HOÀNH PHI
Vào mỗi nhà thờ, ta thường thấy những tấm biển gỗ treo cao nằm ngang trên mé trước giường thờ, chiều ngang chiếm suốt gian nhà khoảng ba thước, chiều cao từ một thước đến thước hai, có khắc những chữ thật lớn, thường là ba hoặc bốn chữ.
Những biển gỗ này chính là những bức hoành phi. Có bức hoành phi sơn son chữ vàng, có bức sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có bức sơn son hoặc sơn đen chữ khảm xà cừ. Có những bức hoành phi hình cuốn thư.
Những nhà nghèo không có hoành phi bằng gỗ thường dùng những tấm cót đóng nẹp rồi dán lên những tấm giấy đỏ có viết đại tự, treo thay hoành phi gỗ.
Những chữ viết trên hoành phi thể hiện lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên, hoặc ghi tụng công đức của tổ tiên.
Dưới đây là những chữ đại tự thường thấy trên các bức hoành phi:
- KÍNH NHƯ TẠI: Nghĩa là con cháu kính trọng tổ tiên như tổ tiên lúc nào cũng tại vị trên bàn thờ.
- PHÚC MÃN ĐƯỜNG: Nghĩa là gia đình đầy đủ phúc đức.
- BÁCH THẾ BẤT THIÊN: Nghĩa là con cháu đời đời sống đúng mực, không thiên lệch, v.v.
Có gia đình chỉ treo một bức hoành phi trên bàn thờ tổ tiên, nhưng có gia đình sung túc treo đến hai, ba bức, viết theo hai, ba lối chữ khác nhau, như chân, thảo, triện, lệ, mỗi bức một lối chữ và một câu khác nhau.
Trên bức hoành phi, ngoài những chữ đại tự, còn có ghi niên hiệu, năm làm vào mùa tháng nào, hoặc tên tuổi của người con cháu đã cúng dâng bức hoành phi. Trường hợp hoành phi có ghi tên người cúng thường là hoành phi tại các nhà thờ Tổ họ hay Trưởng chi họ.
CÂU ĐỐI
Nếu trên cao bàn thờ có treo những bức hoành phi, thì ở cột hoặc tường nhà thờ có treo những câu đối, khắc trên gỗ sơn son thếp vàng hoặc sơn đen khảm xà cừ. Nhà nghèo thường treo những dải liễn hoặc những tờ giấy hồng có viết những câu đối.
Nhiều nhà có treo những câu đối rất quý, làm từ nửa cây gỗ đã được xẻ đôi, sơn son hoặc sơn đen, có thếp vàng hoặc khảm trai với những hàng chữ.
Giống như các bức hoành phi, đại ý các câu đối cũng nhằm tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên và xưng tụng công đức của tổ tiên. Cũng có những câu đối miêu tả sự an nhàn mà con cháu đang hưởng, thường treo ở gian bên cạnh bàn thờ, nơi gia trưởng tiếp khách.
Xin chép ra đây một số câu đối thường thấy tại các gia đình:
Tổ Tông công đức thiên niên thịnh
Từ hiếu tôn hiền vạn đại xương.
Lược dịch:
Công đức tổ tôn nghìn năm thịnh
Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay.
Đôi câu đối này nhà nào treo cũng được.
Đôi câu đối sau đây treo tại nhà thờ một gia đình xưa ông cha đã có một sự nghiệp:
Tiên tổ phương danh lưu quốc sử
Tử tôn tích học nối gia phong.
Lược dịch:
Tiên tổ danh thơm ghi sử nước
Cháu con tích học nối cơ nhà.
Một câu đối khác treo ở gian nhà chơi hoặc gian bên cạnh giường thờ, nơi tiếp khách, miêu tả sự an nhàn của con cháu:
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cánh trường sinh.
Lược dịch:
Phong ảnh thanh cao xuân mãi mãi
Thần tiên vui thú cảnh đời đời.
Dưới đây là một đôi câu đối thông dụng khác thường thấy ở bàn thờ bất kỳ gia đình nào, được các ông đồ nho viết thuê vào dịp Tết:
Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh
Lộc tiến vinh hoa phú quý xuân.
Những đôi câu đối và mẫu chữ trên hoành phi được nêu ra đây chỉ để làm ví dụ, giúp bạn đọc có một ý niệm sơ lược về những chữ đại tự và những câu đối treo tại các nhà thờ tổ tiên.
Những đôi câu đối và các bức hoành phi này thường được ghi bằng chữ Hán, nhưng cũng có nhiều nhà dùng câu đối Nôm, có khi cả hoành phi cũng bằng chữ Nôm.
Thường thì những câu đối treo tại nhà thờ tổ tiên cũng như các bức hoành phi sẽ thay đổi tùy theo hoàn cảnh và địa vị của gia trưởng, và tùy theo sự nghiệp của ông cha.