Kiến trúc đình, đền và đổ thờ cúng

Thần và thành hoàng được thờ ở các đền, đình, nghè, miếu. Thời cổ đại, người Việt thờ thần ở Cây Đa và các Hòn Đá. Trước khi được đưa vào thờ ở đình, thần và thành hoàng được thờ ở nghè, đền, miếu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đình xuất hiện ở Bắc Bộ vào đời nhà Trần, ban đầu dùng làm chỗ nghỉ chân cho vua quan khi đi thị sát dân tình, là nơi đình trạm phục vụ cho việc giao thông đưa tin tức, mệnh lệnh của triều đình đi các địa phương, sau đó trở thành nơi thờ thành hoàng và là một công sở, nơi hội họp của các chức dịch và dân làng. Trước Cách mạng tháng Tám, đình làng Việt Nam là nơi thờ tự thành hoàng làng và là trung tâm sinh hoạt chính trị, xã hội, văn hóa của cộng đồng dân cư.

Trong các làng, đình là một kiến trúc có quy mô to nhất và theo ý nghĩ của người xưa có tầm quan trọng, ảnh hưởng tới sự thịnh vượng và sức khỏe của tất cả dân làng. Dựng đình là việc chung của cả làng. Một việc tối quan trọng của ngôi đình là hướng đình. Ca dao cũ có câu: “Toét mắt là tại hướng đình, cả làng cùng toét, riêng mình em đâu” đã nói lên ý nghĩa quyết định của việc chọn hướng đình. Hướng của đình làng thậm chí đã trở thành hướng quy hoạch cho các ngôi nhà trong làng, hoặc làm song song theo hướng đình, hoặc làm vuông góc. Dân làng kị nhất là làm nhà hướng thẳng vào các góc đao của đình làng. Hướng của các ngôi đình thường quay về hướng nam để thích ứng với môi trường tự nhiên, khí hậu nhiệt đới ở nước ta. Bên cạnh hướng đình là vị trí thửa đất, nơi được xây dựng. Chọn hướng và thửa đất xây đình, người xưa tin vào thuyết phong thủy; đình phải được xây trên lưng hay trên trán của các con vật thiêng tiềm ẩn trong đất như long, ly, quy, phượng.Đình thường được chọn xây trên một gò cao, một doi đất, trước mặt có dòng nước chảy hay hồ ao. Nếu không có sông ngòi, thì người dân đào giếng, hồ để tạo nên cảnh nước non. Những câu tục ngữ về thửa đất chọn làm đình như: “Thè lè lưỡi trai chẳng sai được nó. Khum khum gọng vó, chẳng nó thì ai” là những tổng kết dân dã về thửa đất “tự phúc, tự thủy” là những vị trí tốt nhất để xây đình làng. Đình làng thường được xây ở rìa làng, thoáng đãng trên một khu đất cao rộng, nhà của dân làng chỉ ở sau lưng, không được ở phía trước đình.

Đình làng ban đầu có lẽ chỉ là một kiến trúc nhỏ gồm 3 gian và 2 chái, sau đó số gian tăng lên đến 5, 7 hay 9 gian (số lẻ), cộng thêm kiến trúc phía sau gọi là hậu cung, thêm phía trước gọi là tiền tế, thêm hai bên gọi là tả vu và hữu vu. Ban đầu, xung quanh chưa bịt kín nhưng dần dần để tôn nghiêm thần thánh, người dân xây bao kín quanh kiến trúc chỉ để mở cửa phía trước; đặc biệt ở hậu cung thì xây bịt kín tối như bưng (là nơi thần thành ngự trị). Đình làng còn là một kiến trúc mở không có tường bao quanh, vì kiến trúc gỗ cổ truyền dựa trên khung các cột gỗ chịu lực, các vì kèo và hoành phân đều lực cho các cột cái và cột quân kê trên các đá tảng. Các cửa bức bàn và các hàng chấn song con tiện phía trước là để thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ, các tường bao quanh nhằm linh thiêng hoá thần linh được làm bổ sung về sau.

