người thân gửi vào ngôi tháp trong chùa. Vào những ngày lễ Tết, sóc, vọng… họ cùng nhau đến chùa để cúng bái. Đồng bào cho rằng, dù là thế giới vô hình hay hữu hình, vẫn luôn có mối liên hệ và quan hệ mật thiết. Người Khmer tin rằng qua lời kinh và khói hương dâng cúng là dịp để người cõi dương và cõi âm gặp gỡ. Như vậy, chết chưa phải là hết. Chết chỉ là tạm thời trống vắng về thể xác trên cõi dương gian, còn linh hồn thì vẫn còn lảng vảng, phảng phất quanh con cháu, cho nên “dương sao âm vậy”. Vì thế, trong lễ Đại cầu siêu, người Khmer phải sắm sửa đủ những vật dụng cần thiết, rồi nhờ lời kinh kệ mà gửi tới hồn người ở cõi âm.

Người Khmer thường tổ chức thờ cúng ông bà trong chùa vào các dịp lễ hội lớn trong năm như lễ Sênh Đôn Ta, Chol Chnăm Thmây. Ngày Chol Chnăm Thmây, đồng bào tổ chức đắp núi cát, còn trong dịp Sênh Đôn Ta (tương tự lễ Vu Lan của người Kinh), đồng bào luân phiên dâng ẩm thực cho chư tăng để hồi hướng phước.

Sống làm phước, cống hiến nhiều cho sư sãi, cho nhà chùa là đạo lý truyền thống của người Khmer. Chùa là nơi ngự của Phật, cũng là nơi ở của các vị tiền nhân. Vì thế, trước khi ăn một thứ gì ngon, vào đầu mùa vụ, như quà bánh, hoa quả, người Khmer thường bẻ, cắt một miếng dâng lên sư sãi, nhà chùa trước.

Thông thường, các gia đình người Khmer mỗi tháng mang lễ vật đến chùa sáu lần, tối thiểu cũng phải bốn lần, vào các ngày mồng Tám, Mười lăm, Hai mươi ba và Ba mươi. Trước khi mang cơm nước, bánh trái vào chùa, người Khmer phải thắp nhang trên bàn thờ Phật đặt ở nơi trang trọng nhất tại gia đình; chắp tay vái ông bà, cha mẹ, những người thân đã khuất để họ chứng giám cho lòng thành của mình. Trong tâm thức của đồng bào, được làm phước, con người sẽ thảnh thơi. Tính bình quân mỗi năm, người Khmer làm đám phước hai mươi hai lần theo tín ngưỡng Phật giáo, chưa kể tham gia những lễ Tết theo phong tục của các dân tộc xung quanh. Trong các đám phước, có một số đám chính dành riêng để tưởng nhớ, thờ phụng tổ tiên.

Lễ dâng phước (Sốc châu lộc băn):
Sau khi người thân qua đời được bảy ngày, người Khmer tổ chức lễ dâng phước cho người quá cố tại gia đình. Thời gian thường là một đêm và một buổi sáng. Gia chủ mời bà con đến dự càng đông vui càng tốt, vì họ quan niệm như thế gia chủ mới có được nhiều phước lành. Lễ dâng phước được thực hành theo nghi thức Phật giáo. Buổi tối tiến hành lễ bái Tam Bảo, thọ ngũ giới, mời nhà sư đến tụng kinh, dâng sữa, trà, đường lên sư sãi. Sáng hôm sau thì dâng cơm lên sư, mời sư sãi tụng kinh cầu siêu, cầu phước rồi dâng lễ vật lên chùa.

Lễ dâng phước của người Khmer xuất phát từ một sự tích được ghi trong kinh Phật, rằng xưa kia nàng Milika – vợ của vua Pakaseti Kosol ở xứ Savathay – từ thuở bé đã thường làm phước. Nhưng nàng đã phạm tội nói dối và không chung thủy với chồng nên sau khi chết, nàng bị đày xuống địa ngục. Khi ấy Đức Phật còn tại thế. Vua Pakaseti Kosol đến hỏi Đức Phật:
– Tại sao vợ tôi vẫn thường làm phước mà lại bị đày xuống địa ngục?
Sau bảy ngày, Đức Phật mới trả lời:
– Hôm nay nhà ngươi hãy về làm phước để dâng phước lành cho vợ và muôn dân. Làm được như vậy vợ nhà ngươi mới được thoát lên cõi Niết Bàn!
Nhà vua khi ấy đã già nhưng vẫn cố làm theo lời dạy của Đức Phật. Từ đó, muôn dân được sung sướng, an lành, còn vợ ông thì được hưởng phúc đức ở cõi Niết Bàn.

