Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu: Danh Lam Thắng Cảnh Của Phật Giáo Nam Tông

THÍCH CA PHẬT ĐÀI

Đây là công trình của phái Phật giáo Nam tông đứng ra xây dựng vào cuối năm 1961, trên sườn núi Lớn ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau gần hai năm thi công, Thích Ca Phật Đài đã được khánh thành vào hai ngày 9 và 10-3-1963. Cảnh trí ở đây đẹp và đi lại cũng thuận tiện nên khách hành hương và du lịch lui tới rất đông, nhất là vào dịp đầu xuân. Cả khu vực rộng khoảng 5ha, chia thành hai cụm: Thiền Lâm Tự phía dưới và Thích Ca Phật Đài ở phía trên.

Cổng tam quan gồm có bốn trụ vuông, trên mỗi đầu trụ có một bông sen. Chính giữa cổng có gian tam biên đúc xi măng cốt sắt đề bốn chữ “Thích Ca Phật Đài”, ở phía trên có bánh xe pháp luân.
Qua khỏi cổng, đi theo từng bậc đá men theo sườn núi chừng trên 100m là lên tới khu chùa Thiền Lâm, nơi đây là chính điện thờ Phật. Bên cạnh có Cửu Huyền Thất Tổ thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, và xa hơn một chút có nhà niệm Phật.

Trên đường lên lầu bát giác có một cây bồ đề. Tấm bia tại đây ghi:
“Cội bồ đề lịch sử này là con cháu của cội SRI MAHA BODHI tại Bồ Đề đạo tràng. Từ chính cội cây thiêng liêng ấy, một nhánh chiết được cung thỉnh về trồng ở cố đô Anuradhapura xứ Sri Lanka (Tích Lan). Đại đức Narada Maha Thera cung thỉnh cây con từ gốc này đến trồng tại đây ngày 2-11-1960, nhằm ngày 14 tháng Chín năm Canh Tý, Phật lịch 2503.”

Lên khỏi nơi trồng cây bồ đề, rải rác trên sườn núi có nhiều pho tượng nói về sự tích Đức Phật: Thích Ca đản sinh, Thích Ca xuất gia, Thích Ca thành đạo, Đức Phật chuyển pháp luân, voi và khỉ dâng quả, Đức Phật nhập Niết bàn.

Ngôi nhà bát giác, tượng trưng cho vườn Lộc Giả nơi Phật giảng kinh, được xây khá công phu. Bên trong, một phía có bệ thờ, bảy phía còn lại đều có ghi lời Phật dạy. Lại thêm một khu vườn bày nhiều chậu cảnh theo nghệ thuật kiến trúc Á Đông, toát lên ý niệm về xã hội, về con người.

Đi tiếp lên theo những bậc thang lớn, hai bên có sáu con rồng uốn mình. Phía đuôi hai con rồng cao nhất có hai con sư tử ngồi, biểu hiện của Đại Hùng, Đại Lực.
Ở khu này có một sân rộng lát đá, chính giữa xây một tháp xá lợi bát giác cao 19m. Bốn phía bên cạnh đặt bốn cái đỉnh lớn, có ghi chú: Đất ở bên trong mỗi đỉnh đã được lấy từ bốn nơi Phật sinh, Phật thành đạo, Phật chuyển pháp luân và Phật nhập Niết bàn.

Phía bên phải của tháp là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi xếp bằng (kiết già) trên một tòa sen, cao tất cả là 10,2m, đường kính bệ dài 6m.
Tượng và tháp đều màu trắng nên từ dưới nhìn lên càng nổi bật trên nền trời xanh thẳm.

Nếu so sánh pho tượng Thích Ca này với pho Thích Ca ở trên núi Trại Thủy, Nha Trang và pho Thích Ca ở Trung tâm Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định thì pho tượng ở Vũng Tàu thấp hơn cả hai pho tượng ở Bình Định (7m, tính cả tòa sen là 11m) và Nha Trang (19m, tính cả tòa sen là 24m).
Pho tượng ở Thích Ca Phật Đài tuy nhỏ hơn, nhưng được đặt ở một khung cảnh thiên nhiên đẹp hơn hai nơi kia, nên đã tạo thành một danh lam thắng cảnh của Vũng Tàu.