Tượng Phật và chùa Việt: Giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa

Ở đây chúng tôi tập trung vào các tượng thờ. Do Phật giáo và những ngôi chùa đã có mặt thường xuyên trong suốt thời kỳ tự chủ, vì thế chúng tôi lấy tượng chùa làm trọng tâm, rồi từ đó liên hệ với các loại hình khác.

Hầu hết các đồ thờ nhân cách đều là tượng của các thần linh. Vậy trước hết, phải đặt ra một vấn đề về nhận thức thần linh và ứng xử với các thần của người Việt. Theo một tấm bia của chùa Bối Khê (Thanh Oai – Hà Tây) đã từng cho biết: “Anh tú của đất trời tụ thành sông núi, anh tú của sông núi là thần linh…” Như vậy, thần linh là vẻ đẹp thánh thiện mà người đời thường ngưỡng tới. Tất nhiên, đối với người Việt thì ít nhất thần linh cũng được nảy sinh từ “thời gian chiêm bao”, thời kỳ mà con người chìm trong thần thoại và huyền thoại với tư duy mênh mông hòa cùng vũ trụ. Người ta tin tưởng có một thứ linh hồn rộng lớn vô biên, đồng nhất, bàng bạc ở đâu đó, không xác định được. Linh hồn ấy cũng là sinh lực vĩ đại chi phối tới sự sống của muôn loài. Trong một giới hạn theo đà phát triển của lịch sử và tư duy, cùng sự nhân cách hóa, linh hồn dần dần hóa thành thần linh mang dạng con người. Đồng thời, do những hoàn cảnh khác nhau mà thành những thần linh khác nhau. Do con người luôn có ý thức lấy mình làm trung tâm, coi hình tượng của chính mình là chuẩn mực, nên đa số các vị thần thiêng liêng đều mang bóng dáng con người.

Thực tế đã cho thấy các thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp rồi các thần Rắn gắn với nguồn nước, có thể kể ra rất nhiều thần linh khác nữa – khi được tôn sùng hoặc kính sợ – thì hầu như đều được tư duy người Việt “nhào nặn” để các vị hóa thân nhân cách, và trong rất nhiều trường hợp được nhập về chùa. Mặt khác, cũng có nhiều di tích vốn thuộc tôn giáo khác, không có sự quản lý của triều đình mà sống trong môi trường thôn dã, như những quán Đạo Lão, dần dần cũng trở thành chùa. Ngay đến cả ngôi đình cũng một thời được triều đình lệnh cho rước tượng Phật vào để thờ (thời Trần Cảnh, thế kỷ XIII). Suy cho cùng, đối với người Việt, chùa không phải chỉ là giáo đường của riêng đạo Phật, mà trong Phật giáo dân dã của người Việt thì cửa chùa luôn mở rộng với các thần linh phi Phật cũng như với mọi chúng sinh.

  1. Diễn biến của các tượng thờ Phật giáo
    Ngày nay, trên Phật điện của các ngôi chùa ở châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thường có rất nhiều tượng, nhưng trên thực tế chúng ta mới chỉ thấy được tượng Phật giáo Việt có từ thời kỳ tự chủ (với niên đại trong thiên niên kỷ thứ hai).

Những tượng đã phát hiện được như ở Phật Tích (Bắc Ninh) (đầu tượng đã được làm lại vào khoảng thế kỷ XVII hoặc đầu XVIII), tượng chùa Ngô Xá (Ý Yên – Nam Định), tượng chùa Hoàng Kim (Quốc Oai – Hà Tây) (đã mất đầu) và có thể cả tượng chùa Huỳnh Cung (Thanh Trì – Hà Nội)… đều có niên đại vào thế kỷ XI và XII.

Bằng vào những tư liệu còn để lại và thực tế khảo sát cho thấy, thuở ban đầu, trên Phật điện, loại đồ thờ nhân cách này còn khá vắng vẻ. Chủ yếu ở đây là tượng của Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật. Người ta cũng thấy được ở vị trí trung tâm Phật điện đã có một số vị Phật khác, như Di Lặc Phật (nhằm cầu phúc – chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh); vị cổ Phật Như Lai Đa Bảo – chùa Long Đọi (Hà Nam). Ngoài ra còn một số phù điêu gắn với các vị Phật và Bồ Tát khác. Nhưng tạm thời có thể tin rằng, Phật điện mỗi chùa chỉ có một tượng, phía trước tượng được đặt một nhang án bằng đá hoặc bằng gỗ.

Cho đến nay, hầu như chưa tìm được một mảnh gỗ có dấu vết văn hóa nghệ thuật nào của thời Lý để lại. Ngay cả những nhang án đá cũng bị đập vỡ gần như hoàn toàn. (Hiện chỉ còn một phần góc nằm trong hệ thống hiện vật của Bảo tàng Lịch sử. Tuy mảnh nhang án này còn khá lớn, nhưng chỉ đủ sức để chúng ta nhận biết phần trên có đài sen, rồi những hình hoa văn cách điệu gắn với lực lượng tự nhiên. Dưới đó là một thần điểu Garuda có hình thức khá đặc biệt, giống như một chú bé với thân hình mềm mại ngồi quặt chân về một phía. Tuy nhiên, tất cả những chi tiết đó chưa đủ để chúng ta nhìn nhận một cách cụ thể về nhang án đá thời Lý). Cùng với ngôi chùa thời Lý còn nhiều đồ thờ khác để lại mà nay gặp được là những trụ, ít nhất với hai loại khác nhau (sẽ trình bày sau).

Dưới thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), tuy sách sử đã nói đến việc có tạc nhiều tượng Phật giáo, nhưng tới nay chúng ta chưa xác nhận được một pho nào cụ thể. Có lẽ vì tượng thời này làm bằng chất liệu gỗ nên không còn. Mặt khác, thực tế Phật đạo thời Trần phần nào đã suy thoái. Một số người theo đạo Phật ở tầng lớp trên thường tu “xuất thế gian”, ít nhiều đề cao yếu nghĩa vô chấp của đạo (điển hình như Tuệ Trung Thượng Sĩ). Họ đi sâu vào thiền định, sinh hoạt tư tưởng ở mức độ khá cao, hướng tới “Niết bàn vô trụ xứ”… điều đó cũng dễ dẫn tới tư tưởng ít quan tâm tới tượng.

Trong các ngôi chùa của thời kỳ này (chủ yếu ở ven sông Đáy), chỉ để lại cho chúng ta những chiếc nhang án bằng đá hình hộp chữ nhật. Vị trí của nhang án đó được đặt sát phần trong của gian giữa. Trước đây nhiều người nhầm tưởng gọi là bệ Tam Thế Phật, nhưng khi đọc kỹ lại những lời ghi trên hiện vật, đã thấy rõ ràng chữ “thạch bàn” để xác nhận đó là nhang án (chùa Bối Khê – Hà Tây). Vấn đề này khá quan trọng, vì: nếu đấy là bệ Phật thì chắc chắn ngôi chùa phải có tượng; nhưng khi xác nhận là nhang án, thì chính vị trí của bàn thờ đá này đã đặt ra cho chúng ta hai vấn đề:

Một là, tượng Phật được đặt ngay trên nhang án – nhưng điều đó ít thấy xảy ra tại các nhang án tương đồng của thời sau.

