Chùa Dạm
Chùa Dạm có tên chữ là Đại Lãm tự, nằm trên núi Dạm thuộc địa phận thôn Tự, xã Nam Sơn, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Chùa do Nguyên phi Ỷ Lan cho dựng, trong chùa có nhiều công trình nguy nga đồ sộ, xếp vào hàng đại danh lam kiêm hành cung. Theo các sách sử, công trình chùa Dạm bắt đầu được khởi công từ mùa đông năm 1086 đến mùa hạ năm 1094 mới hoàn thành.
Hiện nay, các lớp mặt nền vẫn còn khá rộng, phẳng, thành nền bó đá khối vững chãi. Trên nền chính có hai khu đất vuông – tròn cân nhau, được kè lại bằng đá chạm hình sóng nước, làm nền cho cột đá chạm rồng. Ngoài ra, còn có các chân tảng đá mài, mặt chạm đài sen… Tất cả là bằng chứng xác thực của một công trình kiến trúc lớn của thời Lý.
Toàn bộ chùa gồm có bốn tầng, nền phẳng, với tổng diện tích khoảng 8.000m², chiều sâu mỗi tầng khoảng 65m, rộng 120m. Các bờ kè thành của mỗi tầng cao khoảng 6m, được xếp bởi những khối đá lớn hình hộp chữ nhật.
Tầng nền thứ nhất còn gọi là Bãi Hội. Trước đây, vào ngày mồng 8 tháng Chín (âm lịch), dân 18 xã của huyện Võ Giàng lại rước lễ tập trung tại bãi này.
Tầng nền thứ hai có ba lối đi lên, lối ở giữa rộng khoảng 5m, hai lối nhỏ nằm ở hai bên rộng khoảng 3m, cũng được bố trí bậc cấp bằng đá. Ở hai bên của cửa giữa có hai ụ đất đối nhau, được kè xung quanh bằng đá chạm sóng thời Lý quen thuộc. Ụ bên phải hình vuông, mỗi cạnh dài 7m, cao gần 2m, còn giữ được vòng đá kè rất tốt, với những hoa văn sóng hình nấm rất lớn. Ụ bên trái chùa hình tròn, cũng được kè đá chạm sóng, chính giữa ụ được dựng một cột đá lớn liền khối cao khoảng 5m. Cột này thông thường còn được gọi là “cột biểu”. Đây là một di vật đặc biệt của đương thời, cần phải được minh giải. Tạm thời, chúng tôi đưa ra một vài nhận xét như sau:
Cột nằm ở phía ngoài bên trái cấp nền thứ hai. Bệ cột là một nền tròn, với đường kính 4,5m, cao xấp xỉ 1m, xung quanh bó đá tảng. Chân các viên đá tảng được gọt cong hình vỏ măng, lồi hẳn ra, nối nhau, hợp thành một đế nổi khối chắc chắn. Mặt đứng của các viên đá được chạm hai loại “sóng” đội nhau. Lớp dưới là sóng nước với các đường cong lượn song hàng; lớp trên là “sóng” hình nấm theo kiểu thót thân xòe tán, chân mở rộng nối nhau; cứ giữa hai ngọn lớn lại nhô lên ngang hàng một ngọn phụ. Chính giữa nền bệ là chiếc cột với hai phần rõ rệt. Nửa dưới theo hình khối hộp đứng, cạnh ở chân có sự chênh lệch chút ít (1,4m và 1,6m). Lên cao khoảng 1,8m, góc đứng của cột được gọt trở thành một đế tròn cao gần 0,4m, như làm bệ đỡ cho phần trên.
Phần trên là một khối trụ không tròn hẳn, theo kiểu “thượng thu hạ thách”, cao khoảng 1,95m, có đường kính dưới xấp xỉ 1,3m. Bao quanh mặt phía dưới khối trụ (chiếm độ cao khoảng gần 1m) là đôi rồng được chạm nổi khối, ngoắc đuôi nhau rồi chạy từ sau ra trước. Phía trên, gần đầu cột, người ta khoét một số lỗ nông hình cửa vòm cuốn với kích thước to nhỏ không đều nhau.
