Thờ Cúng Gia tiên Vào Các Lễ Tiết

1. Tết Nguyên Đán (cúng 23/12, cúng 30/12, cúng 1/1)

Tết Nguyên Đán là lễ lớn nhất trong số các lễ, Tết cổ truyền của người Việt Nam. Về mặt triết lý, Tết này là thời điểm giao thái Âm – Dương (hai quẻ Càn – Khôn), là thời điểm giao hòa của Thiên – Địa – Nhân, là bước chuyển vận “Tống cựu, nghinh tân” (cái cũ, vận cũ qua đi, cái mới, vận mới đang tới). Như thế, Tết Nguyên Đán là chuyển giao chu kỳ giữa hai năm: cũ – mới.

Tết Nguyên Đán là dịp Tết của sự sum họp trong mỗi gia đình Việt Nam: sự sum họp của các thành viên mỗi gia đình; sự gặp gỡ của các Gia Thần: Táo Quân, Thổ Công, Tiên Sư; sự trở về của các vong linh tổ tiên. Quan niệm văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam về dịp Tết Nguyên Đán là như thế.

Cúng ngày 23 tháng Chạp

Ý nghĩa của dâng hương “Ông Táo chầu Trời” (23 tháng Chạp):
Trong các vị thần, Táo Thần (thần bếp) là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là tay chân của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà, thường ngày ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người để hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để Ngọc Hoàng thưởng cho cái tốt và phạt cái xấu, cái ác. Trong “Bảo phác tử” của Tấn Cát Hồng còn nói: cứ vào cuối mỗi tháng, Táo Thần lại về trời để phản ánh tình hình nhân gian. Nếu ai có lỗi với Táo Thần (Việt Nam hay gọi là Táo Quân) sẽ bị Táo Quân tố cáo với Ngọc Hoàng; tội nghiêm trọng thì bị cắt bỏ 300 ngày sống, nếu tội nhẹ thì cũng bị cắt 100 ngày sống. Kiểu phạt bằng cách cướp đi thời gian sống của con người, thì ai mà không sợ. Vì thế, dân gian hầu như nhà nào cũng hết sức thành tâm thờ cúng Táo Quân, không dám sai sót. Tất nhiên, mọi người thờ cúng Táo Quân không chỉ vì sợ mà chủ yếu hơn là mọi người muốn cầu xin Táo Quân ban cho mình những điều tốt đẹp. Sách “Hậu Hán thư” có ghi một câu chuyện như sau: Vào năm Hán Tuyên Đế phong tục, có một người tên là Âm Tử Phương nấu cơm vào sáng sớm mồng 8 tháng Chạp (8 tháng 12 âm lịch), Táo Thần đột ngột xuất hiện. Nhà anh ta lúc này chỉ có một con chó, thế là Âm Tử Phương liền giết con chó để cúng Táo Thần (chó được dùng để cúng tế gọi là “Hoàng dương”). Từ đó, Âm Tử Phương luôn gặp vận may, trở thành nhà giàu một cách nhanh chóng. Gia đình anh ta hưng thịnh, làm nhà cao cửa rộng, không chỉ nhà ngói mà còn có ruộng tốt tới 700 khoảnh (đơn vị đo diện tích của Trung Quốc). Ăn thì toàn sơn hào hải vị, mặc thì toàn lụa là gấm vóc. Con cái Âm Thức, Âm Hưng đều sáng láng, được làm quan to trong triều. Tin tức truyền đi, mọi người biết được Táo Thần còn đem lại của cải giàu có cho mọi người, thế là uy phong của Táo Thần càng ngày càng lớn.

Câu chuyện được thêu dệt, nhằm mục đích ổn định trật tự xã hội, buộc dân chúng phải an phận thủ thường. Còn việc dân gian cúng Táo Thần bắt nguồn từ sự sùng bái của loài người đối với “lửa”. Từ thuở hoang sơ, con người chiến đấu với thiên nhiên và học được cách dùng lửa. Lửa đem lại ánh sáng, hơi ấm cho con người. Và nhờ có lửa, con người đã biết cách làm chín thức ăn, khiến cho thể chất con người khỏe mạnh, cường tráng hơn. Lửa dần dần trở thành “Thần” của con người. Họ cho rằng Táo Thần đã ban phúc đức cho loài người. Để lửa không bao giờ tắt, phải được ủ và đốt trong bếp, vì thế thần lửa và thần bếp (Hỏa Thần và Táo Thần) là một.

Đời Hán, đã có cuộc tranh luận về Táo Thần là nữ hay nam. Hứa Thuận dẫn kinh điển nói Táo Thần là nam; Trịnh Huyền thì xuất phát từ thực tế phụ nữ là người nấu bếp, chủ trì việc ăn uống, và cho rằng Táo Thần là nữ. Cuộc tranh luận giới tính của Táo Thần phản ánh quá trình diễn biến của tục thờ cúng Táo Quân từ thời hoang sơ, tiến vào xã hội mẫu hệ, việc quản lý lửa thiêng và dùng lửa để nướng thức ăn, rồi chia cho từng người trong bộ lạc, đều do một phụ nữ có uy tín tối cao trong bộ lạc đảm nhận, vì thế Táo Thần cũng được tạo ra bằng hình tượng nữ tính. Vào thời kỳ phụ hệ, tất cả mọi quyền lực từ tay phụ nữ chuyển sang cho nam giới – giới tính của Táo Thần cũng chuyển từ nữ sang nam. Từ đó, Táo Thần trở thành một vị Thần Linh nam tính đã ăn sâu vào trong lòng mọi người, trở thành một hình tượng sâu sắc nhất trong xã hội phong kiến. Vào ngày này, các gia đình Việt Nam thường làm lễ dâng hương tiễn ông Táo.

Theo tục cổ truyền của người Việt, thì Táo Quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ, hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nhà bếp. Vào ngày này, Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay Ông Trời). Táo Quân cũng còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ nơi gia đình mình cư ngụ và thường được thờ ở nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Vị Táo Quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp phù trợ cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể.

Lễ tiễn ông Táo chầu Trời thường được tiến hành vào chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Sắm lễ:
Không khí Tết nhộn nhịp bắt đầu kể từ ngày “tiễn” Táo Quân về chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 Âm Lịch).

Lễ vật cúng Táo Công gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo Bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Thí dụ:

  • Năm hành kim thì dùng màu vàng.
  • Năm hành mộc thì dùng màu trắng.
  • Năm hành thủy thì dùng màu xanh.
  • Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ.
  • Năm hành thổ thì dùng màu đen.

Những đồ vàng mã này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Công.

Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đ