QUÁN BÍCH CÂU

Quán Bích Câu ở thôn An Trạch, phường Bích Câu, nay là phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.
Quán thờ chân nhân họ Trần, tên là Uyên, tự Vưu Ban. Tương truyền Uyên thuở nhỏ nhà nghèo, chỉ dựng được ngôi nhà lá ở bên ngòi nước ở phường Bích Câu để làm nơi ăn học (tục truyền là Ngự Câu vì vua Lê thường đi thuyền ra đây chơi).
Một hôm, nhân đi xem hội Vô Già ở chùa Ngọc Hồ (chùa Bà Ngô), Uyên gặp một thiếu nữ mặc áo đỏ tên Giáng Kiều, bèn cùng nàng kết duyên vợ chồng. Từ đó, Uyên bỏ đạo Nho, học đạo tiên. Hơn một năm sau, hai vợ chồng sinh được một con trai đặt tên là Trân. Tú Uyên tu tiên đắc đạo, người xung quanh vùng gọi là Trần chân nhân. Một hôm, có hai con hạc trắng ngậm thư bay xuống. Chân nhân cùng tiên nữ Giáng Kiều và con đều cưỡi hạc bay về trời. Dân làng An Trạch kính phục, dựng đền thờ hai người trên nền nhà cũ và gọi là quán Bích Câu.
Chưa biết rõ quán Bích Câu được dựng vào năm nào. Quán cũ đã bị phá hủy bởi bom đạn trong những năm kháng chiến chống Pháp, chỉ còn lại cổng. Quán hiện nay được xây dựng lại trong những năm 50 bởi dân trong vùng. Khuôn viên của quán bị thu hẹp nhiều do cơ quan và dân xung quanh lấn chiếm.
Quán đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 2.3.1990.