Lễ Hội Chùa Vĩnh Ngiêm (Bắc Giang)

Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương, được ví là một danh lam cổ tự đứng đầu trong thiên hạ. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Lịch sử phát triển của chùa gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Chùa thờ ba vị Trúc Lâm tam tổ từng trụ trì và mở trường thuyết pháp tại đây là: Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, và Thiền sư Huyền Quang. Vì thế, chùa được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là trung tâm Phật giáo thời Trần.

Chùa hiện có bảy khối kiến trúc chính: Cổng tam quan, Tòa tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ đệ nhị, Hai dãy hành lang đông tây và Khu vườn tháp. Năm 1964, chùa được xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia. Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng Phật, các bia đá, hoành phi, câu đối, đồ thờ,… Đặc biệt, kho Mộc bản với 3.050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2012.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, còn được gọi là Hội chùa La, được tổ chức vào ngày 14 tháng Hai âm lịch hằng năm, tại thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị sư tổ có ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch trong và ngoài nước. Vì đây là hội chùa nên yếu tố “hội” ít, mà tính chất lễ giỗ nhiều hơn.

Trong phần Lễ, phần long trọng nhất là đám rước của ba làng La Thượng, La Trung và La Hạ thuộc xã Trí Yên. Đi đầu mỗi đám rước là các loại cờ quạt, chấp kích, gươm trường, bát biểu, tiếp theo là kiệu, trên mỗi kiệu là các loại đồ thờ cúng như: hương hoa, bánh kẹo, lễ vật, hoa quả,… Đối tượng tham gia rước kiệu là những thanh niên chưa có gia đình, có tư chất đạo đức tốt. Đi sau đoàn rước kiệu là các cụ ông, cụ bà trong trang phục áo dài, khăn xếp, và các đoàn thể nhân dân. Ba đoàn rước của ba làng xuất phát từ làng mình, tiến về khu vực chùa. Đến cửa chùa, đoàn rước của làng La Thượng, với tư cách là anh cả, sẽ rước kiệu vào khu vực tiền đường. Đồ trên kiệu được hạ xuống và bày lên ban thờ ở Tam Bảo để làm lễ cúng Phật. Sau khi đoàn rước của làng La Thượng đã vào trong Tam Bảo và dâng hương xong, đoàn rước của làng La Trung mới tiếp tục hành rước vào Nhà tổ đệ Nhất. Sau khi lễ cúng Tổ của làng La Trung kết thúc, mới đến lễ cúng Tổ của đoàn rước làng La Hạ, tiến lễ vào Nhà tổ đệ Nhị. Nghi lễ dâng hương và đồ thờ cúng của hai làng La Trung và La Hạ được thực hiện tương tự như làng La Thượng.

Bên cạnh phần Lễ là phần Hội với nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa – văn nghệ và thể thao thu hút đông đảo du khách thập phương như: đánh đu, cướp cờ, đấu vật, múa dưỡng sinh, đấu vật cổ truyền,…

Văn hóa ẩm thực là một trong những nét văn hóa độc đáo không thể thiếu trong ngày lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm. Các món ăn được lựa chọn để cúng tổ bao gồm: giò lụa, chả hấp, chả chìa, thịt gà, chuối nấu ốc,… Tất cả đều được chế biến từ những nguyên liệu như: đỗ tương, đỗ xanh, lạc, bột mì, bột nếp, bột canh, mì chính,… Từ những nguyên liệu thông thường, nhưng dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đảm đang, các món ăn như: chả chìa, chả sợi, chả hấp, thịt gà, giò lụa,… được chế biến và bày biện rất bắt mắt.

Trong những ngày hội, các vị sư trụ trì trong chùa còn lập đàn giảng quy để con hương, đệ tử và khách thập phương hiểu thêm về đạo Phật. Với những giá trị lịch sử văn hoá to lớn, chùa Vĩnh Nghiêm luôn là chốn tổ để khách thập phương tìm về gửi gắm tâm linh, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp.

Nhằm ghi nhận và tôn vinh giá trị tinh thần cao đẹp đó, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL ngày 9-9-2013.