Về hình thức, qua đối sánh với tạo hình của các nước trong vùng và qua huyền thoại, chúng ta tạm có thể đưa ra một giả thiết: Cột đá này là biểu tượng một linga, tượng trưng cho sức mạnh sáng tạo. Truyền thuyết Ấn Độ có kể rằng: Vishnu và Brahma đã cãi nhau để giành quyền sáng tạo ra thế giới. Lúc đó, đột nhiên xuất hiện một cây cột đen rực lửa. Do không hiểu, nên hai thần bèn quyết tìm đến cội nguồn. Brahma biến thành thiên nga bay lên và Vishnu biến thành lợn lòi đào xuống. Cuối cùng cả hai đều không tới được đích, trở về gặp nhau cùng sụp lạy cột. Lúc đó, thân cột nứt ra và Shiva xuất hiện. Ngài bảo rằng, các thần chỉ là những hóa thân của một thực thể tuyệt đối, đó là Shiva vĩnh cửu. Sau đó, các thần đã dùng phép thuật để ẩn mình vào chính cột đó. Phần gốc là nơi Brahma, phần giữa là nơi của Vishnu, và phần trụ trên cùng là nơi của Shiva. Như vậy, cây cột/linga là biểu tượng về “Tam vị nhất thể”.
Trở lại cột chùa Dạm, chỉ với hình thức thôi, chúng ta thấy nó như đã hội đủ những ý nghĩa nêu trên. Kiểu cách tạo dáng vuông tròn không đơn giản là ý nghĩa trời đất, mà còn như chứa đựng về nơi ngụ của các vị thần. Đỉnh cột tròn là nơi của tối thượng thần Shiva, ở đó chứa đựng những siêu lực vũ trụ có sức tác động tới sự nảy sinh và hủy diệt… Trên phần thân của trụ tròn là đôi rồng cùng nâng hai chiếc “lá đề”. Rồng chỉ ở thấp hơn đỉnh cột chút ít (khoảng 0,90m). Chúng ta đã thấy ở thời Lý (trong điều kiện hiểu biết hiện nay), chỉ các di tích nào gắn với vua, mới được chạm rồng, vì rồng là một biểu tượng gắn với nhà vua. Trong bố cục ở cột chùa Dạm, con rồng thể hiện ra trên phần trụ tròn, như một biểu hiện hữu hình của tối linh thần. Và qua đây, chúng ta như thấy có một sự cố ý đồng nhất thần linh với vua, để biểu hiện cho một uy quyền tuyệt đối.
Suy cho cùng, cột chùa Dạm như một biểu vật cụ thể phản ánh sự trở về cội nguồn Đông Nam Á của dân tộc Việt, một minh chứng cho ý thức giải Hoa dưới triều Lý (ở mặt tư tưởng). Có thể nói, cột chùa Dạm là một linga lớn nhất trên toàn cõi nước Việt hiện nay và mang một giá trị nghệ thuật cao.
Tầng nền thứ ba có hai lối lên, thẳng với hai lối phụ ở tầng hai. Vào năm 1996, trên nền này, dân địa phương đã dựng lại một căn chùa nhỏ với ba gian đơn giản.
Nằm phía sau bên trái chùa có một giếng đá nhỏ gọi là giếng Bống – liên quan đến Nguyên phi Ỷ Lan và tích truyện Tấm Cám. Gần đó hiện còn một số chân tảng hình vuông, trên mặt chạm đài sen tròn (đường kính trung bình 50cm). Ngoài ra, còn có nhiều phế tích đất nung như các mảnh hình rồng, uyên ương… Có thể thấy, tầng nền thứ ba này là địa điểm tập trung những công trình chính của ngôi chùa.
Tầng nền thứ tư cũng đi lên theo hai lối như tầng thứ ba. Hiện nay, tại đây có một ngôi đền nhỏ ba gian kiến trúc đơn giản, trên bờ nóc đắp ba chữ Hán “Thánh Mẫu tự”, trong đền còn lưu được hai pho tượng gỗ có niên đại muộn, đó là tượng của Nguyên phi Ỷ Lan đặt ở ban thờ chính và tượng Trần Nhân Tông ở ban thờ bên.
Nhìn chung, chùa Dạm dưới thời Lý đã được xây dựng với quy mô khá lớn, bốn lớp nền trườn theo sườn núi lên cao dần. Các nhà kiến trúc thời đó đã tìm thấy ở thiên nhiên và lợi dụng thiên nhiên để nhấn mạnh vẻ đẹp của công trình. Chùa Dạm là một nơi tập trung trí tuệ của dân tộc.
Qua hai công trình kiến trúc điển hình này, chúng ta như được sống lại trong cái nôi hào khí của sự thống nhất toàn tâm toàn lực của dân tộc. Đây là một minh chứng về những thành quả sáng tạo vĩ đại của người Việt ở đương thời, của nền nghệ thuật mang tính nhân văn sâu sắc, một đỉnh sáng của di sản văn hóa dân tộc.