Các vị thần và thành hoàng được thờ ở các đình đền Hà Nội

Ảnh hưởng của phong kiến Trung Hoa trong tín ngưỡng thành hoàng là việc các triều vua phong thành hoàng kinh đô Thăng Long. Ngay từ lập kinh đô Thăng Long, vua Lý đã phong thần Bạch Mã (thờ ở đền Bạch Mã, phường Hàng Buồm) là thành hoàng kinh đô và thần Tô Lịch (được thờ ở đình Thái Cam) cũng là thành hoàng. Các đình, đền làng xung quanh Thăng Long thờ các thần và thành hoàng.

a. Thần là các nhân vật truyền thuyết, huyền thoại

  • Thần núi Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh ở đình Đại Áng (Thanh Trì), đình Hạ Yên Quyết, Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng (Từ Liêm), đình Khương Thượng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Liệt (Đống Đa), Tam Xá (Đông Anh), Thổ Khôi (Gia Lâm).
  • Thần là các bộ tướng đời Hùng Vương: như Bạch Hạc Tam Giang, Thiên Uý Vương, Minh Uý Vương, Phan ông Tây Nhạc, Hùng Lãng Công ở đình Định Công Thượng, đình Hòe Thị, Khương Thượng, Hà Hương, Hà Lỗ, Lỗ Khê, Nam Dư Thượng, Tam Xá, Tây Tựu, Thị Cấm, Vạn Phúc (Thanh Trì), Phú Diễn, Phúc Lý, Quan Nhân, Vĩnh Trung, Yên Nội, Yên Hòa, Sen Hồ, Xuân Dục… Có đến gần 40 đình thờ các Vua Hùng và bộ tướng Vua Hùng.
  • Thần là các nhân vật huyền thoại:
    • Thánh Gióng được thờ ở đền Phù Đổng, đền Sóc (Từ Liêm), đền Thanh Nhàn, đền Sóc Sơn (Sóc Sơn).
    • Bà chúa Liễu Hạnh được thờ ở đền Hoành Sơn, đền Bà Kiệu, đền Hòa Mã và phủ Tây Hồ…
    • Huyền Thiên Chấn Vũ được thờ ở đền Quan Thánh, đền Sái (Đông Anh)…
    • Chử Đồng Tử được thờ ở đền Chử Xá (Gia Lâm).
    • Thần Đồng cổ được thờ ở đền Đồng Cổ (Bưởi), đền Văn Trì (Từ Liêm).
  • Nhân vật được huyền thoại hóa: Linh Lang (thời Lý) được thờ 15 nơi ở Hà Nội như Voi Phục, Kim Mã, Láng Hạ, Thúy Lĩnh, Thổ Khôi, Trường Lâm, Tư Đình, Vạn Phúc, Long Biên, Nhật Tân, Sài Đồng…
    • Linh Lang thời Trần được thờ ở Yên Phụ và Nhật Tân…
    • Lý Ông Trọng được thờ ở đình Chèm.
    • Lý Châu Nương được thờ ở đình Giảng Võ.
    • Vũ Phục được thờ ở Yên Thái, Bãi Ăn.
    • Hoàng Đức Trung được thờ ở Lễ Mật, Liễu Giai, Ngọc Hà, Vĩnh Phúc (Ba Đình).
    • Nguyễn Minh Không được thờ ở Ngũ Xã (Ba Đình), Lý Quốc Sư.

b. Thần là các nhân vật lịch sử:

  • Hai Bà Trưng và các danh tướng của Hai Bà như Ả Lã Nàng Đê, Quách Lăng, Đào Kỳ và Phương Dung, Hiển Hựu, Hà Uyên, Khoảnh Ba Son, đã được thờ ở những đình đền Đổng Nhân, Đại Mỗ, Đại Cát, Đông Ba, Tây Mỗ, Hà Vĩ, Lê Xá, Thổ Quan, Thượng Cát, Dương Hà, Xuân Đỗ Hạ…
  • Lý Nam Đế, Lý Phật Tử được thờ ở Miếu Nha, Tu Hoàng, Tình Quang, Ngọc Mạch…
  • Phùng Hưng và các tướng như Phạm Uyển, Phạm Miều, Phạm Huy… được thờ ở Giáp Nhất, Kim Mã, Triều Khúc, Quảng Bá, Trung Hòa…
  • Đinh Tiên Hoàng và các tướng như Nguyễn Nộn, Nguyễn Bặc, Nguyễn Phục, Nguyễn Bố, Nguyễn Siêu, Cao Điền Công, Cao Đỗ Công, Đào Liên Hoa được thờ ở Công Đình, Đại Yên, Đông Phù, Kim Sơn, Phú Thị…
  • Lê Đại Hành được thờ ở Hoa Xá, Phú Diễn, Hữu Thanh Oai…
  • Lý Thường Kiệt được thờ ở Giao Tự, Phúc Xá, Cơ Xá…
    • Lý Chiêu Hoàng được thờ ở Giao Tự, Thái Bình, Tình Quang…
  • Tô Hiến Thành được thờ ở Vĩnh Vịnh, Lạc Thị, Quỳnh Đô…
  • Trần Khát Chân được thờ ở Hoàng Mai, Lư Giang…
  • Trần Hưng Đạo được thờ ở đền Ngọc Sơn, Trung Tả, Tương Thuận…

