Nhà thờ nào cũng có cuốn sổ để ghi chép thế thứ trước sau của tổ tiên và mọi người trong nhà. Đó là cuốn Gia phả.
Trong gia phả, mỗi vị tổ tiên đều được ghi rõ ngày tháng sinh tử, chức tước, có khi ghi cả tính tình và sở thích của mỗi vị lúc sinh thời. Vị nào sinh ra những ai, ngành trưởng, ngành thứ là những ai, đều được ghi hết.
Gia phả thường được viết trên giấy sắc, với lối viết tinh tế, nghĩa là viết một cách rất cẩn trọng, để tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Nhà đại gia, có công lao với dân với nước, trong gia phả còn ghi chép rõ công trạng của tổ tiên: sinh tại đâu, táng tại đâu, có được nơi nào thờ phụng làm phúc thần, mất trong hoàn cảnh nào. Trong trường hợp này, gia phả được coi như một quyển sử ký của gia đình.
Gia phả được lưu giữ tại nhà thờ, cất trong lòng khám, hoặc để vào một chiếc hộp riêng trên giường thờ.
Những dòng họ lớn thường sao chép hoặc in gia phả thành nhiều bản để chia cho mỗi nhánh họ một bản, để con cháu có thể biết về lịch sử và sự tích của tổ tiên.