Hai là, có thể nhiều ngôi chùa ở làng không có tượng. Khảo sát điền dã tại nhiều ngôi chùa cổ ở Hòa Bình của người Mường, cho thấy kết cấu của ngôi chùa chỉ là một ngôi nhà lá nhỏ (một gian hai chái) có mặt nền tương đồng với chùa dân dã thời Trần và thời Mạc. Cũng ở chính gian giữa, sát phía sau, chỉ có một nhang án gỗ đơn sơ. Người ta treo sau nhang án là một bức tranh Phật hoặc chữ “Phật” lớn, có nghĩa là ở nhiều ngôi chùa này không có tượng. Hình thức kể trên cùng tính chất ngưng đọng về văn hóa của người miền núi như một gợi ý để chúng ta suy ngẫm về những ngôi chùa có nhang án đá của thời Trần.

Vào thế kỷ XV, hầu như kiến trúc chùa chiền không còn được phát triển, ngay cả trong làng quê. Bằng vào nghệ thuật trên các nhang án (không ghi niên đại) còn tồn tại, chúng ta có thể đặt ra một giả định là: có một số chùa đương thời đã theo cách thức từ thời Trần. Tới nay mới chỉ tìm được một nhang án đá của thời này, được làm vào nửa đầu thế kỷ XV, thuộc thị xã Bắc Giang, nhưng những tượng đá ở đây thì cũng như tượng thời Trần, hầu như chưa xác định được rõ ràng.

Sang thế kỷ XVI, thời Mạc, kết cấu của ngôi chùa vẫn chưa mở rộng. Tuy nhiên, chúng ta đã tìm được khá nhiều loại tượng Phật giáo khác nhau để khẳng định về một số loại chùa khác nhau. Trước hết là ở chùa theo loại truyền thống thờ Thích Ca Mâu Ni Phật (chùa La Khê – thị xã Hà Đông); rồi tượng Tam Thế Phật (chùa Thầy – Quốc Oai – Hà Tây); đặc biệt dưới thời này đã phát triển và phổ biến hơn về tượng Bồ Tát Quan Âm nhiều tay có quỷ hoặc rồng đội đài sen (chùa Bối Khê – Thanh Oai – Hà Tây, chùa Thượng Trưng, chùa Hội Hạ – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc)… Cũng thời này chúng ta đã tìm được tượng Ngọc Hoàng (chùa Ngô Sơn – Tích Giang – Ba Vì – Hà Tây) và cả một vài pho tượng Thích Ca sơ sinh nữa… Chắc chắn dưới thời Mạc, do sự phát triển kinh tế và tư tưởng xã hội có phần đa dạng hơn giai đoạn trước, nhất là phần nào chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, nên sự nhìn nhận về đạo Phật có rộng mở hơn.

Tới thế kỷ XVII, đồ thờ nhân cách trong chùa đã phát triển đông đảo hơn. Ngoài những loại tượng như của thời Mạc, chúng ta đã tìm được bộ tượng Di Đà Tam Tôn, rồi Hoa Nghiêm Tam Thánh. Từ khoảng giữa thế kỷ này trở về sau, còn thấy cả Di Đà Phát Quang, Tứ Bồ Tát, rồi những tượng sư tổ và một số tượng hậu chùa gắn với tầng lớp trên.

Sang thế kỷ XVIII, nhất là vào giai đoạn cuối (thời Tây Sơn), thì hệ thống tượng chùa đã khá đầy đủ. Ngoài những loại tượng đã có ở thế kỷ XVII, thì nay đã gặp các bộ tượng Di Lặc Tam Tôn mang tính chất chúa cứu thế, Bát Bộ Kim Cương, các tượng Tổ Truyền Đăng (thường gọi lầm là Thập Bát La Hán)…

Chỉ tới thế kỷ XIX, kể từ đời Tự Đức trở về sau, sang tận đầu thế kỷ XX, thì tượng chùa mới khá đầy đủ như hiện thấy. Nghĩa là, ngoài những loại tượng như ở thế kỷ XVIII, tới cuối thế kỷ XIX mới thấy phổ biến dần bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, bộ tượng Đức Ông, bộ tượng Thánh Tăng, tượng Địa Tạng Bồ Tát, Thổ Địa, Tổ chùa, đặc biệt là hệ thống tượng Mẫu.

         2. Ý nghĩa sơ lược của các tượng thờ Phật giáo
Người Việt thờ Phật theo lối thế gian, tức lối thờ bình dân, nên rất cần đồ thờ để vừa gợi ý đi vào tâm đạo, vừa gây ý thức trang nghiêm, sùng kính. Những pho tượng trên chùa thực chất nhằm mục đích nói về những lẽ đạo, đồng thời là những bài học dạy làm người theo tư tưởng Phật giáo. Vì thế, người Phật tử đến lễ chùa thường ngước mặt chiêm ngưỡng tượng mà tìm đến Như Lai. Trong hệ thống tượng được bày trên ban thờ, thông thường được sắp đặt từ trong ra ngoài:

  • Tam Thế Phật, ở trên cao và sâu nhất thuộc chính điện. Tên đầy đủ được gọi là Tam Thế Thường Trụ Diệu Pháp Thân (Tam Thế: ba thời – quá khứ gọi là Trang Nghiêm đại kiếp, hiện tại gọi là Hiền kiếp, vị lai gọi là Tinh Tú kiếp. Mỗi đại kiếp xấp xỉ bằng 1.344.000.000 năm; Thường Trụ: là tồn tại vĩnh hằng; Diệu: đẹp đẽ, linh thiêng, nhiệm mầu; Pháp Thân: cái thân chân thực không biến đổi, không lệ thuộc vào hình – danh – sắc – tướng, không sinh không diệt, tức cái đạo thể, Phật thân). Một tên khác là Tam Thế Tam Thiên Phật, có nghĩa là ba nghìn vị Phật nối nhau giáo hóa chúng sinh trong ba đại kiếp. Như vậy, Tam Thế Phật không phải là A Di Đà Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật và Di Lặc Phật như nhiều người đã lầm tưởng.

  • Di Đà Tam Tôn: gồm A Di Đà Phật ngồi ở giữa, bên trái là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên phải là Đại Thế Chí Bồ Tát. Bộ tượng này còn được gọi là Di Đà Tiếp Dẫn (đón chúng sinh có Phật quả về Tây phương Cực Lạc – nơi không sinh không diệt, không rơi vào sinh, lão, bệnh, tử). A Di Đà Phật đứng chủ về cõi Niết Bàn ở phương Tây. Ngài có 13 đại hồng danh, trong đó nổi bật là:

    • Vô Lượng Quang Phật (ánh sáng Phật pháp từ Ngài tỏa ra muôn nơi, không gì che cản nổi, nhằm cứu độ chúng sinh);

    • Vô Lượng Thọ Phật (vị Phật sống lâu ngang cùng trời đất để giáo hóa mọi kiếp đời).