Lễ giỗ (Banh khuôp):
Sau đúng một trăm ngày hoặc sau mười hai tháng (một năm tròn) kể từ ngày mất của ông bà, cha mẹ, người Khmer tổ chức đám phước, mời khách khứa đến đông đúc, ăn uống linh đình để tạo phước cho người đã khuất. Lễ được tổ chức tại nhà, cũng kéo dài một đêm và một buổi sáng theo nghi thức Phật giáo. Tuy nhiên, đối với những gia đình khó khăn, họ không tổ chức tại nhà mà chờ đến ngày lễ cúng ông bà – tiếng Khmer gọi là Sênh đoỉ ta – mới làm cơm, sắm bánh trái và ít tiền mang lên chùa dâng Đức Phật và ông bà, cha mẹ.

Lễ cúng ông bà, cha mẹ (Banh sênh đoỉ ta):
Trong kinh điển Phật giáo có ghi một sự tích rằng: ngày xưa tại một vương quốc nọ, cứ đêm đến là vang lên tiếng khóc lóc thảm thiết, tiếng kêu chí chóe rùng rợn của ma quỷ, khiến nhà vua tuy ở trong hoàng cung kín cổng cao tường mà vẫn không thể ngủ yên. Cả triều đình lo lắng không hiểu chuyện gì. Khi Đức Phật đến vùng đó để thuyết pháp, nhà vua mới hỏi:
– Kính thưa Đức Phật, vì sao mỗi đêm lại vang lên tiếng than khóc, tiếng kêu la cả trong và ngoài hoàng cung?
Đức Phật giải thích:
– Đó là vong hồn của những kẻ cô đơn, không thân tộc, không con cháu chăm lo, họ đói khát. Nếu bệ hạ muốn tiếng kêu than chấm dứt, hãy nấu thật nhiều cơm, nắm thành từng nắm để xung quanh hoàng cung rồi mời các vong hồn đến ăn. Làm liên tục mười lăm ngày. Đến ngày thứ mười lăm thì dâng cơm lên sư sãi và làm lễ cầu siêu cho họ.
Nhà vua vâng lời. Quả nhiên, tiếng khóc than không còn nữa.

Dựa theo tích này, hằng năm, khi việc gieo cấy đã xong, từ ngày 16 đến ngày 30 tháng Fettrobet (tương ứng tháng Tám âm lịch của người Kinh), đồng bào Khmer Nam Bộ tổ chức lễ cúng ông bà gọi là Sênh đoỉ ta. Người Khmer ở Campuchia gọi lễ này là Banh Chhum Bonh. Đây là một trong ba lễ lớn nhất của người Khmer, gồm: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Oóc Om Bóc, và lễ Sênh đoỉ ta.

Lễ Sênh đoỉ ta kéo dài mười lăm ngày để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ và người thân đã khuất, đồng thời cầu siêu cho linh hồn họ được siêu thoát. Vào ngày quy định, các tổ trưởng (tiếng Khmer gọi là mê vênh) đến từng nhà vận động quyên góp gạo, tiền để mua thịt, bánh trái… đem lên chùa dâng sư sãi. Buổi tối, họ nấu cơm, nắm thành từng nắm đặt vào mâm cùng bánh trái, hoa quả dâng cúng Tam Bảo và mời sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả linh hồn trong dòng họ. Sau đó, các nắm cơm được đặt xung quanh chánh điện. Đồng bào còn làm lễ thọ giới và nghe sư thuyết pháp. Các tổ luân phiên nhau tổ chức đủ mười lăm ngày, gọi là Canh Banh.