Một điều đặc biệt là các đình đều có cấu trúc mái đình với góc mái cong, và người ta gọi là đao mái. Góc mái cong có thể là một sáng tạo đầy tính nghệ thuật của đình làng Việt Nam và trở thành một đặc trưng độc đáo khiến kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam khác với các kiến trúc gỗ của các nước khác trong khu vực. Những ngôi đình cổ thường có bộ mái lớn chiếm đến 2/3 công trình. Theo một nhà nghiên cứu, “tỷ lệ này có lẽ bắt nguồn từ ngôi nhà cổ truyền của người Việt mà sứ nhà Nguyên là Trần Phú đã lấy làm ngạc nhiên: ‘Làm nhà không có kiểu gấp mái hoặc chống kèo mà từ đòn dông đến mái hiên cứ thắng tuột một mạch như đổ hẳn xuống (vì vậy) tuy nóc nhà (tuy hết sức) cao nhưng mái hiên chỉ cách mặt đất chừng bốn năm xích’.” Trong điều kiện của một xứ sở lắm mưa nhiều nắng thì đó là hình thức thích nghi nhất cho kiến trúc. Bộ mái không chỉ thuần túy có công năng che mưa chắn nắng mà còn thực hiện được cả việc điều khiển vi khí hậu trong lòng công trình. Đạt được cách xử lý thông minh này, chắc hẳn người Việt đã trải qua một quá trình chọn lọc văn hoá kiến trúc.

Các đao mái đình vút cong ở bốn góc mái làm cho hai mái đình trở nên thanh thoát nhẹ nhàng. Mặt ngoài của các đầu đao được gắn đắp các hình rồng sinh động. Hai đầu bò nóc thường được đắp vênh lên như mũi thuyền, trên thường đắp rồng chầu mặt nguyệt, các bờ giải ở hai mái cũng được đắp gắn các mảnh sứ hình các con trong tứ linh hoặc gắn các con nghê sành nung. Các đầu đao mái đình thực sự đã gợi lên vẻ uyển chuyển mềm mại cho ngôi đình to lớn cùng với những cây đa cổ thụ, tạo nên một biểu tượng thân thiết của làng quê Việt Nam.

Mỗi đình làng còn là một công trình điêu khắc và chạm trổ, sơn vẽ với chất liệu cổ truyền là sơn ta với ba màu đen, đỏ và vàng. Người nghệ nhân thường chạm trổ ở các câu đầu, các cột giá chiêng, các đầu bảy, các ván trong lòng giá chiêng… những hình đầu rồng, đuôi rồng, nghê, vân mây và hoa lá, các sinh hoạt văn nghệ đời sống hàng ngày… rất sinh động. Những cột cái ở trung đình thường được sơn vẽ rồng mây, làm cho ngôi đình rực rỡ trang trọng, gợi lên ý nghĩ đây là nơi cung điện của thần thánh uy nghiêm. Các đình thường ghi ngày tháng năm khởi công xây dựng và hoàn thành ở xà nóc hoặc hai câu đầu trung đình. Ở trung đình đều có lắp một cửa võng sơn son thếp vàng, làm cho không gian đình sáng lên lộng lẫy. Cửa võng là một bức rèm bằng gỗ chạm trổ rất công phu, gắn vào hai cột và hoành ở trung đình, nơi đặt bàn thờ thành hoàng. Hai bên cửa võng là những bức hoành phi ca ngợi công đức thần, sơn son thếp vàng hoặc khảm trai, do các kỳ hào trong làng hoặc các quan viên cúng tiến. Trên các cột đình còn có nhiều câu đối cũng là để tưởng nhớ và ca ngợi công đức của thần.

Có những đình trước kia được xây ở nơi đất trũng hoặc ở bờ sông, bị nước xói lở, bào mòn, ngập lụt hoặc sắp đổ. Người dân đã có biện pháp thủ công để kiệu, nâng đình lên cao dần dần; như đình Chèm ở ngoài bãi sông Hồng. Người dân đã đổ mái ngói cho nhẹ bớt, đánh đai các cột đình thành một khối, sau đó dùng đòn bẩy kích dần các cột cùng một lúc lên cao độ 5-6 cm, kê các cột lên và tôn nền lên theo, cứ thế dần dần nên đình đã được nâng cao lên hơn 2 m trên mặt nước sông lúc mùa nước lũ. Đình Thổ Hà ở Việt Yên, Hà Bắc gần đây cũng áp dụng phương pháp thủ công như đình Chèm, kiệu đình lên cao 1,80 m.

Kiến trúc đình làng tùy theo lịch sử xây dựng của từng địa phương, song về đại thể vẫn có những nét chung của nơi thờ tự thành hoàng. Đình thường chia làm hai phần rõ rệt: đình ngoài và đình trong. Đình ngoài còn gọi là nhà tiền tế hay đại bái. Đình ngoài là một kiến trúc lớn nhất được chia làm ba phần. Chính giữa nhà đại bái, còn gọi là trung đình, được dùng làm nơi tế tự thành hoàng. Ở trung đình có đặt bàn thờ, hương án. Hai bên hương án thường bày các đồ tự khí. Đồ tự khí gồm có:

  • Tam sự gồm một bát hương to bằng đồng hoặc một lư hương đỉnh đồng, hai bên là hai hạc đồng trên cắm hai cây nến.
  • Ngũ sự gồm: một bát hương, hai cây đèn nến, hai lọ độc bình cắm hoa, một mâm bồng ngũ quả, một cái kỷ (còn gọi là tam sơn) ở giữa cao hơn, đặt bộ đài con ba chiếc để ba chén đựng rượu, một bến để đĩa trầu cau, một bên để bát nước.