    Quan Thế Âm Bồ Tát, trong trường hợp làm thị giả cho A Di Đà Phật, thì đại diện cho đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả. Còn Đại Thế Chí Bồ Tát tượng trưng cho đại hùng, đại lực, đại trí, đại tuệ. Tích truyện về Thế Chí có kể rằng: Ngài bước đi làm rung chuyển thế giới Ma Vương – có nghĩa là trí tuệ đi tới đâu thì sự ngu tối và tàn ác bị tiêu diệt tới đó.

    Trong đồ thờ của người Việt từ thế kỷ XVII trở về sau, nhiều khi tượng Di Đà đứng lên. Trường hợp này gọi là Di Đà phóng/quang, biểu hiện về sự cứu độ một cách khẩn thiết, cấp bách. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi con người bị chìm đắm trong khổ đau, bế tắc, xã hội đầy tiêu cực.

  • Bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh: bao gồm tượng Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi ở giữa, trợ thủ là hai Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền. Thông thường tượng Thích Ca được gọi là tượng Hoa Nghiêm, Ngài ngồi trên đài sen trong thế kiết già, tay trái trong ấn tam muội, tay phải giơ bông sen.

    Ý nghĩa của hình tượng này như lời nhắn nhủ với người Phật tử: Đến chùa là để tìm chính mình – tức tìm cái bản thể chân như, cái Phật tâm ẩn tàng tận đáy tâm hồn, đã bị cuộc đời dục vọng và xấu xa che phủ. Bông sen đó biểu hiện sự tròn đầy của đạo pháp, sự trong sáng cùng cực – biểu hiện của nhân quả, của lý và trí, âm và dương, phàm và thánh… cùng một thể, một cội nguồn.

    Như vậy, bông sen cũng tượng trưng cho vẻ đẹp thánh thiện vốn có sẵn trong tâm từng chúng sinh. Chỉ khi nào vén được đám mây mù ngu tối thì chân lý mới hé mở.

    Trợ thủ cho Phật là Văn Thù Bồ Tát – nhiều khi cưỡi sư tử xanh, ngồi bên trái, tượng trưng cho chân trí tuyệt đối của đạo Phật. Ngài tu tại Ngũ Đài Sơn (Trung Hoa), là hiện thân của trí tuệ. Con sư tử Ngài cưỡi biểu hiện sức mạnh tầng trên, cho sự trong sáng.

    Vị Phổ Hiền Bồ Tát thường cưỡi voi trắng, ngồi bên phải. Ngài là hiện thân cho chân lý tuyệt đối của đạo Phật. Con voi Ngài cưỡi cũng biểu hiện về sức mạnh trần gian và sự thanh bạch, trong sáng.

    Ở hàng này, nhiều khi người ta thay bằng bộ tượng Tuyết Sơn. Ở giữa là tượng Đức Thích Ca Mâu Ni dưới dạng tu khổ hạnh. Bộ mặt và cơ thể tượng biểu hiện rõ nỗi dày vò, gân cốt nổi rõ, chân khoanh, tay hững hờ tì trên gối. Mắt tượng nhìn vào khoảng không như nhìn vào nội tâm để tìm chân lý.

    Theo tích truyện, bằng kiếp tu khổ hạnh, Thích Ca không thành công. Ngài rời núi, được cô gái chăn bò dâng sữa. Uống xong, Ngài tắm rửa sạch sẽ, thấy tỉnh táo, ngồi thiền định và đạt được đạo chính đẳng chính giác (giác ngộ thành Phật).

    Như vậy, tượng này là một bài học giáo dục người tu không nên lệ thuộc vào phương pháp tu khổ hạnh, mà cần tập trung vào thiền định, nâng cao trí tuệ để đi đến giác ngộ và giải thoát. Đây là biểu hiện sâu sắc của ý nghĩa vô chấp trong đạo Phật.

    Thị giả bên tượng Tuyết Sơn là hai đệ tử thân thiết:

    • Ca Diếp: Tổ thứ nhất, người hiểu sâu xa yếu nghĩa của đạo lý, có công tập hợp tăng chúng san định Tam Tạng kinh. Trong tạo hình, mặt Ngài thường nhiều nếp nhăn, dáng già, tay kết ấn “mật phùng” để giữ tâm thanh, lòng không tà loạn.

    • A Nan Đà: Vị tổ thứ hai, là em họ của Đức Phật Thích Ca, rất thông minh, nhớ được các lời Phật dạy và ghi chép lại để làm nền tảng cho kinh tạng. Ngài có mặt trẻ, tay thường kết ấn “liên hoa” (chắp tay trước ngực), biểu hiện ý nghĩa như bông sen của Phật Hoa Nghiêm.

Bộ tượng Di Lặc Tam Tôn: Thông thường chỉ có một pho Phật Di Lặc, khi đầy đủ thì có thêm hai Bồ Tát Pháp Hoa Lâm và Đại Diệu Tường. Ý nghĩa của bộ tượng chủ yếu tập trung vào Di Lặc. Đây là pho tượng cực kỳ béo tốt, mặt tròn, ngực sệ, bụng phệ, chân tay ngắn, ngồi trong tư thế một chân co, một chân chống. Thân thể trù phú này được nhiều nhà nghiên cứu cho là xuất phát từ ước vọng cầu phồn thực, thuộc tư duy nông nghiệp. Ở lĩnh vực Phật đạo, khuôn mặt tượng luôn cười hớn hở, bắt nguồn từ đại tâm, từ hỉ và xả của Ngài. Di Lặc Phật còn được gọi là đấng Từ Tôn, được coi như một chúa cứu thế, nên người ta thường cho rằng: “Di Lặc xuất thế thiên hạ thái bình” (Di Lặc xuống đời, muôn nơi yên ấm). Như thế, thường khi xã hội nhiều tiêu cực và đầy khổ đau thì người Phật tử hay cầu viện tới Ngài. Ngược lại, việc thờ Di Lặc không đúng với hoàn cảnh xã hội như nêu trên thì rõ ràng, ít nhiều cả về hữu thức và vô thức, đã có ý nghĩa chống đối lại chế độ đương thời. Di Lặc là chủ của “Long Hoa Hải Hội”, chính phái Long Hoa đã thờ Ngài làm giáo chủ. Phái này thường bị những kẻ hoạt đầu tôn giáo lợi dụng. Bộ tượng này thường ngồi ở hàng thứ tư trên chính điện.

