Chùa Trấn Quốc: Lịch sử, Kiến trúc và Thắng Cảnh Hồ Tây

CHÙA TRẤN QUỐC

Gió đưa cành trúc ỉa đà
Tiếng chuông Trấn Quốc, canh gà Thọ Xương.
Ca dao

Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở nước ta.
Tương truyền chùa có từ thời Lý Nam Đế (ở ngôi: 544 – 548). Khi ấy, chùa được xây dựng ở phường Yên Hoa, cạnh bờ sông Cái và được gọi là chùa Khai Quốc.
Đến đời Lê Thái Tông (ở ngôi: 1434 – 1442), niên hiệu Đại Bảo (1440 – 1442), chùa được đổi tên là An Quốc. Sau đó, đến đời Lê Kính Tông (ở ngôi: 1600 – 1619), niên hiệu Hoằng Định thứ 16 (1615), chùa lại được đổi tên là Trấn Quốc. Cùng năm này, vì bãi sông bị lở, sợ đổ chùa nên dân phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) mới dời chùa Trấn Quốc vào gò đất Kim Ngư ở bên Hồ Tây (tức địa điểm hiện nay).

Quyển Hồng Đức quốc âm thi tập đã có bài vịnh chùa Trấn Quốc như sau:
Trung lập kiền khôn vững đế đô
Mảng danh Trấn Quốc ở Tây Hồ,
Xuân thu thêm có mười phần lạ
Hoa cỏ đành hay một thức phô.
Hây hẩy hương trời thơm nữa xa
Làu làu đèn Bụt rạng như tô.
Kìa ai đủng đỉnh làm chi đấy,
Một tiếng kình khua một chữ mô.

Chùa cũng còn giữ được 14 tấm bia. Đáng kể là tấm bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính lập năm 1639 và tấm bia của Tiến sĩ Phạm Quý Thích lập năm 1815.
Tấm bia do Nguyễn Xuân Chính soạn cho biết chùa Trấn Quốc được trùng tu năm 1639:
“Trước hết dựng hậu đường, cổng có gác, tiếp theo dựng luôn tả hữu hành lang. Định ra từng dãy, chia ra từng tòa. Quy mô lớn, sức lực nhiều, so với người trước gấp trăm lần. Cách thức vững vàng, công phu đầy đủ. Huy hoàng tượng Phật, sáng ngời nơi rường chạm cột sơn; rực rỡ hoa hồng, ánh chiểu khắp tòa sen, cửa biếc”.

Đến thời Lê mạt (thế kỷ XVIII), các chúa Trịnh đã biến chùa này thành một hành cung (nơi ở của các chúa khi đi ra ngoài cung cấm) mà Bà Huyện Thanh Quan đã có bài thơ Hoài cổ rằng:
“Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau.
Mây tòa sen tỏa hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu…”

Cái tên “Trấn Bắc” là do vua Thiệu Trị đổi lại khi tới thăm chùa năm 1842, nhưng nhân dân vẫn quen gọi là chùa Trấn Quốc.
Trên tấm bia của Phạm Quý Thích soạn năm 1815 (niên hiệu Gia Long thứ 14), chùa đúng ra vẫn còn tên là chùa Trấn Quốc, chắc đã bị sửa lại là chùa Trấn Bắc. Theo tấm bia ấy thì chùa đã được trùng kiến lại sau một thời kỳ chiến cuộc kéo dài gây ra cảnh đổ nát:
“Nhà sư trụ trì, tự là Khoan Nhân, nối nghiệp sư tổ, tu tạo quả phúc, hợp sức hưng công…
… Trước hết làm chính điện thờ Phật, nhà thiêu hương và tiền đường, cả thảy ba tòa.
Sau đó làm hai hành lang, gác chuông, hậu đường, cả thảy bốn nếp. Nói chung đều cao lớn hơn trước. Đồng thời đắp tượng Phật và đúc chuông lớn. Tháng Giêng năm Quý Dậu (1813) khởi công, đến tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) hoàn thành.”

Chùa Trấn Quốc đến các đời sau cũng được trùng tu thêm nhiều lần nhưng kiến trúc cũ vẫn không thay đổi.
Khách tham quan đến thăm chùa cứ lên tới Hồ Tây rồi đi theo con đường Cổ Ngư – nay là đường Thanh Niên – là trông thấy ngay ngôi cổ tự. Có một con đường nhỏ dẫn vào chùa.
Cảnh chùa thật yên tĩnh. Đứng ở sân chùa, nhìn ra ba mặt là sóng nước mênh mông: cảnh Hồ Tây.
Hồ Tây là một hồ lớn, rộng tới 500ha. Hồ còn có tên là Lãng Bạc, tức là hồ có sóng lớn. Thực ra thì hồ chỉ có sóng lớn vào mùa giông bão, còn ngoài mùa đó ra hồ vẫn là một thắng cảnh của đất Thăng Long. Từ đời Lý, đời Trần, các vua chúa đã lập bên hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thúy Hoa hay điện Hàm Nguyệt (nay chính là địa điểm của chùa Trấn Quốc) và cung Từ Hoa (nay là địa điểm của chùa Kim Liên).
Hồ Tây, như ai cũng biết, đã là một nơi thắng cảnh mà chùa Trấn Quốc lại là cảnh đẹp của Hồ Tây nên chùa với hồ đã thành một danh lam thắng cảnh đúng như đôi câu đối trước cổng chùa đã ghi rõ:
Trấn Bắc cổ danh lam đàng dạng
Tây Hồ quang tuệ nhật;
Việt Nam kim thắng tích phương tung
Đông thổ chân thiền gian.