Chu Văn An, còn gọi là Chu An, sau khi mất vào ngày 28.11 năm Canh Tuất (1370), được vua Trần Nghệ Tông ban tên thụy là Văn Trình Công, cho phò thờ ở Văn Miếu cùng Thất thập nhị hiền. Ông cũng được phong thành hoàng làng, thờ ở quê hương, nơi ông mở trường dạy học thôn Huỳnh Cung và nơi ông cáo quan về ẩn là núi Phượng Sơn, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, nay thuộc tỉnh Hải Dương.
Chu Văn An quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn (1292) và mất năm Canh Tuất (1370), thọ 78 tuổi. Sau khi đỗ Thái học sinh, ông không ra làm quan, trở về quê mở trường dạy học. Học trò nhiều nơi nghe tiếng ông đến học rất đông. Trong số học trò có nhiều người thành đạt, làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lễ Quát; khi về thăm thầy vẫn giữ lễ, được thầy nói chuyện ít lời thì lại làm mừng.
Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) đã mời ông làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám để dạy thái tử. Đến đời Trần Dụ Tông, vua cùng bọn nịnh thần bỏ việc triều chính, ăn chơi xa hoa. Ông đã nhiều lần can ngăn không được, bèn dâng sớ thất trảm, đòi chém 7 kẻ nịnh thần được vua tin dùng. Trần Dụ Tông không nghe, ông bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vũ,” cáo quan về ẩn tại núi Phượng Sơn, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương, lấy hiệu là Tiểu Ân. Ông mất ở đó; khi được tin ông mất, vua Trần Nghệ Tông đã sai quan đến làm lễ viếng, ban tặng tên thụy là Văn Trình và dành một vinh dự lớn cho người thầy dạy là được thờ ở Văn Miếu. Ông đã để lại hai tập thơ: Quốc ngữ thi tập bằng chữ Nôm và Tiều Án thi tập bằng chữ Hán, một sách bàn về bộ Tử thư là Tứ thư thuyết ước.
Một huyền thoại về nhân cách và đạo đức của ông cùng ngôi trường Huỳnh Cung vẫn được lưu truyền. Trong số nhiều học sinh từ các nơi đến học, có một người sáng nào cũng đến thật sớm để nghe thầy giảng. Người này không nói rõ quê ở làng nào, những học trò khác thì nói lại là người này cứ đến khu Đầm Đại thì biến mất, ai nấy đều cho là thần nước. Gặp năm hạn hán kéo dài, Chu Văn An không đành lòng trước cánh đồng khô lúa chết, bèn hỏi học trò xem ai có phép gì làm mưa để cứu dân. Người học trò này đứng ra thưa xin vâng lời thầy nhưng cho biết như vậy là trái với luật thiên đình. Nói rồi, người học trò này lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn, lấy bút chấm mực và vẩy khắp 4 phương; vẩy hết mực rồi lại tung cả nghiên bút lên trời. Lập tức, mây đen ùn ùn kéo đến, trời đổ mưa rất lớn làm cho đồng lúa trở lại xanh tốt. Đêm hôm ấy, một tiếng sét vang lên và sáng hôm sau, người ta thấy xác một thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An cho đó là xác của học trò đã vâng lời thầy làm mưa giúp dân, sai làm lễ an táng và lập miếu để thờ, gọi là miếu Gàn. Chỗ nghiên mực ném rơi xuống biến thành đầm lỗn, nước lúc nào cũng đen như mực, được gọi là Đầm Mực, thuộc địa phận làng Quỳnh Đô. Còn quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, biến làng này thành một làng có nhiều người đỗ đạt.
Huyền thoại này nói lên tài đức của Chu Văn An đã cảm hóa được cả quỷ thần, vâng lời thầy, trái lệnh thiên đình, bất chấp thân mình.
Miếu Gàn thờ con vua thủy thần, người học trò của Chu Văn An. Trong miếu thờ thần còn có câu đối khá tiêu biểu:
“Mặc nghiên khởi tường vân, nhất bút mực hồi thiên tự thuận.
Chu đình lưu hoá vũ, thiên trù vọng khiếp địa phần khô.”
Tạm dịch: “Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công, trời thuận theo lẽ phải. Mưa tối giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đội nước, đất nẻ trổ mùa hoa” (Chu đình có hai nghĩa: sân son và sân nhà Chu Văn An).