Tượng Cửu Long Thích Ca sơ sinh: Thường đứng ở hàng thứ năm trên chính điện, đôi khi hàng này lại để tượng Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu. Ở trường hợp này, Thích Ca sơ sinh lại chuyển xuống hàng thứ sáu. Hiện nay, theo sự hiểu biết của chúng ta, thì tượng Thích Ca sơ sinh mới chỉ thấy có niên đại từ thế kỷ XVI (chùa Chợ Bần – Hưng Yên), chưa tìm được vành Cửu Long ở thời này. Tượng là một chú bé ngộ nghĩnh, rất thơ ngây, nhiều khi nét chạm tạo được một vẻ đẹp đột ngột với cổ rụt, lưng gù, đầu đưa ra phía trước. Trước thế kỷ XX, hầu như mọi tượng đều cởi trần, mặc váy cũn cỡn, đứng trên đài sen, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất, đó là một hình thức hợp với lẽ âm dương. Tượng Thích Ca sơ sinh không đơn giản chỉ để nói về sự xuất thế của một thánh nhân, mà hầu như ở đó còn là một lời tuyên ngôn gắn với Phật đạo. Phật tích ghi rằng khi Thích Ca vừa lọt lòng mẹ, Ngài bước đi bảy bước trên bảy bông sen (con số 7 là số nhiều của văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á, ý này nhằm nói lên Đức Phật bước vào toàn cõi vũ trụ và đem hạnh phúc đến cho muôn vạn chúng sinh đau khổ), rồi Ngài chỉ tay trái lên trời, tay phải xuống đất mà nói câu: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời dưới trời chỉ có ta là cao quý hơn cả). Chữ “ta” ở đây mang nghĩa đại ngã trường tồn, một tâm hồn lớn bao trùm cả vũ trụ, mang tính bản thể chân như, tức pháp thân chân thực, đó là Phật thân vĩnh cửu, không lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng; nó ẩn tàng trong cái tâm thánh thiện của muôn vạn chúng sinh, cũng là cái đạo thể nhiệm màu diệu như. Nó đối lập hẳn với cái tôi đầy tính cá nhân trong thế giới vô thường. Khi Đức Thích Ca xuất thế, thì hai vị vua trời là Phạm Thiên (Brahma) và Đế Thích (Indra) đã hết sức vui mừng, nên cho các thiên tướng, các nhạc sĩ thiên thần và các vũ nữ thiên thần tung hoa và hát múa đầy trời để xưng tán. Vì thế, bao quanh Đức Thích Ca là một bầu trời đầy những nhân vật của thiên quốc. Vào thế kỷ XVII, chúng ta đã gặp bầu trời này hiện ra dưới dạng cửu long (con số 9 là số nhiều của Hoa Nam và Việt Nam, cửu long có nghĩa là toàn bộ mây trời linh thiêng hội tụ để lấy nước thiêng tẩy trừ những uế trọc cho Đức Phật). Có lẽ những ý nghĩa khởi nguyên gắn với tích Phật bị suy lạc, nên trên vành cửu long ngày nay, chúng ta thường thấy điểm xuyết một hệ thống tượng Phật giáo với cách bài trí như trên chính điện. Thông thường, trong các chùa chỉ bày một tượng này, song cũng nhiều chùa đặt hai bên cửu long Thích Ca sơ sinh là hai tượng dạng vua, khá lớn (Phạm Thiên, Đế Thích) để trở thành một bộ tượng đầy đủ.

Trong gian thượng điện, ở hai góc sau thường có đặt hai loại tượng Quan Âm. Ban thờ bên trái là của Quan Âm Nam Hải dưới dạng “thiên thủ thiên nhãn”, ban thờ bên phải thường là tượng Quan Âm Tống Tử, hoặc cũng gọi là Tọa Sơn. Vị Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn đôi khi được ngồi ở trung tâm điện chính. Trong tư cách này, một số nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật thường ngờ rằng đó là một biểu hiện của sự gắn với thương mại. Đôi khi, yếu tố thương mại mạnh đến nỗi đã tạo ra những chùa Quan Âm ở ven sông. Người Trung Quốc đang tìm cách minh chứng hình tượng của Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn được sáng tạo từ đời Đường (?). Hiện nay, những cứ liệu khá chắc chắn đã cho chúng ta biết hình tượng này ít nhất có từ thời Nguyên (thế kỷ XIII). Ở đất Việt, Quan Âm Nam Hải với hình thức Thiên Thủ Thiên Nhãn chắc chắn đã khá phổ biến từ khoảng giữa thế kỷ XVI, khi nền thương mại đang trên đà phát triển mạnh.

Quan Âm Tọa Sơn: Đó là hình tượng của một bà mẹ Việt Nam bế đứa bé ngồi trên núi, bên phải gần ngang vai có con vẹt và bên trái thấp hơn thường đặt lọ nước cam lồ. Quan Âm Tọa Sơn cũng gọi là Quan Âm Tống Tử, nhằm nói lên đức từ bi của Ngài đối với chúng sinh. Ở đây, đứa bé con là hiện thân của chúng sinh đau khổ được Quan Âm cứu vớt. Thị giả cho Quan Âm thường có Kim Đồng và Ngọc Nữ là hai chúng sinh cụ thể và điển hình, xin theo Ngài làm đệ tử. Hiện nay, chúng ta mới chỉ gặp tượng Quan Âm Tọa Sơn có niên đại chắc chắn vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Với hình tượng như kể trên, người Việt dân gian hóa dần, làm nảy sinh câu chuyện về Thị Kính. Một ý kiến khác ngờ rằng Ngài là bà mẹ Đất được Phật giáo hóa, bắt nguồn từ câu chuyện về anh hùng văn hóa Maui của người Maori thuộc một đảo nhỏ của châu Đại Dương: buổi khởi nguyên, mặt trời chạy rất nhanh khiến con người không làm gì để sinh sống được. Lúc đó, có ông Maui thương dân, ông nhặt chiếc xương bả vai của bò làm vũ khí và rình ở phía đông. Khi mặt trời vừa ló lên, ông chém một nhát làm mặt trời bị què. Từ đó, ngày đêm dài ra, con người mới được hạnh phúc như ngày nay. Nhưng con người cứ lần lượt nối nhau đi vào cõi chết, ông muốn cứu, nên đã chui xuống để tìm bà mẹ Đất. Bà là một nữ thần khỏa thân luôn nằm ngủ. Ông lần đến cửa mình của bà định chui vào tận tử cung để lấy ra chất vô nhiễm cứu cho con người khỏi chết. Nhưng khi ông mới chui được nửa người, thì bị hẫng, chân đạp “lung tung” khiến con vẹt đứng canh bên tai mẹ Đất thấy lạ, cười lên rất to, làm bà tỉnh và ngồi dậy. Ông Maui bị gập người mà chết, loài người không thể bất tử. Với sự tích này, hình tượng của Quan Âm Tọa Sơn hiện nay dễ để cho chúng ta nghĩ tới có một nguồn gốc từ bà mẹ Đất. Như vậy, từ vị trí của hai hình tượng Quan Âm kể trên, phần nào đã phản ánh một thực tế song song tồn tại của hai nền kinh tế cổ truyền là nông nghiệp và thương mại, một nhận thức thường trực của người dân Việt ở thế kỷ XVI và XVII về sau.

Bộ Thập Điện Diêm Vương: Thường được đặt ở hai bên sườn của thượng điện, bộ tượng này có mặt ở hầu hết mọi ngôi chùa Việt hiện nay. Với nhiều chùa lớn, đôi khi người ta thay thế bằng các động phủ có nhiều nhân vật của thế giới âm ty (bao gồm Diêm Vương, Phán Quan, Quỷ đầu trâu mặt ngựa, những tội nhân bé nhỏ, hệ thống tra khảo… cùng nhiều nhân vật và sinh vật khác). Trở lại bộ Thập Điện phổ biến, thường chỉ xuất hiện vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX (một vài chùa như chùa Bút Tháp, bộ tượng Diêm Vương không đầy đủ, hiện có niên đại sớm nhất, nhiều người xếp vào thế kỷ XVIII). Những tượng này đều có phục trang theo lối nhà vua, với mũ bình thiên, áo long bào, bao gồm: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ/Ngọ Quan Vương, Diêm La Vương, Thái Sơn Vương, Biến Thành Vương, Bình Đẳng Vương, Đô Thị Vương và Chuyển Luân Vương. Chức năng của các vị này là xét công tội khi sinh thời của các kiếp đời đã qua để thưởng phạt theo luật luân hồi. Nhưng tích cực hơn là nhằm giáo dục con người tránh ác, hành thiện. Thực ra, tượng này chỉ được đặt vào trong chùa khi xã hội đầy nhiễu nhương và tiêu cực, một chứng tích tố cáo sự xuống cấp của xã hội dưới thời Nguyễn và thời thuộc Pháp.