Các nhân vật văn hóa như Chu Văn An được thờ ở quê hương Thanh Liệt, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Thanh Am, Lê Tuấn Mậu ở Thụy Lôi, Lê Quý Đức, Lê Quý Ân, Lê Quý Kính thờ ở Đại Mỗ…

c. Các nhân thần là tổ sư nghề:

  • Bạch Tính tiên thánh sư là tổ sư nghề hàn thiếc, được thờ ở làng Đông Thành huyện Thọ Xương, nay là phường Hàng Nón, quận Hoàn Kiếm.
  • Lê Hành là tổ sư nghề làm lọng, được thờ ở phố Hàng Mành. Ở phố Hàng Da thì có tên là Bùi Công Hành.
  • Phúc Hậu là tổ sư nghề tráng gương, được thờ ở phố Hàng Bông.
  • Nguyễn Thị Riệu Duyên là tổ sư nghề làm cể yếm, được thờ ở phố Hàng Đào.
  • Tiên thánh Hiên Hoàng, hậu thánh Cơ Công là tổ sư nghề vàng bạc, được thờ ở phố Hàng Bạc.
  • Bản nghệ tiên thánh sư là tổ sư nghề thợ tiện, được thờ ở thôn Nhị Khê, huyện Thọ Xương.
  • Nguyễn Phúc là tổ sư nghề tằm tơ, được thờ ở làng Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
  • Tổ sư nghề làm quạt được thờ ở phố Hàng Quạt.
  • Tổ sư nghề giày (gồm 3 vị) được thờ ở phố Hàng Hành.
  • Tổ sư nghề rèn được thờ ở phố Lò Rèn.
  • Tổ sư nghề dát vàng được thờ ở đình làng Kiêu Kị, huyện Gia Lâm.
  • Tổ sư nghề làm giấy dó được thờ ở Yên Thái, quận Tây Hồ.
  • Đình Dự, Mãn Đường Hòa, Đào Hoa và Phương Dung tổ sư nghề ca trù được thờ ở Keo, Kim Quan (Gia Lâm), Phú Đô (Từ Liêm), Ca Công (Đông Anh).
  • Nguyễn Tam Trinh, ông tổ sư nghề vật, được thờ ở Mai Động (Hai Bà Trưng).

Đặc biệt, trong các vị thần được thờ ở đình, đền Hà Nội có cả vua Chiêm và công chúa, thờ ở đình đền Đồng Thiên, Vĩnh Tuy và Trung Lập, Lĩnh Nam (Thanh Trì) là nơi vua Chiêm và binh lính đã bị bắt về và cho lập nghiệp ở đây. Đình và miếu Tế Xuyên thuộc xã Đình Xuyên huyện Gia Lâm thờ Đỗ Trung, người đã có công đánh giặc Chà Hòa, được vua Trần Dụ Tông xây dựng hành cung ở Tế Xuyên và được phong làm thành hoàng làng (theo ngọc phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn) (Theo một tài liệu thì Đỗ Trung gốc là người Chiêm).

Ngoài ra, cũng còn nhiều nhân vật lịch sử khác nữa, nhưng do chưa tìm thấy tên trong các sách sử hoặc chỉ có một hai nơi thờ nên không dẫn ra. Về phương diện lịch sử, thì thần tích của các thần và thành hoàng được thờ cúng ở các đình, đền không hoàn toàn giống nhau khi cùng thờ một thần, do tính chất truyền miệng, thần linh hóa hoặc phàm tục hóa, và lẽ tất nhiên không thể coi là những tư liệu chính xác.