Xét sách Triệu Vương Giao Châu ký: Vương họ Phùng, tên là Hưng, cha ông đời đời làm tù trưởng châu Đường Lâm, gọi là Quan Lang (tục ấy nay là Đường Lâm, huyện Phúc Thọ, Tây Sơn. Cam Lâm xưa là Đường Lâm). Trên mạn ngược vẫn còn, nhà giàu hay giúp đỡ kẻ khó. Vương có sức khỏe đánh được hổ, vật được trâu, em tên là Hãi có sức mang đá nặng nghìn cân hoặc cõng thuyền nặng nghìn hộc mà đi tới mười dặm. Các miền gần xa nghe tiếng đều sự. Trong thời Đại Lịch (776-779) nhà Đường, bên ta rối loạn, Vương cùng em đem binh đi chinh phục được khắp các vùng lân cận. Vương đổi tên là Cự Lào, em đổi là Cự Lực, rồi Vương xưng là Đô Quán, em xưng là Đô Bảo, theo kẻ của Đỗ Anh Luân (người làng Đường Lâm) đem đại binh đi tuần các châu Đường Lâm và Trường Phong, nhân dân phục theo uy danh lừng lẫy. Vương cho phao tin rằng sẽ tiến đánh phủ Đô Hộ. Quan Đô Hộ tên là Cao Chính Bình (người Đường) đem quân đón đánh nhưng bị thua, lo quá phát bệnh chết. Vương vào phủ Đô Hộ giữ quyền trị dân được bảy năm thì mất. Nhiều người muốn lập Phùng Hãi lên thay, nhưng có quan Đầu mục tên là Bồ Phá Cần, vốn có sức khỏe lạ thường, quyết ý không theo, mà lập con Vương là Phùng An lên nối ngôi rồi mang quân chống Hãi. Hãi sợ Bồ Phá Cần, dời vào ở động Chu Nham rồi không biết đi đâu.
An lên nối ngôi, tôn cha làm Bổ Cái Đại Vương, vì theo tục nước ta khi ấy gọi cha là “bô”, gọi mẹ là “cái” nên mới tôn tên ấy. Được hai năm, vua Đức Tông nhà Đường cử Triệu Xương sang làm Đô Hộ An Nam. Xương tới nơi, trước hết sai sứ mang lễ vật đến dụ An ra hàng. An liền xin hàng phục (791), từ đó họ Phùng mỗi người tản mác đi một ngả.
Bổ Cái Đại Vương, sau khi mất rất hiển linh. Dân các làng thường nghe có tiếng xe, ngựa đi ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên các cây cổ thụ, trông lên thường thấy trong đám mây năm sắc có cờ, kiệu rực rỡ, lại có tiếng đàn sáo văng vẳng trên không. Trong làng, hễ có việc gì sắp xảy ra thì về đêm thấy có một dị nhân báo cho người hào trưởng ở làng biết trước, ai cũng phải lấy làm lạ mới cùng lập đến thờ Vương ở phía tây Đô Phủ. Đền rất thiêng, lễ cầu mưa, tạnh đều được linh ứng. Ai có việc gì khó khăn hoặc bị trộm cướp, hoặc muốn cầu tài đến đền kêu cầu, tất được hài lòng. Bởi vậy người đến lễ đền rất đông, hương khói không lúc nào dứt.
Khi Ngô Tiên Chủ (tức vua Ngô Quyền) dựng nước, có giặc Nam Hán sang ta, Tiên Chủ đang lo nghĩ cách chống đánh. Ban đêm Tiên Chủ mộng thấy một cụ già mũ áo chỉnh tề đến nói rõ họ tên và bảo rằng: “Tôi đã dự bị mấy đội thần binh để giúp sức nhà vua, xin nhà vua tiến binh ngay đi không nên lo nghĩ!” Đến khi Tiên Chủ ra đánh giặc ở sông Bạch Đằng, nghe thấy trên không có tiếng xe ngựa ầm ầm, quả nhiên trận ấy đại thắng. Tiên Chủ lấy làm lạ, liền sai sửa soạn đồ lễ và các thứ tàn quạt, chuông trống đem đến đền để tế.
Các triều vua sau dần dần thành lệ. Đến đời Trần, năm Trùng Hưng thứ 1 (1285), sắc phong Phùng Vương là Phu Hựu Đại Vương, năm Hưng Long 20 (1321) lại gia phong hai chữ Sùng Nghĩa. Đến nay vẫn còn rất thiêng, dân vẫn sùng phụng.