Những đồ thờ thần ở đình, đền gọi là nghi trượng, gồm khí giới dùng để đánh nhau và các đồ dùng khi đi đường (làm giả như thật). Nghi trượng thờ thần quý nhất là thanh gươm cẩn, còn gọi là gươm vàng, thường gác ở giá trước mặt long hài. Khi rước thần, thì cử người có chức tước cầm gươm đi trước mặt kiệu, thường gọi là gươm đàn mặt. Kế đến là gươm trường và giáo mác (tràng kiếm và can qua), sau đến cờ tiết mao, lưỡi phủ việt, trường côn và đoản trượng. Những khí giới đó ngày thường thì cắm ở giá, khi có tế lễ rước thì cử trai tráng, mỗi người cầm một thứ đi trước kiệu làm đồ nghi vệ. Trong những đồ nghi vệ còn có đồ lỗ bộ, bát bửu, tàn, quạt, cờ, lọng. Có nơi thường gọi lẫn lỗ bộ với bát bửu làm một và cũng không cứ phải là tám cái. Những thứ này cũng được cắm ở giá hai bên bàn thờ. Giáp bàn thờ ở phía trong, một bên có một lá cờ, gọi là cờ vía, một bên có một cái biển, gọi là biển vía. Cờ làm bằng vải hoặc nhiễu, giữa thêu bốn chữ “Thượng đẳng phúc thần” hoặc “Trung đẳng phúc thần” hoặc “Hạ đẳng phúc thần” tùy theo sắc vua phong cho thần, một bên thêu “Lịch triều phong tặng”. Xung quanh thêu rồng bằng chỉ ngũ sắc, chữ thêu bằng chỉ kim tuyến. Biển làm bằng gỗ sơn son, chữ thếp vàng, giữa cũng khắc chữ như cờ, xung quanh chạm tứ linh. Khi rước thần, thì cờ và biển vía cũng phải do những người sang trọng trong làng mới được cầm.

Hai bên hương án và bàn thờ của các đình thường bày bộ bát bửu. Bát bửu là tám vật quý gồm: cái kiếm, cái bút, cái quạt, quả bầu eo, giỏ hoa, cái khánh hoặc phất trần, cá, và bàn cờ. Mỗi thứ trong bát bửu được chạm lộng trên đầu một cán dài sơn son thếp vàng và cắm trên một cái giá đặt ở hai bên trước bàn thờ. Trước hương án còn có một dàn lỗ bộ hay còn gọi là bát kích. Bát kích là tám thứ vũ khí đời xưa: thanh long đao, cây mác trường, cái chùy, thanh kiếm, câu liêm, cái đinh ba, cái tay thước, và cái nắm tay. Những đồ thờ bát bửu, bát kích trên đây tượng trưng cho tài văn võ song toàn của thần hay thành hoàng làng, làm tôn vẻ uy nghi của thần. Hai bên hương án còn có hai con hạc cao to đứng trên lưng rùa, tượng trưng cho âm dương hòa hợp và sự trường cửu của thần thánh cùng với dân làng. Lọng, tàn, quạt cũng thuộc vào đồ lỗ bộ.

Tàn thường làm bằng vải hoặc nhiễu, xung quanh thêu “lưỡng long chầu nguyệt” hoặc “cửu long tranh châu”, được khâu tròn lại như một cái lồng, trên lại có một tầng vải hoặc móc nhiều làm đỉnh trần, ở giữa có cán cầm. Quạt thường được làm khung bằng gỗ khá to, căng vải, nhiễu, cũng có thêu, có tay cầm hơi chếch với mặt quạt. Khi rước kiệu thần, người cầm quạt che ở hậu bên trên kiệu, vì to nên được gọi là quạt vả. Lọng thì như một cái dù to ngày nay, cán làm bằng một khúc tre cây dài từ 2 đến 2,5 m, khi bật lên thì nóc lọng là một hình tròn để che mưa nắng cho thần. Lọng thường làm bằng giấy phất hoặc vải, xung quanh có các tua chỉ ngũ sắc hay kim tuyến. Ngoài ra, trong đình, đền, nếu thờ dương thần còn có ngựa thờ làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, dưới chân ngựa có bánh xe tròn nhỏ bằng gỗ để khi rước có thể đem theo. Nếu thờ âm thần, thì có võng cáng cũng được làm rất đẹp.