Sau khi Chu Văn An mất, các học trò cũ đã lập đền thờ ông trên địa điểm trường học cũ ở Huỳnh Cung. Khoảng đầu niên hiệu Vĩnh Thịnh, đền được sửa sang to rộng, có văn bia do ngự sử Nguyễn Công Thái soạn năm Vĩnh Thịnh thứ ba (1717). Đến năm Cảnh Hưng, Giáp Ngọ (1774), đền lại được trùng tu do tham tụng Bùi Huy Bích (người cùng huyện) chủ trì, làm thêm bái đường rộng 5 gian. Đến thời Chu Văn An ở Huỳnh Cung, ngoài bài vị thờ ông, triều Lê còn đặt bài vị thờ 61 văn thân của huyện Thanh Trì, trong đó có nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Như Đỗ, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Công Thể… Năm 1850, ông được vua Tự Đức phong thượng đẳng phúc thần. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, văn thân trong huyện về hội tế. Đến năm 1860, đình lại được quyên góp để trùng tu thay mái nóc, chạm trổ cửa trong, ngoài, v.v… có văn bia do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu soạn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi đình đã bị phá hủy hoàn toàn; nền móng của đình vẫn còn một trụ cột, rùa đá, bia đá. Dân làng còn cất giữ được đồ thờ Chu Văn An như: 2 mũ cánh chuồn, 1 đài áo, 1 áo long cổn, 1 áo thụng hồng, 1 đôi hài, 1 ngai thờ, 1 chuỳ đồng, 6 sắc phong, một cuốn thần tích được lập từ thời Lê Hồng Đức. Tất cả đều là nguyên bản. Nhân dân Huỳnh Cung đã tu sửa ngôi đình xứng đáng là nơi lập nghiệp của danh nhân văn hóa Chu Văn An, người con của quê hương Thanh Liệt, Thanh Trì.
Tại quê hương ông ở thôn Văn có đình thờ ông gọi là Đình Nội. Ban đầu, đình vốn là một ngôi đền cổ, đến thời Lê Trung Hưng trở thành văn chỉ làng Thanh Liệt thờ các vị khoa bảng của làng Thanh Liệt. Theo bia “Tiên hiến bi ký” dựng năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng (1765), thì đình Nội ban đầu thờ Chu Văn An và tằng tôn của ông là Chu Đình Bảo, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Giáp Thìn (1484). Văn chỉ cũng thờ con trai Chu Văn An là Chu Tam Tỉnh, thi đỗ khoa Ngự thí năm Tân Hợi, làm quan đến chức Hàn lâm trực học sĩ, tả hình viện đại phu và Lí Trần Thản, thi đỗ tiến sĩ khoa Ất Sửu, làm quan đến chức Tả tư giảng, sau khi mất được tặng Binh bộ thượng thư.
Đình được dựng ngay sau khi ông mất thời Trần. Do đình nằm trong khu đất hẹp nên vị tú tài người làng là Vũ Huy Diệu đã cùng dân trong làng chọn nơi thoáng rộng (khu vực hiện nay) để xây lại vào năm Giáp Tí, niên hiệu Tự Đức. Đình lúc ấy gồm một toà ở chính giữa chia làm 3 gian, lợp ngói, tả hữu 2 dãy giải vũ. Hai bên phò thờ 2 vị tiến sĩ là Chu Đình Bảo và Lí Trần Thản. Đến mùa xuân năm Nhâm Dần (1892), đình đã được sửa chữa lại.
Đình được xây dựng trên khu đất cao ráo, bên dòng sông Tô, nằm theo hướng đông bắc. Trước đây, đình là một hệ thống kiến trúc liên hoàn; khi con đường ven sông Tô được mở rộng, di tích bị chia làm đôi: thủy đình trên ao bán nguyệt và khu kiến trúc chính ở phía sau. Thủy đình là một khu kiến trúc nhỏ hình bát giác nằm giữa ao hình bán nguyệt sát bờ sông Tô. Phần trên làm theo kiểu 2 tầng, tám mái, các đầu đao uốn cong, bờ nóc đắp đôi hình rồng chầu; trong nhà đặt tấm bia lớn.
Đình có hình chữ công với 3 nếp nhà tiền tế rộng 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì làm kiểu vòm bán nguyệt. Hậu cung gồm 3 gian nhỏ, vì làm kiểu “chồng giường, giá chiêng”, mặt bằng theo kiểu 4 hàng ngang, vì làm kiểu “chồng giường”, chạm khắc hình tứ linh, tứ quý.
Đình Nội thờ Chu Văn An đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử ngày 21.1.1989.