TỤC THỜ CÚNG – Ý nghĩa, Cách thờ, Nơi thờ

Vấn đề Thờ

Thờ nghĩa là thể hiện, bày tỏ sự tôn kính của mình lên các bậc tiền nhân, các đức thánh mà mình đã dâng trọn niềm tin, như thờ Phật, thờ Chúa, thờ Tổ quốc, thờ gia tiên… Con người đã có dòng họ tông môn thì phải có bàn thờ gia tiên. Con người có giống nòi chủng tộc thì phải có bàn thờ Tổ quốc. Tín đồ có tín ngưỡng tôn giáo thì phải có bàn thờ đức giáo chủ của mình.

Chúng ta thờ gia tiên là để tri ân và báo ân các bậc cha ông đã góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo xã hội và dòng họ. Chúng ta thờ Tổ quốc là để tri ân và noi gương các bậc anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự sống còn của giống nòi. Chúng ta thờ Phật là để quy ngưỡng hướng về các bậc đã giác ngộ và giải thoát, nhờ các Ngài dẫn dắt chúng ta và chúng sinh vững vàng đi trên con đường thánh thiện. Bàn thờ gia tiên không được thiết lập làm biểu tượng thì con cháu không biết nương vào đâu để thể hiện lòng hiếu thảo đối với gia tiên. Bàn thờ Phật không được an vị trang nghiêm thì đệ tử cũng chẳng biết nương tựa vào nơi nào để bộc lộ lòng tôn kính đối với bậc Thầy chứng ngộ. Khác nào trên mộ không có đặt vòng hoa tưởng niệm, thì những người còn sống làm sao tỏ bày được lòng tri ân đến những người đã hy sinh vì đại nghĩa. Con người cần phải có điểm tựa để an tâm, mặc dù điểm tựa đó bằng bất cứ hình thức nào.

Có thể nói rằng, nghi lễ, cung cách thờ cúng rất cần thiết cho việc tu thân, giáo dục gia đình và hướng dẫn con người làm tròn bổn phận trong xã hội loài người, nhất là con người ở vào thời đại văn minh. Vậy thờ thế nào cho đúng nghĩa?

Ý nghĩa của việc thờ:

Khi thờ nhân vật nào đó, thì nhân vật ấy phải thể hiện được ý nghĩa sống qua vật thể biểu tượng được thờ. Một vật thể biểu tượng cho nhân vật được tôn thờ phải thể hiện giá trị tinh thần qua “Tâm ấn sắc” và “Sắc ấn Tâm.” Một vật thể biểu tượng tinh thần “Tâm ấn sắc” và “Sắc ấn Tâm” sẽ trở thành vật linh, làm môi trường giao cảm giữa người thờ và nhân vật được tôn thờ. Vậy “Tâm ấn sắc” và “Sắc ấn Tâm” là gì?

    • Tâm ấn sắc: “Tâm” là tiếng Phạn, Citta, nghĩa là tâm linh của mỗi con người. Tâm linh này vẫn hiện hữu trong con người khi xa lìa tất cả đối tượng và có khả năng tư duy để quyết định mọi việc. Nói cách khác, tâm con người vẫn sinh hoạt suy tư khi tất cả đối tượng không còn hiện hữu. “Ấn” là in vào, hay quyết định. Nhưng ở đây nghĩa là dùng tâm in sâu vào vật nào đó khiến vật đó trở thành vật linh. “Sắc” là sắc chất, chỉ cho một vật thể được dùng làm biểu tượng để tôn thờ như hình giấy, tượng cốt, ấn dấu, pháp khí, đồ hình, lá bùa, khăn ấn…
    • Sắc ấn Tâm: Là một vật thể được in sâu vào trong tâm linh của con người, và hình bóng vật thể đó làm khởi điểm trợ duyên cho tâm linh giao cảm bằng cách nhớ nhung, hồi tưởng, tưởng niệm.

Cũng từ tinh thần “Tâm ấn sắc” và “Sắc ấn Tâm,” người có tín ngưỡng phát tâm thờ Phật hoặc thờ gia tiên trong nhà thường rước sư thầy đến làm lễ an vị để bàn thờ trở thành vật linh làm biểu tượng cho sự cầu nguyện.

Cách thờ:

  • Thờ gia tiên là tấm lòng thể hiện sự báo ân của ông cha đã đóng góp cho dòng họ, cho tông môn một sự nghiệp tinh thần, một ý sống của con người nhằm giúp con cháu vươn lên trong xã hội. Thờ Tổ quốc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã hy sinh để giành lấy giang sơn và noi theo gương sáng đó để bảo vệ giống nòi, xây dựng đất nước thanh bình, phồn vinh. Thờ Phật là noi theo trí tuệ giác ngộ, đức hạnh từ bi, và ý chí dũng mãnh của các bậc giác ngộ để rèn luyện bản thân, giải thoát khỏi khổ đau luân hồi.

Nơi thờ:

Theo quan niệm, con người cần phải có xương sống mới đứng vững, cây cỏ phải có gốc rễ mới tồn tại. Vì vậy, trong một ngôi nhà, cột chính (cột cái) thường được chọn làm nơi thờ gia tiên. Người xưa thường chọn gian giữa của ngôi nhà để làm nơi thờ cúng gia tiên.

Giá trị nơi thờ:

Dù thờ Phật hay gia tiên, giá trị thiêng liêng nơi thờ phải được thể hiện qua sự trang nghiêm, thanh tịnh. Bàn thờ không nên bị xem nhẹ hay bày bừa lộn xộn. Việc thờ cúng không phải là mê tín dị đoan mà là truyền thống văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc.

Tục thờ cúng là một truyền thống văn hóa quý báu cần được giữ gìn và thực hiện đúng cách để giáo dục con cháu và duy trì sự gắn kết tâm linh với tiền nhân.