Đình Chử Xá

Đình Chử Xá thuộc thôn Chủ Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Đình Chử Xá (có thời gian gọi là đền Chử Xá) thờ Chủ Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Hữu Phi Nhân, Càn Hải tứ vị đại vương và hai vị Đương Niên, Đương Cánh. (Tiên Dung công chúa là con vua Hùng và bà thứ phi là thợ cấy làng Đông Cảo; tứ vị đại vương ở đời Tống, Trung Quốc). Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử vốn là con nhà nghèo phải đi bắt tôm cá ven sông, gặp Tiên Dung công chúa, thành vợ chồng. Chử Đồng Tử đi buôn, học được phép thuật rồi truyền giảng cho vợ. Hai vợ chồng bỏ hết vinh hoa phú quý, tìm học đạo tiên. Đời sau, tôn là một trong “tứ bất tử” của Việt Nam (ba người khác là Thánh Tản Viên, Thánh Gióng và bà Chúa Liễu).
Đình nằm trên khu đất cao, sát khu vực cư trú của làng, mặt tiền chữ nhị, hậu chữ công gồm nhà đại bái, tiền tế và hậu cung.
Đại bái gồm 5 gian, 2 dĩ (chái) xây kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai,” có 2 trụ biểu lớn, trên cùng có trái dàn gồm 4 hạc chụm đuôi, đầu hướng về 4 góc. Đỉnh trụ có trang trí hô phù và hình tứ quý đắp nổi trong 4 ô lồng. Bờ nối mái có hàng hoa chanh. Đại bái và tiền tế cấu tạo tương tự. Phần nóc được làm theo kiểu chồng giường với 3 con giường chồng lên nhau đỡ đầu, dép và thượng lương, nhưng ở đây con giường được làm cụt, chia làm 2, tạo ra khoang trống ở giữa. Vì vậy, nhiều người tưởng lầm đó là giá chiêng. Ở đại bái có kết cấu kiểu kẻ chuyền. Song vì ở đây, người xưa muốn giữ nguyên cao độ, độ dốc của mái, đồng thời muốn làm “thoáng” kiến trúc, cho nên đã không đặt thêm hàng cột quân. Thay vì không làm cột quân, trên xà nách để nối cột cái và cột hiên, người ta đặt cột trốn. Cột trốn có nhiệm vụ liên kết chiếc kẻ từ cột cái ra cột hiên.
Nhà tiền tế có cấu tạo bình thường, có nghĩa là không có trên xà nách, mà ở đây chiếc kẻ được nối thang từ cột cái ra cột quân. Bộ vì được cấu tạo như sau: dưới cùng là một quá giang. Trên đó, trực tiếp quá giang đỡ hai cột trốn và một số con giường cụt. Liên kết 2 cột trốn, ở phần ngọn có câu đầu tạo nên khung “giá chiêng.” Câu đầu đội lần lượt 2 con giường cụt và 3 con giường nguyên để đỡ các hoành và thượng lương. Đây là câu tạo lạ, có thể gọi là kiểu vì chồng giường kết hợp với giá chiêng. Thiêu hương có vì kèo làm theo kiểu chồng giường. Ở hậu cung, để đỡ mái, người ta cuốn vòm.
Đình có 44 đạo sắc và 1 chân đèn đời Mạc, sắc sớm nhất Dương Đức III (1675).
Đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 28.9.1990.