Đặt bên trái ở phía ngoài của 5 pho tượng Diêm Vương thường có một tượng cùng kích thước, đó là Địa Tạng Bồ Tát với hình thức phổ biến: đội mũ tỳ lư, mặc áo cà sa. Ngài nguyện chưa trở về khi chưa cứu độ hết chúng sinh ở miền âm phủ.

Ở ngoài bên phải, thuộc hàng Diêm Vương, là hình tượng của một ông già râu trắng, mày trắng, phục trang quan lại. Đó là vị Thổ Địa – người cai quản đất đai của chính khu vực chùa.

Tượng Kim Cương mang hình thức võ tướng, đầu đội mũ kim khôi. Đỉnh mũ của các vị Khuyến Thiện thường có chiếc lá sen úp đội bình nước cam lồ, còn vị Trừng Ác đội chiếc giản có một hoặc ba mũi. Thông thường, các tượng Kim Cương đều to lớn quá cỡ để biểu hiện sức mạnh mang tính siêu nhiên. Các ngài thường đi “vân xảo”. Chiếc áo của tượng đầy những hoa văn biểu hiện cho sức mạnh và hạnh phúc nông nghiệp, cũng gọi là áo giáp nhẫn nhục, nhằm chống lại dục vọng (tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ), nhờ đó mà giữ được tâm trong sáng và cương quyết như kim cương, nên gọi là tượng Kim Cương. Với chức năng bảo hộ Phật pháp, tượng này cũng được gọi là tượng Hộ Pháp.

Trong tạo hình, các vị Khuyến Thiện thường có mặt hiền từ và sơn màu hồng phấn; còn các vị Trừng Ác có mặt đỏ, dữ tợn, tay cầm pháp khí (pháp giới đao, pháp giới trùy…). Ở chùa Việt, thường có hai hệ tượng Kim Cương:

  • Hệ thứ nhất là Bát Bộ Kim Cương (đầy đủ nhất từ cuối thế kỷ XVIII), gồm: Thanh Trì Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Đinh Trì Tai, Tử Hiển, Đại Lực Thần.
  • Hệ thống thứ hai phổ biến ở các ngôi chùa thông thường, chỉ gồm hai vị: Khuyến Thiện và Trừng Ác. Các tượng này thường khá to lớn, nhiều khi làm bằng đất đắp. Các vị thường ngồi trên con lân, như mang tư cách dựa vào trí tuệ để hành đạo.

Tượng Đức Ông: Hệ tượng này mới chỉ gặp từ niên đại cuối thế kỷ XIX trở về sau. Tượng thường ngồi buông chân trên bệ, dưới dạng một ông quan văn đội mũ cánh chuồn, mặt đỏ, nặng tính tượng trưng. Đôi khi ở bàn thờ này có hai tượng phụ tá được làm nhỏ hơn, ngồi hai bên – đó là Già Lam và Chân Tể. Đức Ông là ngài Cấp Cô Độc, một vị trưởng giả giàu có nhưng đầy từ tâm, thường đem của cải giúp đỡ những người cô quả, cô đơn mà thành tên. Ngài nghe Phật giảng đạo mà giác ngộ, đã tự bỏ tiền mua vườn của Thái tử Kỳ Đà để dâng cho Phật. Được Thích Ca tán thán và cho cai quản tất cả mọi cảnh chùa của thế gian. Vì thế, bàn thờ của ngài thường được đặt ở bên trái, nơi các khách hành hương cần phải tiếp cận trước khi vào lễ Phật, theo chiều quay chữ vạn nhằm tinh tấn thiện căn. Lễ bàn thờ ngài như một hình thức “xin phép” (kính báo) trước khi tiếp cận với chư Phật và Bồ Tát.

Tượng Thánh Tăng: Được đặt đối xứng với bàn thờ Đức Ông, ở phía bên phải tòa tiền đường, với hình tượng một nhà sư đội mũ tỳ lư thất Phật, thường ngồi buông chân, tay trái cầm chén nước cam lồ, tay phải trong tư thế thuyết pháp cứu độ. Thánh Tăng được người tu hành Việt Nam coi là A Nan Đà – đại diện cho tất cả sư sãi của mọi thời đại (Tăng là một trong Tam Bảo của nhà Phật: gồm Phật – người sáng tạo ra đạo Pháp; Pháp – giáo lý nhà Phật; Tăng – người truyền bá giáo lý đó để cứu đời). Hỗ trợ cho Thánh Tăng còn có Diệm Nhiên và Đại Sĩ, để giáo hóa chúng sinh ở cõi bên dưới và cõi nhân gian.

Tượng Tổ Truyền Đăng (thường gọi là Thập Bát La Hán), gồm:

  • Tổ thứ nhất – Ca Diếp
  • Thứ hai – A Nan Đà
  • Thứ ba – Thương Na Hòa Tu
  • Thứ năm – Đề Đa Ca
  • Thứ bảy – Bà Tu Mật
  • Thứ tám – Phật Đà Nan Đề
  • Thứ chín – Phục Đà Mật Đa

Trên đây là các vị La Hán đã được khẳng định. Các vị tiếp theo:

  • Thứ mười – Hiếp Tôn Giả
  • Mười hai – Mã Minh
  • Mười ba – Ca Tỳ Ma La
  • Mười bốn – Long Thụ Tôn Giả
  • Mười sáu – La Hầu La Đa
  • Mười bảy – Tăng Già Nan Để
  • Mười tám – Già Da Đa Sá
  • Mười chín – Cưu Ma La Đa
  • Hai mươi – Xà Dạ Đa
  • Hai bảy – Bát Nhã Đa La
  • Hai tám – Bồ Đề Đạt Ma

Sở dĩ người ta không lấy liên tục 18 vị đầu tiên vì chưa đủ tư cách đại diện cho tất cả mọi thành phần trong xã hội, đồng thời cũng không nói lên được những bước phát triển chủ yếu của đạo Phật ở Ấn Độ và sự truyền bá sang phương Đông.

Bộ tượng Tổ Truyền Đăng đầy đủ và sớm nhất ở nước ta hiện nay được biết là ở chùa Tây Phương. Đây là bộ tượng được coi là chuẩn mực nhất trong hệ tượng Phật giáo Việt Nam, là sự kết hợp tinh thần đạo và đời được hằn lên trên từng khuôn mặt và làm cho mọi khách hành hương hầu như đều xúc động. Nhiều nhà nghiên cứu thường cho đây là một sản phẩm của tư duy Việt. Tuy nhiên, các hình tượng này không xa cách lắm với các bản vẽ trong sách Thiển Uyển Kế Đăng Lục (thư viện chùa Quán Sứ – Hà Nội). Có thể sách này đã được in lại trong thời gian gần đây, nhưng một số hình ảnh của các vị Tổ đó đã được khắc trên tháp quay của chùa Bút Tháp – Bắc Ninh, có niên đại giữa thế kỷ XVII, với hình dáng và phong thái không xa cách tượng chùa Tây Phương, đã giúp chúng ta một hướng để tìm về cội nguồn của những tượng kể trên.

