Lễ hội Hoa Ban là một trong những lễ hội quan trọng của đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu, được tổ chức vào ngày 13 tháng Hai âm lịch hằng năm, khi tiết xuân bắt đầu ấm lên. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa là ngày hội của tình yêu và hạnh phúc, tưởng nhớ đến sự tích tình yêu của đôi trai gái dân tộc Thái, mà còn là dịp để bày tỏ đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ, thỉnh cầu Thần Rừng, Thần Hang ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau mùa mưa, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng, người Thái ở Tây Bắc bắt đầu đi trẩy hội.
Lễ hội Hoa Ban bắt nguồn từ một sự tích của dân tộc Thái. Truyện kể rằng, nàng Ban là một cô gái xinh đẹp nhưng bị bệnh đậu mùa, nên nàng không lấy chồng mà lên hang Thẳm Lé (nay thuộc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn) sinh sống. Cuối cùng, nàng kiệt sức ở đó. Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa có búp trắng như búp tay người con gái và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp vùng Tây Bắc. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoa ban lại nở trắng núi rừng Tây Bắc và người Thái khắp vùng Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng, đều háo hức đi trẩy hội.
Ngày hội Hoa Ban sôi nổi với những trò diễn độc đáo. Tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng hòa vang rộn rã. Con trai thổi khèn, con gái dập dìu múa điệu múa hái hoa. Ngày hội Hoa Ban còn là dịp để đôi lứa gặp nhau, hò hẹn, tâm tình. Các chàng trai ngắt những bông hoa ban đầu xuân đẹp nhất cài lên mái tóc của người mình yêu; các cô gái e ấp, thẹn thùng nép mình dưới những tán cây ban xanh non để cùng nhau du xuân, trẩy hội và giao ước.