Lễ Hội Cướp Cầu Vùng Yên Thế (Bắc Giang)

Hằng năm, cứ vào tháng Giêng âm lịch, các làng Ngọc Cục (Việt Ngọc), Kép Thượng (Lam Cốt), Phúc Lễ (Phúc Hòa), Làng Lý (Ngọc Lý),… thuộc miền hạ Yên Thế, nay là huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang lại mở hội cướp cầu mừng xuân.

Hình thức tổ chức tùy theo làng lớn, làng nhỏ mà cách làm khác nhau. Làng nhỏ chia làm hai giáp, làng vừa thì bốn giáp, theo lượng người mà phân chia. Những trai đinh dự thi thường là người cường tráng, nhanh nhẹn. Hình thức trang phục tùy thuộc sự quy định của từng làng. Có làng cho người dự thi cởi trần, đóng khố lụa đủ màu sắc xanh đỏ sặc sỡ, tay cầm một chiếc móc có cán dài. Có làng lại để cho trai đinh mặc quần áo, chít khăn màu trên đầu, ngang lưng thắt bao lụa các màu rực rỡ, tay không dùng để cướp cầu.

Địa điểm cướp cầu có khi là sân đình, là bãi rộng cửa đình, hay bãi rộng bên đình. Vào giờ lễ hội cướp cầu, trai đinh các giáp vạm vỡ trong trang phục nhiều màu sắc rực rỡ, khỏe khoắn, đứng tề chỉnh, trang nghiêm trước sân đình với khí thế hừng hực, quyết thắng.

Quả cầu được sơn son thiếp vàng, màu sắc rực rỡ, hấp dẫn. Khi hiệu lệnh bắt đầu, trai các giáp xô nhau ngăn chặn, luồn lách để tranh cướp lấy được quả cầu đỏ, ôm vào lòng. Quá trình tranh giành, đua chen này khá quyết liệt, đòi hỏi không chỉ có lực, mà còn phải có trí, có mưu, dũng mãnh mới mong giành phần thắng. Trong khi đó, chiêng trống của làng giục giã liên hồi, rộn ràng, sôi nổi, dân làng của các giáp đứng quanh đông đảo, vòng trong, vòng ngoài.

Cuối cùng, trai đinh giáp nào cướp được cầu đều ôm chặt lấy, chạy đặt được vào trong cung đình là thắng cuộc. Quả cầu được đặt đúng vị trí tôn nghiêm. Cả giáp, cả làng, cả hội đều vui sướng. Tiếng chiêng, trống rền vang dồn dập, liên hồi, mọi người đều reo hò, hân hoan, sung sướng. Giáp thắng cuộc được làng thưởng và mừng vì năm ấy cả làng, cả giáp gặp may, bình an, làm ăn phát đạt, giàu sang, thịnh vượng.