Trên đây là những tượng cơ bản của chùa. Khoảng thế kỷ XVI (với chùa Trà Phương – Hải Phòng), rồi thế kỷ XVII (chùa Phổ Minh – Nam Định, chùa Thầy – Hà Tây và nhiều chùa khác nữa), khi nền kinh tế tư nhân bắt đầu phát triển, thì trong các chùa đã xuất hiện một loại tượng hậu chùa (tương tự như ở đền – Bà Sao, Bà Nến – Hưng Yên). Từ đây, số lượng tượng này ngày một phổ biến hơn, có khi được thờ ở nhà hậu hoặc ở hai bên tường hồi của tiền đường. Cũng trong khoảng thời gian này, dần dần tượng Tổ chùa hình thành và phát triển. Nhiều khi số lượng các vị tăng nối nhau qua đời ở chùa đó quá đông khiến nhà hậu – nơi thờ các vị đó – được gọi là nhà Tổ.

Tượng Tổ chùa thường mang nét chân dung nên mỗi pho có một bộ mặt riêng khá sinh động. Tất nhiên, các tượng này thường được thay đổi chút ít về chi tiết, như tai lớn hơn bình thường, mặt từ bi và như đang chìm trong thiền định… để hợp với tinh thần của Phật đạo.

Ở trong chùa Việt, nhất là chùa làng xã, thì một hệ thống bàn thờ không thể thiếu là điện thờ Mẫu. Thực ra, hiện nay chúng ta chỉ tìm được dấu vết chung của Mẫu và Phật cùng một khuôn viên từ thế kỷ XVII; tới thế kỷ XIX thì điều đó có lẽ đã trở nên phổ biến.

  1. Một số nhận xét

Đứng về mặt tạo hình, điều chung nhất rút ra được từ tượng Phật giáo là:

  • Trên cùng một pho tượng, thường các vị Phật và một số Bồ Tát có mặt sơn màu tử kim (vàng ròng) để biểu hiện về sự đã đạt đạo quả cao, đã nhập về miền thường trụ. Một số vị khác có bộ mặt hồng phấn, là mang ý nghĩa còn lăn lộn với cuộc đời để cứu vớt chúng sinh.
  • Hầu như toàn bộ các tượng Phật và Bồ Tát đều để chân trần, nhằm biểu hiện tính chất đại từ bi của các vị (để mỗi bước đi tránh giẫm chết những sinh vật bé nhỏ).
  • Tất cả các tượng Phật của Việt Nam (trừ tượng Di Lặc và Dược Sư Lưu Ly Quang Phật) đều được thể hiện dưới dạng tóc kết các cuộn hình ốc, trên đầu có bướu nhục khấu (unisa). Đây là những biểu tượng gắn với trí tuệ, giác ngộ và siêu thoát… Tất cả các tượng Phật đều được ngồi ở hàng chính giữa, riêng bộ Tổ Tĩnh Thế dàn hàng ngang.

Trong khi đó, các tượng Bồ Tát thường vấn tóc lên đỉnh, bao bằng thiên quan (một hình thức kết hợp giữa mũ và khăn – thường là tượng của thế kỷ XVI, XVII), cũng có khi chỉ vấn khăn hoặc đội mũ tỳ lư tròn hay tỳ lư thất Phật. Đáng quan tâm ở các vị này thường là đôi tay trong các dạng kết ấn như ấn Liên Hoa, ấn Mật Phùng, ấn Vô Úy, ấn Gia Trì Bổn Tôn, ấn Tam Muội, ấn Cam Lồ, ấn Chuẩn Đề, ấn Thuyết Pháp, ấn Cứu Độ… Nhìn chung, các tượng Bồ Tát đều mang đặc tính nổi bật về trí tuệ và từ bi, và phần nào nói lên những yếu nghĩa của Phật đạo.

  1. Đồ thờ nhân cách ở những ngôi chùa đặc biệt

Chùa là một biểu hiện của giáo đường Phật giáo, có lẽ người Việt ít quan tâm đến việc tạo cho mình một chuẩn mực duy nhất về đồ thờ, nên tùy theo từng hoàn cảnh khác nhau mà người ta đã đặt đồ thờ nhân cách nhiều ít khác nhau. Nhưng cũng có nhiều ngôi chùa đã bị lệ thuộc vào đặc tính riêng mà bố trí tượng pháp thích ứng.

Người ta có thể nhận thấy nhiều ngôi chùa nổi tiếng của cả một vùng như chùa Thầy, chùa Keo (cả Nam Định, Thái Bình), chùa Ông – Hưng Yên, chùa Bối Khê – Hà Tây… vốn xưa ít khi có sư trụ trì, mà thường chỉ có ông Thông hoặc bà Tự như những thầy cúng, nhiều khi mang tư cách gần gũi của phù thủy, thay dân cai quản ngôi chùa. Tất nhiên những ngôi chùa này tượng Phật giáo không nhiều, vốn ở chùa Thầy chỉ có bộ Tam Thế Phật, rồi bộ Di Đà Tam Tôn có niên đại của thế kỷ XVI, XVII. Còn hầu như tất cả các tượng khác thường có niên đại muộn.

Điểm nổi bật ở đồ thờ nhân cách tại các ngôi chùa này là tượng Đức Thánh, và thờ Thánh là chính. Người dân tới các ngôi chùa này chủ yếu để cầu Thánh ban phúc, mà nhẹ phần cầu Phật cứu độ. Thông thường, các tượng Thánh dù cho mang gốc là nhà sư (Từ Đạo Hạnh, Minh Không, Nguyễn Bình An…) nhưng được người dân đương thời thường cho các ngài phục trang theo lối ngoài đời và hầu hết làm sẫm màu (nhiều khi còn liên quan đến việc cầu đảo).

Cũng có nhiều ngôi chùa, theo nghiên cứu niên đại, chúng ta như ngờ rằng khởi nguyên thì trung tâm của Phật điện chỉ nổi lên một tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, phần nhiều là Quan Âm Nam Hải. Những chùa này thường nằm ở ven sông (sông Hồng, sông Đáy…), đây là một dạng chùa đặc biệt mà một số nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật ngờ rằng nó chỉ ra đời từ dưới thời Mạc ở thế kỷ XVI, tồn tại cho tới giữa thế kỷ XVII, rồi sau đó mới được đưa các tượng khác vào, làm cho Phật điện trở nên đông đảo. Đặc điểm là (ở nhiều ngôi chùa kiểu này) Quan Âm thường được làm to lớn và ngồi ở chính điện.

