Đồ mã
Theo quan niệm của người Việt bình dân, việc làm đẹp bàn thờ được đồng nhất với sự tôn sùng thần linh. Trong những kết cấu đền thờ và ngôi nhà cổ truyền của người Việt, do xu hướng mái thấp, mà chủ yếu chỉ có cửa ở phía trước, nên lòng nhà tối… Vì thế, những màu sắc sặc sỡ gắn với nơi ngự của thần linh và tổ tiên không chỉ để biểu hiện tính hướng tâm mà thực chất còn như làm ấm cho căn nhà, ít nhất ở mặt tinh thần. Đồ mã dễ làm và đáp ứng được yêu cầu đó nên được người Việt rất sùng chuộng. Vậy đồ mã ở đâu ra?
“Ngay từ khi con người bắt đầu hiểu biết, họ đã cảm thấy hình như có một thế lực nào đó, siêu nhiên, chi phối được tới cuộc sống của mình. Thế lực ấy vô hình nhưng bất biến, cao diệu, đầy quyền năng và ở đâu đó tận miền trời xanh. Phát hiện ra lửa khói – ở lĩnh vực tinh thần – con người mới như giải quyết được niềm ước vọng với thần linh. Những cuộc lễ lạt trở nên phức tạp dần theo dòng trôi chảy của lịch sử và xã hội, để rồi mọi của cải dễ dàng được quy tụ về nơi thần điện. Việc sử dụng vàng mã ở Việt Nam là ảnh hưởng từ Trung Hoa. Lịch sử Trung Quốc cho biết rằng: thời Thượng cổ, người chết thường được bó bằng cây củi, rồi đem để nơi hoang vắng, mãi tới đời Hoàng Đế (2697 trước CN) mới đem chôn người chết. Đương thời, người ta quan niệm chết là chuyển kiếp sang sống ở cõi khác. Vì thế, dần dần người chết cũng được chia của để chôn theo. Thời nhà Ân (1765 trước CN), đồ tế khí là đồ dùng thực trong cuộc sống, song dần dần, đồ thiết dụng không đủ cho cả người sống, nên đến nhà Chu (1122 trước CN), khi xã hội phân hóa ra quý phái (từ Thiên tử tới đại phu) và tiện dân (từ sĩ phu tới thứ dân), thì đồ tế khí cũng ‘phân hóa’.
Quý phái mới được chôn theo đồ tế khí (đồ thật), còn tiện dân chỉ được dùng quỷ khí (quỷ khí đã có từ thời nhà Hạ – 2205 trước CN). Và, có thể coi quỷ khí là tiền thân của đồ mã về sau. Thời này, vua quan ăn chơi tàn bạo, khi chết thường chôn theo những người được vua yêu thích. Một câu chuyện đau thương kể rằng: Tấn Mục Công (Khắc Nhâm) chết, tất nhiên sẽ chôn sống theo vua ba người anh em họ, mà sinh thời Mục Công yêu quý. Nhưng nhân dân nước này rất thương tiếc ba hiền tài và hàng trăm người đã xin nguyện thế mạng. Để yên lòng dân, người ta đã làm hình người bằng cỏ để thay thế. Đó là một bước tiến gần tới việc khẳng định sự cần thiết của đồ mã.
Năm 105, Trung Quốc phát minh ra giấy, nhưng phải tới năm Khai Nguyên thứ 26 (năm 737), vua Huyền Tôn mới sử dụng sáng kiến của quan Trưởng sử là Vương Dư làm mã vàng bạc, giấy tiền… để thay thế đồ thật dùng trong tang ma, tế tự. Từ đó, những hình tượng về con người liên quan, áo quần, nhà cửa, vật dụng, súc vật… cũng được làm bằng giấy để thay thế vật thực.
Từ đây, đồ mã hình thành và phát triển.
Suy cho cùng, trong buổi khởi nguyên, đồ vàng mã – ở mặt nào đó – đã mang tính tiến bộ, tiết kiệm được vật dụng, hạn chế được sự tàn ác, đáp ứng được nhu cầu về tâm linh của nhiều người. Song, vượt qua giai đoạn ban đầu ấy, nhất là khi vai trò của thương mại ngày một phát triển, đã góp phần đẩy nhanh hiện tượng “thánh một cân, trần một yến”, khiến cho đồ mã “lên ngôi” trong sự tiêu cực xã hội.
