Trước tiên, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, giống như một thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, hương là tinh tú. Từ những đặc tính cơ bản này, người Việt đã hội tụ vào bàn thờ nhiều hình tượng phụ mang tính thiêng liêng khác.
Có thể kể tới một trục vũ trụ là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu vươn lên trong bát hương. Trục này mang ý nghĩa tinh thần, được coi như gạch nối giữa trời với đất, cho âm dương đối đãi đem tới một nguồn hạnh phúc. Hai bên bát hương, phía sau hai cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh một bông lớn. Hai cành hoa này tượng trưng cho dương (hoa vàng bên trái) và âm (hoa bạc bên phải).
Nhiều gia đình còn đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ, phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Những nhà giàu có, đằng sau bát hương thường có đỉnh trầm bằng đồng trang trí nhiều hình được thiêng liêng hóa như lư ở đỉnh, tượng trưng cho sự thông minh, sức mạnh, để kiểm soát tâm hồn người hành lễ; hổ phù mang tư cách cầu no đủ; cây trúc biểu hiện tính quân tử.
Cành đào được cắm trên bàn thờ có huyền lực trừ ma tà và mọi xấu xa, màu đỏ chứa một sinh khí lớn lao. Vì thế, hoa đào thắm là lời cầu nguyện và lời chúc phúc đầu xuân. Việc cầu phúc đôi khi được hội vào lọ cắm một cành hoa tre, nhuộm ngữ sắc gần giống như cây đũa trên bát cơm cúng cho kiếp đời đã qua. Ở nhiều nơi, trên bàn thờ còn có khảm (gần giống chiếc am nhỏ, bằng gỗ có cánh cửa đựng bài vị gia tiên) được chạm trổ vân tứ linh long, ly, quy, phượng cùng hoa cỏ thiêng…
Những gia đình nông thôn nghèo, không có khảm, người ta thường treo lên tường phía trên bàn thờ một tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư… để cầu sự no đủ, đồng thời làm sáng, ấm ngôi nhà.
Những nhà theo đạo Phật ít bày đồ mặn trên bàn thờ chính, mà thường đặt thấp hơn để tránh sự uế tạp và để hồn gia tiên dễ siêu thoát. Cây mía được đặt ở bên bàn thờ tượng trưng cho chiếc gậy để các cụ trở về vui với con cháu.
Thực ra, từ xưa, cây mía đã là cây linh thiêng gắn với câu chuyện tạo thiên lập địa của cư dân hải đảo. Mía được du nhập vào đất Việt, trở thành một thứ trục vũ trụ, gạch nối tầng trên với tầng dưới, để dẫn linh hồn gia tiên từ trên trời về với con cháu. Khi phát hiện ra lửa, người ta nhận thấy chỉ có khói bay lên và dần dần khói lửa đã đi vào hội lễ, từ đó nảy sinh nến và hương trong thờ cúng. Trước bàn thờ, người ta thường thắp 2 ngọn nến tượng trưng cho hai vầng nhật nguyệt, tiếp đó là một nén tâm hương để hướng tới mọi điều tốt lành, vì tâm hương có nghĩa là ngũ hương. Nhưng cũng có nhiều người thắp 3 nén hương nhằm cầu cho một sự việc nào đó được tiến triển, vì số 3 lẻ dẫn tới chuyển động, biến đổi, phát triển. Hướng bàn thờ cũng được người Việt rất quan tâm. Thông thường, hướng nhà theo đạo Phật thì hướng nam là nơi của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí.
Nhiều khi cũng đặt bàn thờ hướng tây, vì người ta cho rằng hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an tọa. Suy cho cùng, tất cả vì lòng người, vì một tâm hướng thiện. Bàn thờ gia tiên là vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Người Việt hiểu sâu sắc rằng có quá khứ mới có hiện tại và tương lai. Ta nhìn vào nơi thờ gia tiên để thấy truyền thống và vẻ đẹp văn hóa dân tộc.
Thông thường, bàn thờ gia tiên được bố trí ở gian giữa của ngôi nhà, cũng có thể bố trí ở gian bên trái từ ngoài sân nhìn vào. Những gia đình giàu có, sang trọng thuộc lớp trung lưu thì đồ thờ gồm một bệ tăm sự (một cái đỉnh, cặp chân đèn bằng đồng để cắm nến, hay một bộ “ngũ sự” có thêm lọ độc bình, chân bệ để đèn). Nếu là bộ “thất sự” thì có thêm ống đựng hương, ống cắm đũa, và một nồi hương để cốt trầm. Tất cả đều đúc bằng đồng. Những gia đình khá giả còn có đôi hạc nhỏ cũng bằng đồng. Đồ thờ, nếu không có điều kiện sắm bằng đồng thì làm bằng gỗ tiện và thường sơn đỏ.
Thông thường, người ta chia gian thờ làm ba lớp. Lớp ngoài là bộ phận phản để mọi người đến làm lễ, không đặt phản thì để trống nền nhà; khi cần có thể bày thêm bàn ghế hay trải chiếu. Lớp thứ hai là hương án, trên đặt bộ đồ “tam sự” hay “ngũ sự”. Lớp thứ ba ở trong cùng mới thực sự là bàn thờ người đã khuất, trên để khám sơn son, bài vị, hộp hay ống đựng gia phả, khay đựng vật cúng, đài rượu, và có thể có ảnh chân dung người quá cố.
Ngoài bàn thờ, người ta có che một chiếc màn gọi là y môn. Khi cúng lễ xong, phải bỏ màn xuống để che khuất bàn thờ, một lát sau mới hạ cỗ bàn. Ý nghĩa của hành động này theo quan niệm xưa “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, kính mời các vị gia tiên, ông bà về chung hưởng vật phẩm do con cháu dâng cúng. Khi các ngài “ăn uống”, phải che màn lại, để người ngoài không nhìn thấy.
Ngày xưa, những gia đình giàu có, điền chủ, quan lại, công chức cũ, trong gian dành để thờ tự còn được trang hoàng những bức hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng. Ngoài ý nghĩa trang trí, những thứ bày biện ở nơi đây còn nhằm tăng sự tôn nghiêm, biểu tỏ lòng tri ân của con cháu đối với tiền nhân.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cùng với sự xâm nhập của kinh tế thị trường, văn hóa phương Tây cũng tràn vào thuộc địa. Hiện tượng đô thị hóa dần dần rõ nét. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều ngôi nhà hiện đại theo kiến trúc châu Âu – thường gọi là nhà Tây – của các quan chức, nhân viên làm việc cho Pháp, không chỉ ở thành phố, thị trấn mà cả ở vùng quê. Ở những ngôi nhà này, không gian thờ cúng được bố trí trong những gian phòng, diện tích hẹp. Do đó, đã ra đời một loại tủ thờ được cách tân từ tủ đứng của Pháp, chỉ khác ở chỗ không có hai cánh cửa mở, hay đẩy ở phía trước, mà chỉ có cửa mở ở hai bên hông (có người giải thích cách thiết kế này là nhằm tôn kính gia tiên). Dần dần, kiểu tủ thờ này được “dân tộc hóa” thêm bằng những hoa văn hay hình ảnh mai, lan, cúc, trúc, và sang hơn là cẩm xà cừ, và được nhiều gia đình khá giả ưa chuộng.