  1. Đồ thờ nhân cách ở những quán hóa thân thành chùa

Quán là những kiến trúc gắn với Đạo Lão và Đạo giáo. Ở nước ta có thể có nhiều dạng quán với những cách thờ khác nhau. Song cơ bản được tập trung vào hai dạng:

  • Dạng thứ nhất gắn với những quán nặng yếu tố thần tiên, với ước vọng cầu trường sinh bất tử, có thể điểm ra như Bích Câu Đạo Quán với Tú Uyên – Giáng Kiều, rồi động Từ Thức… Ở những quán này không còn dấu vết cổ xưa, kể cả tượng thờ, mặc dù những sự kiện liên quan đều có trước thời Mạc.
  • Dạng quán thứ hai thường tập trung vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, như Hưng Thánh Quán (Thường Tín – Hà Tây, nay gọi là chùa Mui), Hội Linh Quán (Thanh Oai – Hà Tây, nay gọi là chùa Xổ), Linh Tiên Quán (Hoài Đức – Hà Tây, chùa Linh Tiên), Lâm Dương Quán (thị xã Hà Đông, nay gọi là Lâm Dương Quán Tự, cũng gọi là chùa Lâm Dương), có thể còn kể ra một số quán khác nữa.

Đặc điểm của các quán này nổi lên ở hai chi tiết: một là, ngoài tượng của Lão giáo còn có cả tượng Phật giáo, song các tượng đều có niên đại muộn hơn tượng Lão giáo, điều đó có thể khẳng định yếu tố quán có trước, rồi sau đó chuyển hóa, hay đúng hơn là dân dã hóa để mang thêm tính chất chùa. Hai là, những quán này vượt qua yếu tố thần tiên của truyền thống cũ mà phổ biến với các thần linh của Lão giáo Trung Hoa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phần nào chúng là sản phẩm thể hiện sự bế tắc về tư tưởng của Nho sĩ đương thời. Chính thông qua Nho sĩ mà các thần linh Lão giáo Trung Hoa được hội nhập vào đất Việt một cách khá trọn vẹn. Và, vì không có nền tảng trong quần chúng, nên giai đoạn này qua đi, thì các quán hóa thân thành chùa mà vẫn tồn tại tới ngày nay.

Thông qua những tượng thờ Lão giáo còn lại ở các di tích kể trên, chúng ta có thể tạm nhận thấy hệ thống đồ thờ nhân cách của Lão giáo như sau: trên chính điện cao và sâu nhất là bộ tượng của Tam Thanh được làm to như người thường (nhiều khi nhỏ hơn), tượng phục trang theo lối đạo sĩ, tóc búi lên đỉnh, có khăn buộc và cài trâm, mặt tượng có nét chân dung, áo thụng ít trang trí, ngồi buông chân trên bệ, mặt bên của bệ được chạm đầy hoa văn (rồng, lân, biểu tượng gắn với tự nhiên, mang phong cách cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII). Bộ tượng này gồm Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Đạo Quân và Thái Thượng Lão Quân.

Hàng thứ hai là tượng Thánh Phụ ở bên tả và Thánh Mẫu ở bên hữu, kích thước nhỏ hơn chút ít, với khuôn mặt già cả ít nhiều có nét chân dung và đặc biệt hằn lên những khối gồ ghề đầy chất điêu khắc. Tượng Thánh Phụ cũng cài trâm, còn tượng Thánh Mẫu trùm khăn.

Hàng thứ ba là tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế đội mũ bình thiên và mặc áo long cổn chạm khắc rất kỹ với những đề tài rồng và biểu tượng. Tượng này cũng khá lớn, gần bằng tượng Tam Thanh. Ở đây, đấng Hoàng Quân Giáo Chủ mang nghĩa như một đấng sáng tạo ra thế giới muôn loài. Chúng ta chưa tìm được tượng Nam Tào và Bắc Đẩu ở các thời kỳ này, mà làm thị giả cho Ngọc Hoàng thường là hai tỳ nữ đứng kính cẩn hai bên với kích thước nhỏ vừa phải (điển hình như ở Lâm Dương Quán).

Ở hai bên tường của thượng điện đôi khi còn bộ tượng Tứ Trấn, rồi tiếp theo là hệ Cửu Diệu Tinh Quân (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Mặt Trời, Mặt Trăng, Hổ Phù, Kế Đô). Các Tinh Quân đều được nhân cách hóa dưới dạng quan văn, quan võ và các lực sĩ. Nhìn chung, hình tượng các Tinh Quân chịu ảnh hưởng khá đậm nét nghệ thuật tạo hình Trung Hoa. Tại chùa Mui còn đắp tượng Đông Phương Sóc mà hình thức to lớn và gần giống với Khuyến Thiện, Trừng Ác trong chùa (tượng này cũng thể hiện đang trấn trị rắn và rùa – bóng dáng Trấn Vũ, mang tính chất chống lụt).

Ở một số trung tâm tín ngưỡng liên quan đến đạo Lão, nhiều khi ngôi quán chủ yếu chỉ thờ Đức Huyền Thiên Trấn Vũ (Quán Thánh, Quán Huyền Thiên nội thành Hà Nội; đền/quán Cự Linh – Gia Lâm – Hà Nội; động Thiên Tôn – Hoa Lư – Ninh Bình và một số nơi khác…). Thông thường các tượng này đứng hoặc ngồi ở vị trí trung tâm, có vị đội mũ, có vị để đầu trần, khuôn mặt có phần dữ tợn, mặc quần áo võ tướng và tay thường để trước bụng tì trên đốc kiếm, mũi kiếm tì thẳng xuống lưng con rùa, một con rắn cuốn quanh kiếm đang leo lên.

Tất nhiên, thần điện của người Việt không chỉ dừng lại với các vị thần như đã kể trên, mà tùy theo từng ngôi đền của từng địa phương, với đặc tính riêng của các vị thần, sẽ được bố trí số lượng tượng tương ứng. Suy cho cùng, ở những ngôi đền đó thường có một vị (hay vài ba) thần chủ. Kèm theo có khi cũng còn một vài tượng phụ. Các tượng này đa số mang niên đại không sớm, song nhiều pho có nét chân dung, có giá trị nghệ thuật, đặc biệt là đã phản ánh được cách phục trang của đương thời, dù cho hình thức này đã được cường điệu lên theo ước vọng thông thường.

Trong những ngôi đình làng của người Việt, chủ yếu là thờ ngai và bài vị nên ít khi có tượng. Những đình có tượng phần nhiều gắn với nhân thần và mặt nào đó, đình chuyển hóa mang thêm yếu tố đền thông thường.

  1. Sơ lược về tượng mộ
    Tượng thờ nhân cách còn được thể hiện ở lăng, mộ. Suốt một thời dài dưới chế độ quân chủ, nằm hai bên linh đạo của lăng vua chúa và các mộ quận công, thường nhiều ngôi được bố trí tượng người và tượng các con giống. Tượng người sớm nhất ở lăng mộ được tìm thấy tại An Sinh – Đông Triều (Quảng Ninh), nơi chôn các vua nhà Trần. Đó là vị quan văn, áo thụng chưa nhiều nếp, đội mũ trụ thấp không có cánh chuồn, tượng to gần bằng người thật. Ở một giới hạn nào đó, cả về bố cục lăng mộ và hình thức tượng đều ít nhiều có nét ảnh hưởng Trung Hoa.

