Miếu Gàn nằm ở phía Nam thủ đô Hà Nội (cách trung tâm thủ đô khoảng 10 km) trên một vị trí cao ráo, đẹp đẽ giữa cánh đồng làng Bằng, thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Miếu gắn liền với truyền thuyết đã được chép trong Lĩnh Nam chích quái gọi là “Thần Chằm Lâm Đàm”. Sự tích ghi rằng vào đời Đại Khánh, khi Chu Văn An dạy học ở đây, có một học trò đến xin học nhưng cử chỉ, ngôn ngữ khắc hẳn người thường. Thầy An lấy làm ngờ, thử dò xem trò từ đâu tới. Một hôm, thầy dạy sám, trông ra xa thấy trò của mình từ dưới nước đi lên. Hồi đó, trời đang đại hạn, khắp nơi cầu đào nhưng không ứng nghiệm. Chu Văn An thương dân khổ sở nên nói với người học trò đó, nhờ làm mưa chống hạn, giúp dân khỏi đói kém. Người học trò thoái thác nhưng sau nể thầy nhận sẽ giúp làm mưa. Trò nói với thầy An rằng: “Con làm trái lệnh trời để tuân lệnh thầy và giúp dân, chắc con sẽ bị trừng phạt.” Quả nhiên, chỉ một lúc sau, mây đen kéo tới và một trận mưa lớn đổ xuống, cả cánh đồng no nước, nhưng tiếp theo là một tiếng sét lớn. Sáng hôm sau, nhân dân thấy xác một con thuồng luồng nổi lên trên Đầm Mực. Thầy An cho rằng đó là học trò của mình đã thác sau khi giúp thầy. Ông thương tiếc vô hạn và bảo dân làm lễ an táng chu đáo rồi lập đền thờ. Từ đó, Miếu Gàn được các triều vua sắc phong cho vị thần là thượng đẳng thần Bảo Ninh Vương.
Ngôi miếu này phản ánh tâm linh của cư dân nông nghiệp. Họ thờ phụng người anh hùng văn hóa vì dân mà thác, đồng thời khẳng định vị trí danh nhân Chu Văn An có mặt ở mảnh đất này.
Về kiến trúc, miếu tuy không lớn nhưng có nhiều mảng chạm khắc thể hiện sáng tạo nghệ thuật của ông cha ta thế kỷ 18 – 19. Ngoài ra, miếu còn giữ gìn được một bộ sưu tập cổ vật quý như nhang án thời Lê (thế kỷ 18), các khám thờ, long ngai, bài vị, hoàng phi, câu đối, và bát hương của đầu thế kỷ 19, 20 nhưng khá đẹp.
Miếu còn là một cảnh đẹp, với kiến trúc cổ ẩn mình dưới tán cây cổ thụ, phía trước là hồ nước rộng mênh mông, có thể đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân địa phương và khách thập phương.
Miếu Gàn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật ngày 11.9.1993.