Ngoài các thứ trên ra, đình đền thờ thần còn có cờ ngũ hành. Cờ ngũ hành là năm lá cờ làm cùng một kiểu, năm lá có năm màu khác nhau, mỗi màu thuộc về một phương, mỗi phương thuộc về một hành. Màu xanh là phương Đông, thuộc về hành MỘC; màu trắng là phương Tây, thuộc về hành KIM; màu đỏ là phương Nam, thuộc về hành HOẢ; màu đen hoặc huyền là phương Bắc, thuộc về hành THUỶ; màu vàng là trung ương, thuộc về hành THỔ. Cờ ngũ hành thường làm năm lá, có khi làm mười lá hình chữ nhật lệch, một bên xâu vào cán cờ, còn ba bên đều làm đường hoả, giữa cờ để trơn, có khi thêu rồng phượng. Thần còn có một cờ lệnh, to gấp bốn hay sáu lần cờ ngũ hành, dùng để kéo lên trên cột cờ cao ở sân đình mỗi khi có lễ hội. Ngoài ra, còn có cờ đuôi nheo, là một lá cờ nhỏ chỉ bằng một phần ba cờ ngũ hành, hình đuôi nheo. Khi có rước thần, thì một người chỉ huy cầm cờ đó làm hiệu lệnh cho những người mang các nghi vệ trong các đình thường có kiệu để làm lễ rước thần. Các kiệu làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, số kiệu nhiều ít tùy theo số thần thờ trong đình thường được cất giữ ở gác nhà tả mạc và hữu mạc. Về nhạc khí, đình thường có một trống cái (to) đánh lên những khi mời làng ra họp hoặc tế lễ hội hè, chiêng, khánh hoặc mõ đại làm bằng cả một cây gỗ to được khoét rỗng giữa.

Nghi trượng của thần thờ ở các đình, đến làng không giống nhau tùy theo thần, thành hoàng được thờ. Nếu thành hoàng là các vị vua đời trước như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành… thì sửa sang đồ nghi trượng y như của vua dùng, còn nếu thờ các vị trung thần nghĩa sĩ thì tùy theo quan chức mà sắm sửa, song cũng có vị thần, nguyên chỉ là quan nhưng do được vua phong vương nên dân làng cũng sắm sửa đồ nghi trượng như của vua cũng vẫn được.

Đại bái thường được xây to, gồm đến bảy gian hay chín gian. Trước hương án ở trung đình là nơi các chức sắc trong làng tế thần, thường được trải chiếu hoa khi có tế và là nơi diễn các tích chèo sân đình, hát ca trù, nơi các quan viên ngồi gõ trống chầu thưởng thức… Hai bên nhà đại bái là tả gian và hữu gian, thường được đóng sàn gỗ, dùng làm nơi hội họp, chia phần làng, ăn cỗ, dân làng ngồi theo thứ bậc cao thấp, tiên chỉ và các chức dịch như lí trưởng, chánh hội… ngồi chiếu trên, bạch đinh ngồi chiếu dưới.

Kiến trúc nhỏ phía sau gọi là đình trong, hậu cung hay nội điện. Đây là chốn thâm nghiêm, nơi thờ tự chính của ngôi đình, người bình thường không được bước vào, cũng gọi là cung cấm. Trong nội điện có bầy bài vị của thành hoàng làng, đặt trong một long ngai hay long khám. Trước long ngai là một hòm đựng sắc phong của thần. Trên hương án cũng đặt một bình hương và các đồ thờ cúng.

Trước đại bái là sân đình, hai bên tả hữu của sân đình thường xây hai dãy nhà nhỏ gọi là tả mạc và hữu mạc, dùng làm nơi sửa sang dọn lễ trước khi dâng lễ vào nhà đại bái.

Trước sân đình là cổng, có nơi xây tam quan. Nhiều tam quan cũng được xây đắp rất đẹp, có các cột trụ biểu; hai bên vách tường thường đắp các con rồng, con cọp hoặc vẽ hai võ tướng cầm long đao dáng vẻ dữ tợn như để bảo vệ cho chốn linh thiêng. Cũng có nơi vẽ ngựa, vẽ voi hoặc làm voi đá đứng hai bên. Trên đầu hai cột trụ thường đắp hai con sấu sành gắn các mảnh gốm.

