Ăn có mời, làm cỗ cũng vậy. Đối với người chết cũng thế.
Một mâm cơm dù thịnh soạn và dù có con cái làm, nếu chúng không mời, tất nhiên bố mẹ cũng không ăn.
Cũng như cỗ bàn dù linh đình, đồ lễ dù trang trọng, nếu con cháu chỉ đặt lên bàn thờ mà không thỉnh mời các cụ, ắt hẳn các cụ không phối hưởng.
Ta thường nói “tâm động quỷ thần tri” nghĩa là người có lòng thì quỷ thần chứng giám, nhưng quỷ thần có chứng giám cũng phải có hương đăng và cũng phải thành tâm!
Bởi vậy trong ngày giỗ, con cháu phải khấn mời lễ tổ tiên phối hưởng. Đã nói tâm động quỷ thần tri, lời khấn dù thô sơ, nôm na tới đâu, hương hồn các cụ cũng thông cảm và thụ hưởng những lễ vật của con cháu dâng lên.
Người Việt Nam từ xưa đến nay trọng lễ nghi, mọi trường hợp cúng vái đều có văn khấn riêng.
Ví dụ:
Duy Việt Nam, Nhâm Dần niên Đại Việt đệ tam, thập nhất nguyệt, thập lục nhật.
Kim thần Chu Văn Mỗ, sinh quán Vĩnh Thịnh xã, Tam Dương huyện, Vĩnh Yên tỉnh, cư ngụ tại Sơn Hòa xã, Tân Bình quận, Gia Định tỉnh.
Cẩn dĩ:
Phù lưu thanh chước, mâm bàn cụ vật, thứ phẩm chi nghi. Cảm chiêu cáo vu
Nhân nhật chính kỵ cung thỉnh:
Cao tằng tổ khảo Chu Quý Công, húy Văn Đức, hiệu Tu Ân, thụy Dã Điền, lai chưng giám.
Dịch nôm
Năm Nhâm Dần, tháng mười một, ngày mười sáu,
Nay tôi là Chu Văn Mỗ, sinh quán tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên. Cư ngụ tại xã Sơn Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định.
Thành kính có:
Hương hoa, trầu rượu, cỗ bàn mọi vật.
Dám xin kể ra.
Nhân ngày giỗ chính, xin kính mời
Hương hồn kỳ là Chu Quý Công, húy Văn Đức, hiệu Tu Ân, thụy Dã Điền về chứng giám.
Ngày nay, Hán tự không còn thịnh, khấn giỗ người ta thường khấn nôm, đại ý lời khấn như trên.
Khi khấn đến tên người chết, phải khấn làm rầm rất nhỏ trong miệng để tỏ lòng thành kính. Người xưa kính trọng ai không bao giờ đọc to tên người đó.
Khấn giỗ phải khấn hết tên tục, tên hiệu, tên thụy của người hưởng giỗ.
Tên tục là tên lúc sống vẫn gọi, tên hiệu tức là biệt hiệu, còn tên thụy tức là tên khi người chết hấp hối tự đặt cho mình, để sau này con cháu khi cúng thì khấn tới.
Con cháu lúc khấn giỗ cần phân biệt các hàng kỳ:
- Cụ, ông và cha mẹ.
- Đàn ông khấn chữ “khảo”, còn đàn bà khấn chữ “tỷ”.
- Cao tằng tổ khảo tức là kỳ ông, đối với người khấn là năm đời.
- Cao tằng tổ tỷ tức là kỳ bà.
- Tằng tổ khảo tức là cụ ông, đối với người khấn là bốn đời, hay nói cách khác người khấn tức là chắt.
- Tằng tổ tỷ tức là cụ bà.
- Tổ khảo tức là ông, đối với người khấn là ba đời, hay nói khác người khấn tức là cháu.
- Tổ tỷ tức là bà.
- Hiền khảo tức là cha.
- Hiền tỷ tức là mẹ.
Kể từ đời thứ sáu trở đi, con cháu không phải cúng giỗ nữa.
Trong ngày giỗ, sau khi khấn giỗ xong, phải buông chiếc y môn, tức là bức màn thờ xuống để các cụ hưởng lễ.