Đồ mã Việt có nhiều loại, tích cực cũng có (như đồ chơi rằm tháng Tám), mà tiêu cực thì khá nhiều (phục vụ tín ngưỡng). Với lập luận “âm sao dương vậy”, người ta đã đẩy đồ mã ra khỏi ý nghĩa khởi nguyên, lo hồn người chết thiếu thốn, và nhất là xuất phát từ “ghen vợ ghen chồng không bằng ghen đồng ghen bóng” mà đồ mã được đua nhau làm nhiều, làm lớn để gửi sang thế giới bên kia, hoặc để “hối lộ” cho thần linh.
Suy cho cùng, vàng mã vừa đủ sẽ làm đẹp bàn thờ, biểu hiện lòng tôn kính. Vàng mã đủ loại, tân cổ giao duyên, nhiều quá giới hạn, chỉ dẫn tới mê tín dị đoan, trần tục hóa thần linh, làm nặng nề cho kiếp đời đã qua, và kẻ có lợi chỉ là bọn đồng cốt…”[^7]
Đồ mã trên chính điện của các tôn giáo lớn ở Việt Nam thường chỉ có tính chất điểm xuyết, đúng tư cách thay thế vật thực. Chúng ta đã gặp trên Phật điện thường có hai cành hoa giấy mang tính tượng trưng, đều được cắm trong lọ. Cành bên trái với trung tâm là một bông cúc mãn khai (kiểu cúc vạn thọ) màu vàng kim khá lớn, bao quanh là 10 bông cúc nhỏ… Đối xứng ở bên phải là cành hoa tương tự, song hoa trung tâm là màu trắng bạc… Trong tư cách này, hoa vàng tượng dương, trắng tượng âm, cũng tượng cho ngày và đêm. Có người còn nghĩ hoa vàng tượng cho mặt trời, hoa trắng tượng cho mặt trăng, các hoa nhỏ tượng cho tinh tú – như thế, mỗi nhành hoa như biểu tượng cho cả bầu trời…
Đồ mã của người Việt thường tập trung vào những ngôi đền gắn với tín ngưỡng dân dã, đặc biệt là ở điện Mẫu. Do sự phát triển không đồng đều, nhất là trong thời gian gần đây, và do lệ thuộc vào kinh phí của người làm đồ mã, nên số lượng và kích thước đã khác nhau. Ở đây, chúng tôi tạm dựa vào đền Dầm thờ Mẫu Thoải cung (Thường Tín – Hà Tây) để mô tả về đồ thờ mang chất liệu vàng mã, với ý nghĩ chúng chỉ như một gợi ý cho cái chung mà thôi.
Cũng như nhiều ngôi đền thờ Mẫu khác, đồ mã tại đền Dầm được chia làm hai loại:
– Loại thường xuyên: là những đồ mã được đặt trên bàn thờ để biểu hiện sự tôn kính và mặt nào đó cũng nhằm mục đích trang trí về màu sắc, bao gồm:
- Nón bốn phủ: thường là nón quai thao, đôi khi cũng là loại nón dạng thông thường. Để biểu hiện cho từng vị Thánh tối thượng, lòng nón thường được dán ở tâm ô giấy màu tương ứng, quai nón cũng có màu thích hợp, điểm xuyết là những kim tòng (những gù rủ tua rua màu vàng). Những nón này thường được treo ở phía ngoài giữa chính điện hoặc chia đều ở hai bên.
- Quả nón công đồng: Nếu như ở trong chùa, tại vị trí trung tâm của tiền đường thường hay treo lá phướn đại, thì ở điện Mẫu tại vị trí này hoặc lùi sát vào chính điện, người ta thường treo quả nón công đồng bằng đồ mã. Đây là một hiện vật có tính tổng hòa với nhiều màu sắc, cầu kỳ, đầy chất dân gian và rất đắt tiền… nên thường chỉ để treo cho đẹp, mỗi năm đốt một lần khi thay quả mới.
