Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí Đức Tôn Phần.
Con kính lạy các ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, Chư vị Đại Vương.
Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Long Mạch, Tài Thần, Bản Gia Táo Quân cùng tất cả các vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này.
Con kính lạy Chư Gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên Linh nội ngoại họ …
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm … (âm lịch)
Tín chủ con (chúng con) là: … (đọc rõ họ tên)
Trú tại xã (phường) … huyện (quận) … tỉnh (thành phố) …
Trước án kính cẩn thưa trình:
Đông tàn sắp hết
Năm kiệt tháng cùng
Xuân tiết gần kề
Minh niên sắp tới.
Hôm nay là ngày 30 Tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần, phụng hiến Tổ Tiên, truy niệm chư linh. Theo như thường lệ tuệ trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn Thần, liệt vị Gia Tiên, Bản Xứ Tiền Hậu, chư vị Hương Linh giáng lâm án tọa, phủ thầy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Cúng Giao Thừa
Ý nghĩa:
Lễ Giao Thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên Đán. Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển vận giữa giờ cuối cùng (giờ Hợi) của ngày cuối cùng thuộc tháng Chạp năm cũ với giờ khởi đầu (giờ Tý) của ngày đầu tiên thuộc tháng Giêng năm mới. Ý nghĩa “Tống cựu nghinh tân” được thực hiện triệt để vào giây phút này. Đây là giây phút rất thiêng liêng trong dịp Tết Nguyên Đán. Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của mọi người trong gia đình trong cả năm mới. Vào giây phút ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kị được thực hiện triệt để từ giây phút Giao Thừa tới sáng sớm ngày mồng 1 Tết.
Từ xưa đến nay, thường không gia đình Việt Nam nào bỏ qua lễ dâng hương vào giây phút Giao Thừa. Thời điểm Giao Thừa, người ta thường cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà.
Sắm lễ:
Lễ vật cúng Giao Thừa ngoài trời là những phẩm vật không thể thiếu như: hương, đăng (nến), trầu, rượu, vàng, tiền (hàng mã)… còn cần có thêm đồ chín như thủ lợn luộc (cả cái) hoặc gà trống luộc (cả con, đủ bộ), xôi nếp, bánh chưng…
Lễ vật được chuẩn bị từ trước thời điểm Giao Thừa, đặt trên bàn hay mâm lớn rồi kê trên một cái đôn (không để trên mặt đất).
Tới đúng thời điểm Giao Thừa thì thắp đèn, hương. Nếu viết văn khấn ra giấy để đọc thì ngay sau khi đọc xong sẽ hóa (đốt) giấy cùng với tiền, vàng dâng cúng.