Nói đến đình và đền ở Hà Nội tức là nói đến việc thờ thần, thành hoàng, một tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời, là nói đến văn hóa tâm linh từ thời cổ còn lưu truyền đến ngày nay.
Có thể hiểu tín ngưỡng là một trạng thái tâm lý quan hệ đến các hiện tượng thiên nhiên, xã hội mà con người cảm thụ và chưa nhận thức được, cho là có sức mạnh hơn con người và thiêng liêng, nên con người sợ và kính cẩn mong che chở giúp đỡ. Theo Ang-ghen, tín ngưỡng nguyên thủy là sản phẩm văn hóa của con người do trình độ sản xuất thấp kém. Trong quá trình đấu tranh với tự nhiên, tình cảm sợ hãi, nương tựa và thần bí đã nảy sinh, khiến họ lấy một vật tự nhiên hoặc một sức mạnh tự nhiên làm đối tượng để sùng bái, nhằm giải quyết những mâu thuẫn giữa người và tự nhiên, phục vụ cho sản xuất và đời sống con người.
Việc thờ thần và thành hoàng của người Việt cũng từ tín ngưỡng nguyên thủy, bên cạnh hiện tượng tự nhiên đã có sức mạnh của con người (Con người thần bí thiêng liêng). Tín ngưỡng thần và thành hoàng của người Việt biểu thị lòng sợ và kính của người nông dân trong một xã hội nông nghiệp đối với cái kính trọng, thiêng liêng, nhằm mục đích cầu mong đời sống no ấm, yên ổn; tín ngưỡng thần và thành hoàng ở đây chưa thành tôn giáo nhân tạo vì chưa có một đấng tối cao, chưa có mô hình một thế giới khác, một xã hội lý tưởng. Chỉ cần một số nghi thức kính trọng thì cái đáng kính, sợ, thiêng sẽ giúp đỡ phù hộ.
Tín ngưỡng thờ thần là tín ngưỡng bản địa của người Việt, sẵn có trước khi phong kiến Trung Hoa du nhập tục thờ thành hoàng vào Việt Nam từ thời Đường. Theo các sách Trung Hoa, thì từ thời cổ đại, họ đã thờ thành hoàng, và thành hoàng theo họ là vị thần bảo hộ thành trì cấp quốc gia, cấp phủ, châu, huyện, xã và thôn; thành hoàng bảo vệ các quan cai trị và cư dân trong một thành trì. Sách Trung Quốc thần bí văn hóa viết: “Thành hoàng tức là thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm thành, đào hào làm hoàng”.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, năm 823, viên quan cai trị Trung Hoa là Lý Nguyên Gia, xây La Thành đã dựng đền thờ Tô Lịch làm thành hoàng La Thành. Năm 866, Cao Biền xây thành Đại La lại, phong Tô Lịch làm Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” cũng nói về tục thờ thành hoàng có nguồn gốc từ bản địa kết hợp với việc du nhập từ Trung Hoa: “Xét về cái tục thờ thần hoàng này từ đời Tam Quốc trở về đã có từ những ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu dẫn gì mới thiết lập đàn cúng tế mà thôi. Đến thời nhà Đường, Lý Đúc Dụ làm tướng mới bắt đầu lập miếu thần hoàng ở Thành Đô, kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ. Nước ta lúc bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kể đến Đinh, Lê thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi. Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn, đại xuyên, triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên ấy để làm chủ tế cho việc ấm tí một phương mà thôi. Kế sau, triều đình tính biểu những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đó thờ đấy. Từ đó, dân gian lần lượt bắt chước nhau, làng nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tế trong đình làng. Làng nào có sẵn người anh hùng hào kiệt mất đi thì thờ ngay người ấy; làng nào không có thì đi cầu lấy một vị thần linh khác rước về mà thờ. Hoặc nơi thì nhân việc mộng mị, việc bói khoa, việc tà khẩu, tin là một sự linh dị mà thờ. Hoặc nơi thì vì một sự ngẫu nhiên cho là thiêng liêng và xin duyệt hiệu để thờ. Té ra làng nào cũng có đền, xã nào cũng có miếu. Đến cả những xã mới lập trước hết cũng nghĩ ngay đến việc thờ thần.
Tổng chi là dân ta tin rằng: đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, cảnh thôn nào cũng phải có thành hoàng ấy, vậy phải thờ phụ để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần một tịnh.”