Ngày thứ mười lăm, vào buổi chiều, những gia đình khá giả dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng bàn thờ Phật, làm mâm cơm, xới bốn chén cơm, sắp bốn đôi đũa, thắp nhang, đèn và mời bà con đến cùng cúng. Lời khấn đại ý là mời linh hồn người đã khuất về nhà nghỉ ngơi, ăn uống, được lặp lại ba lần; mỗi lần đều rót trà và rượu. Sau đó, họ gắp mỗi món một ít cho vào chén bẹ chuối (tiếng Khmer gọi là pe), rót trà, rượu và mang ra cạnh bờ rào, cắm nhang để mời ma quỷ đã dẫn lối tổ tiên về, đồng thời cảm tạ ma quỷ tiếp tục đưa tổ tiên về nơi cũ. Theo quan niệm người Khmer, ma quỷ không dám ăn chung mâm với tổ tiên nên phải cho ăn riêng.

Sáng hôm sau, mọi nhà – không kể giàu nghèo – đều làm cơm, sắp bánh trái rồi cùng đi lễ chùa. Tại chùa, sư sãi tụng kinh cầu phước, cầu siêu cho những người đã khuất được về cõi Niết Bàn hoặc đầu thai sang kiếp sống an lành hơn.

Đến chiều, một số gia đình làm lễ tiễn đưa tổ tiên. Họ dọn cơm, bánh trái như ngày đón tiếp, xới bốn chén cơm, sắp bốn đôi đũa, mời bà con cùng cúng. Sau khi khấn ba lần, họ lấy mỗi món một ít, xếp vào một con thuyền bẹ chuối. Thuyền có cắm cờ phướn hình tam giác, có hình khắc cá sấu ở đầu và đuôi – theo quan niệm là để bảo vệ ông bà đi đường. Ngoài ra còn có túi đựng muối, đậu, thóc, mè, bánh trái… để tổ tiên và ma quỷ mang về ăn lâu dài. Xong xuôi, thuyền được thả ra sông, lạch gần nhà. Sau đó mọi người cùng chung vui bữa cơm tiễn đưa.

Lễ cầu siêu (Bâng bâng s’koal)
Người Khmer quan niệm, tất cả mọi người dù sống hay chết đều là chúng sinh của Đức Phật, phần hồn luôn được Đức Phật độ trì và ai cũng mong muốn linh hồn người chết thuộc dòng họ mình được siêu thoát. Vì vậy, hằng năm, người Khmer thường tổ chức lễ cầu siêu (Bâng bâng s’koal) tại nhà rồi mới lên chùa mời sư sãi tụng kinh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tiến hành lễ chung tại chùa.

Lễ này được tổ chức vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, cụ thể là chiều mồng Ba Tết, tức là ngày lớn lơn sắk. Các gia đình đều chuẩn bị nước hương (tucop) sẵn trong bình để lên chùa tắm cho Đức Phật (sron Ouc Pras). Sau khi làm nghi thức tắm cho Đức Phật xong, mới vào chánh điện làm lễ cầu siêu (bâng s’koal). Có gia đình sau khi làm lễ tập trung tại chánh điện xong còn mời sư sãi đến ngôi tháp chứa hài cốt người thân của mình để tụng kinh cầu siêu một lần nữa, rồi lấy nước thơm đã tắm Phật tưới lên ngôi tháp, cầu mong linh hồn người thân chóng được siêu thoát. Lễ cầu siêu đến đó là kết thúc.

Không chỉ trong các dịp lễ Tết, người Khmer còn thờ cúng tổ tiên khi gia đình có việc lớn như cưới hỏi, đầy tháng, làm nhà mới, đám tang…

Như vậy, tục thờ cúng tổ tiên của người Khmer đã có từ lâu đời; đồng bào tổ chức thờ cúng trong nhiều trường hợp khác nhau và hầu như trong bất kỳ nghi lễ nào cũng đều gắn với nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát huy. Dân gian Khmer có câu răn dạy con cháu: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Họ cho rằng, nếu từ bỏ tổ tiên tức là quên nguồn gốc; mà quên nguồn gốc là một tội lỗi rất lớn. Đó là tư tưởng, là cái nhìn sáng suốt về giáo dục đạo đức truyền thống của đồng bào Khmer nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.