Về bố cục, quả nón này được chia làm nhiều cấp theo cương vị của hệ thần linh công đồng. Trên cùng là một chiếc lọng sáu cạnh gần giống như bảo cái của nhà Phật, nó như tượng trưng cho tầng trời, ở đầu các góc đều có hình linh thú là rồng hoặc rắn nhô đầu ra làm điểm treo những “lọng” hai tầng nhỏ, lọng này có rủ kim tòng lớn.
Để làm cho đẹp, phía dưới của lọng cái, ở các mặt, người ta thường trang trí hoa văn và gắn quạt hoặc một vài hiện vật nào đó liên quan tới việc làm sang cho Thánh Mẫu (màu quạt theo chức năng của vị Thánh Mẫu chính tại đền). Ngay dưới hệ thống này có rất nhiều nón to nhỏ khác nhau, mở đầu là nón của các Thánh Mẫu, cấp thứ hai là nón chúa (Tam vị chúa rừng), tiếp tới là nón của Ngũ vị Tôn Ông, rồi 12 Thánh Chầu, nón của Ông Hoàng (thường ba nón), nón Cô (thường bốn nón, cũng có khi là 12 nón nhỏ), nón Cậu (thường có ba nón). Dưới cùng, ở chính tâm của cả hệ thống là một thuyền rồng của Quan Lớn Đệ Tam Phủ hay bình thường là thuyền của Vua Cha Bát Hải.
Ở nhiều quả nón công đồng, ngoài thuyền của Vua Cha còn có chiếc mảng của Cậu Bé Thoải tức Cậu Bơ… Nhìn chung, quả nón công đồng được quan tâm rất nhiều đến nghệ thuật nên hòa sắc khá nhuần nhuyễn. Đồng thời, để tránh sự đơn điệu khô cứng, người ta đã điểm xuyết những hoa cúc mãn khai hoặc những lá thiêng tạo nên sự vui mắt, dễ quyến rũ những tín đồ đạo Mẫu.
- Những đồ mã trên bàn thờ: Ngoài hai cành hoa (như đã trình bày ở trên), thì trên bàn thờ Mẫu hầu như phải có vàng Tứ Phủ (loại vàng viên hình hộp được đóng thành bánh và xếp khối với bốn màu: đỏ, xanh lá cây, trắng và vàng). Đương nhiên, tỷ lệ này có phần không đều, tùy theo chức năng của vị thần mà số lượng ít nhiều tương ứng và màu sắc khác nhau.
Ở một đôi ngôi đền, đồ mã còn được thể hiện dưới dạng một loại cây vũ trụ, chủ yếu gắn với Mẫu Thượng và Mẫu Thoải. Bên cạnh bàn thờ Mẫu Thượng, người ta đặt một cây xanh để tượng trưng cho rừng núi, với lá rủ như lá liễu, điểm xuyết trên đó là hoa, quả nhiều màu nhằm tạo nên một sự rực rỡ tươi vui của núi rừng. Bên bàn thờ Mẫu Thoải, thường có một cành hoa lớn với rất nhiều hoa dạng bông cúc màu trắng.
- Loại đồ mã phục vụ các lễ: Các lễ liên quan đến điện Mẫu gồm có lễ hội chính trong năm, các lễ thức khác như mở cửa phủ, lên đồng, mừng đồng v.v…
Thông thường, đồ lễ khá giống nhau gồm: voi, ngựa, thuyền rồng, mũ Bình Thiên, mũ Nam Tào, Bắc Đẩu, mũ Đương Niên, Đương Cảnh, mũ Ngũ Phương và 10 mũ văn võ. Voi, ngựa thường được làm khá lớn, đa số màu vàng để biểu hiện quyền năng của nhà Thánh. Thuyền rồng thường của Vua Cha Bát Hải hoặc của thế giới thủy cung. Trong thế giới này, đôi khi người ta còn làm mảng của Cô Bơ. Mảng này được kết bởi những ống nhỏ tượng trưng cho tre nứa, trên mảng có người chèo. Có khi người ta còn làm một thuyền mã khác để chở người đi rừng.
