Bàn Thờ Gia Tiên và điều lưu ý khi cúng lễ

Đã tới ngày giỗ không thể không nói tới bàn thờ, vì bàn thờ chính là nơi được thiết lập ra để cúng giỗ.

Xưa kia, tại mỗi gia đình Việt Nam theo Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, tin vào sự bất diệt của linh hồn, lấy sự thờ phụng tổ tiên làm điều hiếu, trong nhà đều có bàn thờ tổ tiên, tuy bàn thờ có sơ sài hơn xưa. Cũng có nhiều nhà sống trong hoàn cảnh chật chội, không thể thiết lập được bàn thờ đúng theo cổ tục, cũng lo đóng một chiếc trang trên tường, hoặc chế biến một mặt tủ thành một bàn thờ tạm thời để tiện việc cúng lễ gia tiên.

Ngoài bàn thờ gia tiên ở chính giữa ngôi nhà chính, thường gọi là nhà trên, gia đình Việt Nam còn có nhiều bàn thờ khác: bàn thờ Thổ công, bàn thờ Thánh sư, cũng có nơi gọi là Nghệ sư hoặc Tiên sư, bàn thờ Bà cô, Ông mãnh, bàn thờ Thần tài, bàn thờ Tiền chủ, v.v…

Những gia đình theo Phật giáo lại có bàn thờ Phật, những người tin theo đồng bóng có thêm bàn thờ Chư vị, hoặc lập hẳn một ngôi điện tại một gian nhà riêng để thờ thay cho bàn thờ Chư Vị; những thầy phù thủy thường lập một tĩnh, một am để thờ Thái Tượng Lão Quân, Độc Cước Thần, có thầy thờ thêm Tề Thiên Đại Thánh, Trương Thiên Sứ, v.v…

Nhiều gia đình lại có cả bàn thờ Đức Trần Hưng Đạo để ma quỷ khỏi tới lui ám ảnh và cũng có nhà thờ Đức Thánh Quan tức là Quan Vân Trường đời Tam Quốc, người đã hiền thánh. Mỗi bàn thờ trang trí một lối khác, không bàn thờ nào giống bàn thờ nào, tuy về đại cương trông các bàn thờ có vẻ giống nhau, mỗi bàn thờ đều có bình hương, bài vị và những tự khí thông thường như ống hương, đèn nến, v.v…