Dưới sự khống chế lũng đoạn của bọn cường hào, nơi đình trung ở làng quê Việt Nam trước đây đã diễn ra bao hủ tục, thảm cảnh làm cho người nông dân lao động càng thêm khổ sở vì việc tế thần mà nhiều nhà văn, như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… đã miêu tả.

Đền cũng là một kiểu kiến trúc để thờ thần nhưng không phải là nơi thờ thành hoàng. Thành hoàng chỉ được thờ ở đình. Mỗi làng chỉ có một đình nhưng có thể có nhiều đền. Đền chỉ dành riêng cho việc phụng thờ tế lễ, đình là nơi thờ vong, với chức năng là nơi hội họp của làng; vì vậy đình có cấu trúc to lớn, còn đền thường nhỏ bé hơn đình. Khi tế thần, dân làng rước thần từ đền về đình; đền mới là nơi “thường trú” của thần, chỉ ngày lễ ở đình thì thần mới giáng lâm. Đình thường được xây dựng ở nơi trung độ, tiện cho dân làng hội họp, còn đền thường được xây ở gần nơi gò cao, nơi thần có liên quan đến sinh sống lúc đương thời, đóng quân, hóa (nhất là đối với nhân thần). Đền được cấu trúc cũng giống như đình, cũng có nội điện (nhà hậu cung) và đại bái (thượng điện) nhưng với quy mô nhỏ. Hai bên tả hữu thường hẹp, có đặt nhiều bàn thờ để người đến lễ bày lễ vật dâng hương.

Hầu hết các đình đều không có tượng thần hay thành hoàng. Chỉ có ở đền mới có tượng thờ. Cũng có đền thờ bao nhiêu thần thì có bấy nhiêu tượng. Ngoài tượng thần chính, ở các đền cũng còn có tượng là bộ hạ. Tượng thần chính được bày ở chẽ cao nhất chính điện, các tượng phụ được bày ở hàng dưới. Cũng như tượng Phật ở chùa, tượng thần cũng được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, đá, gỗ hoặc đất. Pho tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh được làm bằng đồng hun ở thế kỷ 17, có chiều cao tới 3,5m, nặng tới gần 4 tấn. Tượng tổ sư nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không ở đình Ngũ Xã được tạo bằng gỗ, cao 1.70m. Các pho tượng ở đình, đền được tạc theo công thức cổ điển không khác nhau mấy về hình dáng, có tính tượng trưng ước lệ, ít giá trị mỹ thuật so với tượng Phật. Tuy vậy, thỉnh thoảng vài đình, đền cũng có những pho tượng đạt tới giá trị mỹ thuật và kỹ thuật thủ công cao.

Đình, đền cũng thường có dựng bia; đền Bạch Mã có 15 bia, đền Quán Thánh có 6 bia, đền Đồng Nhân có 9 bia, các đình Kim Liên, Yên Phụ, Quan Nhân, Công Đình… cũng đều có bia. Nội dung của bia đình, đền ghi lại công đức của thần, việc xây dựng trùng tu qua các thời kỳ, những người đã góp công đức cho việc tu tạo. Người góp tiền và ruộng nhiều thường được dựng làm hậu thần; trong các bia cũng ghi ngày tế lễ thần cùng sổ ruộng tự điền. Các bia dựng ở đền thờ tổ nghề thường ghi rõ các họ của làng nghề từ nơi khác đến kinh đô lập nghiệp và ông tổ nghề. Có bia đình ghi lại sắc vua ban cho cả làng, như bia đình làng Phú Thị ghi việc chúa Trịnh ban cho làng biển “TRUNG NGHĨA.” Có bia đình ghi lại ranh giới ruộng đất giữa hai làng, như bia đình xã Thanh Trí và Thắng Trí (huyện Sóc Sơn) hoặc giới hạn của rừng (Thanh Trí, Sóc Sơn). Cá biệt có đình còn lưu giữ quyển sách đồng như ở đình Mai Phúc, xã Gia Thụy, huyện Gia Lâm. Sách gồm 12 lá đồng thau khổ 18 x 34 cm, được đóng lại bằng dây đồng, nặng khoảng 1 kg. Mỗi trang có 7 đến 8 dòng chữ, mỗi dòng có từ 5 đến 25 chữ, tổng cộng khoảng hơn 2000 chữ. Nội dung ghi lại sự tích 2 vị thần thời nhà Đinh là Xuân Vinh và Luân Nương, là 2 anh em ruột đã có công dẹp loạn 12 sứ quân; hai thần thông minh, dũng cảm, tài ba; ghi cả ngày sinh, ngày hóa của 2 vị.