Vào thế kỷ XV, với những lăng mộ thời Lê sơ, bố cục cũng theo một trục linh đạo rõ rệt, song hình tượng người và linh thú trở nên nhỏ bé, mang đúng tư cách của kẻ hầu người hạ. Nhiều người đội mũ bì biện (ốp sát đầu và nhọn đỉnh). Bằng vào những cuộc khảo sát điều tra tại nhà mồ Tây Nguyên, chúng ta tạm đặt ra một giả thiết: khi bước vào kiếp đời đã qua, thân thể con người trở nên bé nhỏ, vì thế mọi con người cũng như linh vật thờ tại lăng mộ cũng phải được làm nhỏ theo để cho linh hồn người chết không sợ hãi. Các hiện vật này chắc chắn không phải chỉ để trang trí mà chủ yếu được gán cho có một linh hồn để hầu hạ người chết.

Cũng có thể Lê Lợi từ tộc người còn giữ được nhiều ý thức truyền thống về văn hóa, nên tuy ở mặt chính trị xã hội đã hết sức đề cao Nho giáo nhưng trong cuộc sống tâm linh thì còn chịu sự chi phối bởi nhận thức cổ truyền. Nếu thực tế lịch sử đúng như giả thiết để làm việc này, thì sẽ giải quyết được những khúc mắc đã từng đặt ra giữa sự “mất cân xứng” của tấm bia liên quan và các tượng thờ kể trên. Mặt khác, nó cũng thỏa mãn một thực tế đã từng đặt ra về “sự không cân đối” giữa tượng của lăng mộ thời Lê sơ và các tượng mồ khá to lớn của các quận công từ thế kỷ XVII trở về sau.

Bắt đầu từ thời Lê trung hưng và nhất là dưới thời Lê mạt, tượng mộ của các quận công đều được làm lớn, ít nhất tương tự như người thật trở lên. Số lượng tượng nhân cách nhiều ít lệ thuộc vào chức vị người nằm dưới mồ.

Ở lăng mộ Huế, thông thường tượng nhân cách gồm ba cặp quan văn và hai cặp quan võ. Lăng Khải Định còn có cả tượng lính đội nón dấu với phục trang không đỏ không xanh; hình thức như thực, nên thiếu nét nghệ thuật.

Trong tất cả các lăng và mộ thuộc thời kỳ kể trên, chỉ riêng lăng Khải Định có tượng của chính ông ta, bằng đồng, được đặt tại chính tẩm trên trục thần đạo của lăng. Ngoài ra, hầu như mọi tượng nhân cách khác, với số lượng nhiều ít theo chức vị, đều chỉ mang tư cách là tướng đứng canh hoặc người hầu của kiếp đời đã qua.

  1. Tượng thờ ở Văn Miếu (Nho giáo)
    Gọi là Nho giáo nhưng thực chất đạo Nho chỉ là một hệ tư tưởng lấy việc “bình thiên hạ” làm trọng. Đạo này chưa thực sự chuyển hóa thành tôn giáo, cho nên tượng thờ trong đạo Nho cơ bản chỉ mang tính chất kỷ niệm hay thờ phụng, không có bài bản, không nhất quán từ trung ương đến địa phương. Các di tích gắn với Nho giáo nhiều khi là nơi hội tụ của các Nho sĩ, được quy định khá chặt chẽ. Trước thế kỷ XIX, hầu như chỉ có một di tích Văn Miếu ở Hà Nội. Tới đầu thế kỷ XIX, triều đình mới cho các tỉnh được quyền lập Văn Miếu. Các cấp hàng huyện hoặc thấp hơn, từ trước đó cũng chỉ được lập Văn chỉ, Từ chỉ…

Trong các di tích này, ít có tượng thờ, mà thông thường chỉ có ngai, bài vị, một số đồ trần thiết gần gũi như của đình. Đôi khi ở đây cũng bắt chước Văn Miếu – Hà Nội mà ghi danh các vị đỗ đạt của địa phương mình. Như thế có thể nói rằng hình tượng nhân cách trong các di tích Nho giáo rất hiếm. Tới nay, có thể nghĩ nơi tập trung nhất là Văn Miếu – Hà Nội. Nhưng cũng chưa có pho tượng nào của Nho giáo được xác nhận có trước thế kỷ XIX.

Hệ thống tượng thờ ở Văn Miếu đã một thời bị dẹp bỏ. Gần đây, Văn Miếu trở thành một trung tâm văn hóa của thủ đô, các tượng này được đưa ra tu sửa và bày biện tại chính tẩm. Đương nhiên, nhiều chi tiết của tượng có thể bị thất lạc, khiến cho tới nay chúng ta không hiểu tượng Khổng Tử có đội mũ bình thiên hay không. Những người bảo quản di tích đã có ý thức khoa học nên không bổ sung tùy tiện, mà chỉ trên nền tảng những hiện vật có sẵn để bày biện lại.

Ở trong chính tẩm, chúng ta đã gặp một khám thờ nhỏ gần như dưới dạng long đình, với nét chạm thủng điển hình của nghệ thuật thế kỷ XVI. Rồi những nhang án mang nghệ thuật thế kỷ XVII – đầu XVIII, bên cạnh đó là một vài hiện vật ít nhiều có tính mỹ nghệ của cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Song, trọng tâm của chính tẩm là tượng Khổng Tử và Tứ Phối, với kích thước đều rất lớn so với người thật.

Tượng được làm bằng gỗ mít, to nhất là tượng Khổng Tử được đặt chính giữa, ngồi nhìn về phía Nam, mang ý nghĩa “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”. Tượng hiện nay được coi như đội mũ “phốc đầu”, mặt phương phi, tai lớn quyền quý, mũi đầy, theo lối chính nhân quân tử, mặc áo thụng, ngồi trên bệ, chân buông cân đối ở phía trước.

Đáng quan tâm đặc biệt là tư thế tay của tượng, được chồng vào nhau với tay phải úp đặt trên tay trái ngửa, các ngón duỗi thẳng, ngón cái tay nọ ấp vào lưng tay kia… Chúng ta chỉ tìm thấy một hai pho tượng ở nơi khác có cách kết tay kiểu này và thường cũng gắn với Nho giáo. Một giả định được đặt ra là: phải chăng đây là một biểu hiện liên quan đến Dịch học, với tay phải nhẹ tượng trưng cho dương – ở trên, tay trái nặng tượng trưng cho âm – ở dưới. Âm dương đối đãi mà sinh Tứ tượng. Có thể nghĩ trong đó thiếu âm, thiếu dương là hai ngón cái… Suy cho cùng, cách kết tay như vậy cũng chẳng khác về ý nghĩa so với vòng tròn lưỡng nghi – biểu tượng của Dịch học.

Tượng Tứ Phối được đặt ở hai bên bàn thờ của Khổng Tử, đó là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử. Nhìn chung, cũng như tượng Khổng Tử, cách thể hiện không lấy chuẩn nghệ thuật làm trọng mà chủ yếu lấy tướng mạo để biểu hiện sự sang trọng và cao quý. Phần nào, các tượng này cũng được người đương thời thiêng hóa bằng cách làm lớn hơn người thường. Và, do Khổng Tử ở Văn Miếu Hà Nội được tôn là Chí Thánh tiên sư nên được làm lớn hơn.