Qua nhiều công trình nghiên cứu, tín ngưỡng thờ thành hoàng ở Việt Nam đã được du nhập từ Trung Hoa vào thời Bắc thuộc. Làng xã Việt Nam không phải là thành trì; người Việt Nam ở làng xóm có tín ngưỡng nguyên thủy thờ thần. Việc thờ thần đã có được kết hợp với việc thờ thành hoàng từ phương Bắc do phong kiến Trung Hoa đem vào và được phong kiến Việt Nam, với ý thức tự chủ, đã giành được độc lập, áp dụng theo, đã trở thành tín ngưỡng thờ thần thành hoàng của làng Việt Nam.
Căn cứ vào các bản thần tích cổ khi Lý Thái Tổ dời đô ra Đại La, đổi tên là Thăng Long, đã phong Tô Lịch làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Sau đó, các vua Trần phong thêm các mỹ tự: Bảo Quốc, Hiến Linh, Định Bang cho Thành Hoàng Tô Lịch. Theo sách Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái, thì đời Trần đã sắc phong cho 25 vị thần. Đến đời Lê, nhất là từ Lê Thánh Tông, việc phong sắc cho thần ở các địa phương được làm thường xuyên; các thần phả, thần tích đã được ghi lại trong các bia hay văn bản. Đến đời Nguyễn, việc phong sắc thần cũng được chú ý thực hiện, nhất là dưới đời Minh Mệnh và Tự Đức.
Tín ngưỡng thờ thành hoàng tuy là một phạm trù ngoại lai nhưng lại mang một nội hàm bản địa Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua sự tích của các thần được thờ làm thành hoàng của các đình, là các phúc thần nông nghiệp mà hầu hết là nhân thần. Ở các làng Việt, không có thành, không có hào nên ban đầu không có thành hoàng bảo hộ như nguyên gốc từ Trung Hoa, song sự kết nối của những người nông dân Việt Nam trong một khu vực cư trú, làm nông nghiệp, đều phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên khi khoa học chưa phát triển, họ cùng có tín ngưỡng nguyên thủy như nhau, nên đã cùng thờ một hoặc nhiều vị thần chung giống nhau và các thần đó đã biến thành thần của làng. Khi giai cấp phong kiến Việt Nam đã giành được độc lập, ý thức được việc xây dựng một quốc gia tự chủ thì việc áp dụng tín ngưỡng từ phương Bắc cũng là một việc cần thiết.
Đến thế kỷ 15, khi nhà nước phong kiến toàn thịnh, triều đình đã thể hiện sự thống nhất về uy quyền đến tận làng xã nên đã phong cho các thần làng làm thành hoàng làng theo cấp bậc. Việc sắc phong cho thần làng chính là nhằm thâu tóm tinh khí đất nước vào trong tay chính quyền trung ương. Vua sắc phong cho thành hoàng các làng thì rõ ràng vua là đấng tối cao của cả nước. Thành hoàng làng là chủ tể cho một làng về mặt tinh thần mà dân vẫn tế thờ phải chịu sắc phong do vua ban, tức là dưới vua, vậy thì uy quyền của vua là rất lớn. Dân làng đã quy phục uy quyền của thành hoàng thì tất nhiên phải quy phục trước quyền uy của Thiên tử. Thần quy phục phục vụ cho quân quyền, đó là sự kết hợp chặt chẽ dưới chế độ phong kiến ở nước ta trong hàng ngàn năm.
Triều đình phong kiến phong sắc cho thành hoàng làng có chọn lọc. Căn cứ vào thần thờ ở các làng, theo đề nghị của các quan sở tại, Bộ Lễ của triều đình chỉ phong sắc cho các thần có hai tiêu chuẩn là phò vua bảo vệ vương triều (âm phù) và giúp dân làng làm ăn được phát đạt và qua khỏi các tai họa. Việc phò vua thì căn cứ vào các lời mộng mị, chiêm bao của các tướng tá giúp vua đánh giặc hoặc huyền tích theo ý nguyện; còn việc giúp dân làng chỉ cần căn cứ vào công lao làm lợi cho dân xã. Điều này thể hiện rõ trên các sắc phong hiện còn ghi lại. Như vậy, có thể thấy, tín ngưỡng thờ thành hoàng có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan từ trước đến nay vẫn có sự bổ sung cho nhau.