Toàn bộ căn cứ có diện tích 16 km² nằm trên địa bàn xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Di tích được xây dựng từ năm 1973, là một tổng thể hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, hội trường ngầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Năm 1995, di tích được trùng tu lại theo nguyên trạng, gồm bảy hạng mục: bếp Hoàng Cầm, hầm giao ban, hầm chữ A, hội trường, nhà ở và nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như: Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng…
Nhìn một cách tổng thể, các hạng mục trong căn cứ đều được xây dựng theo lối nửa chìm nửa nổi, cột làm bằng cây rừng, mái lợp bằng lá trung quân, cách nhau từ 50-200 m, các hạng mục đều nép mình dưới những tán cây lớn và dây leo đan cài chằng chịt, rất phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ.
So với các căn cứ khác, căn cứ Tà Thiết được xây dựng quy mô hơn cả. Hệ thống nhà, hầm hào giao thông được nối với nhau liên hoàn, đảm bảo sinh hoạt, làm việc thuận lợi, thông thoáng và an toàn.
Căn cứ không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Bộ Chỉ huy Miền, là một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược, mà còn là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói, di tích căn cứ Tà Thiết là minh chứng hùng hồn về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Bình Phước, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam nói chung và các thế hệ người dân Bình Phước nói riêng.
Căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy Miền thuộc căn cứ Tà Thiết được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định 1288-VH/QĐ ngày 16-11-1988.