Các mũ ở đây thường theo cách thức mũ có thật trong cuộc sống của quan viên trong triều, nhưng thường to nhỏ và màu sắc theo chức năng khác nhau. Một trong những đồ mã quan trọng là gắn với Chúa núi rừng. Tuy người ta không dám làm hình tượng của Chúa, nhưng những hình tượng hầu cận có tính chất tượng trưng thì thường xuyên có, như hai Chầu hầu cận của Thánh Mẫu Thượng Ngàn, có khi tới năm, sáu vị; rồi hình tượng của Thập nhị tiên nàng với áo dài vấn khăn, hai tay dang rộng sang hai bên. Ngoài ra, để biểu hiện sự kính trọng, người ta còn làm bốn cây quý như tùng, cúc, trúc, mai để nói lên sự sum họp một nhà.
Những loài vật đáng quan tâm hơn cả là hình tượng Ông Lốt của Động Phủ, với hình thức đỏ, xanh, vàng, trắng. Lốt Thoải phủ nhiều khi được thay bằng rắn tam đầu cửu vĩ hoặc tam đầu nhất vĩ màu trắng. Lốt tam đầu cửu vĩ tức là một con rắn có ba đầu và chín đuôi, nhưng ba đầu lại mang mặt người. Đây là một loại đồ mã rất đặc biệt, chỉ có ở đồ lễ dâng lên Mẫu Thoải và những vị thần có liên quan tới nước mà thôi.
Theo giải thích của ông đồng đền, thì “tam đầu cửu vĩ” là tượng trưng cho các vị thần tiêu biểu thuộc hệ thống điện thần Đạo Mẫu nói chung và ở một đền thờ Mẫu cụ thể nói riêng, gồm có Tam Phủ Công Đồng, Tứ Phủ Vạn Linh, Thần Linh, Thần Hoàng… Thực ra, lời giải thích này chưa được thỏa đáng, nên bước đầu cần phải đặt ra một giả thiết là: hình ảnh của Lốt tam đầu cửu vĩ đã thể hiện một sự pha trộn văn hóa giữa tín ngưỡng bản địa (thờ thủy thần, thờ rắn…) với các dòng tín ngưỡng ngoại nhập. Cụ thể ở đây, rắn ba đầu có lẽ phần nào chịu ảnh hưởng từ con rắn thần Naga của tín ngưỡng Ấn Độ; mặt người có thể là hiện tượng nhân cách hóa của người Việt; còn “cửu vĩ” (9 đuôi) ở đây không nên hiểu là số đếm, mà trong trường hợp này đã biểu hiện cho số nhiều (con số phiếm chỉ).
Do vậy, có thể ngờ rằng, khi dâng Lốt tam đầu cửu vĩ lên Thánh Mẫu, người dân đã chuyển tới Ngài một lời cầu mong sao cho của cải và hạnh phúc ngày càng được sinh sôi, nảy nở — một ước vọng có tính chất nguyên sơ mang tính toàn nhân loại.
Ở những di tích thờ Mẫu thông thường và ở những lễ “ra đồng” của người giàu có, ngoài những đồ mã nêu trên, người ta còn hay làm một “chùm” sơn trang gồm một khối hình cây cổ thụ, phần nhiều rủ lá như cây liễu. Trong lùm cây là một “quả” động, hai bên cửa động có long chầu, hổ phục, rồi thanh xà, bạch xà v.v… Cũng có khi người ta bổ sung thêm năm mã hình nhân cho bốn miền, trong đó có hai màu đỏ tượng trưng cho miền trời và cho bản mệnh. Các hình nhân này có thể là nam hoặc nữ tùy theo giới tính của chủ lễ.
Những đồ mã phụ khác là vàng cho Năm Quan (xanh, đỏ, trắng, vàng và tím), bốn nghìn vàng cho các Cô ở bốn phủ, một nghìn vàng cho Chúa, một nghìn hai vàng cho Sơn Trang. Ngoài ra, còn phải có giấy bọc trứng và phong chum nước của các phủ. Ở lễ mở phủ, người ta cũng thường mở chum nước, nhưng trong lễ mừng đồng thì nhất định phải đậy lại.
Đồ mã thời xưa thường được làm khá chuẩn mực nhưng không quá lớn. Hiện nay, do nền kinh tế thị trường phát triển, nên đua nhau làm lớn hơn trong tinh thần “ghen đồng, ghen bóng”. Vì thế, đồ mã dần dần xa rời ý nghĩa sinh hoạt tâm linh và dễ dẫn tới mê tín dị đoan.