Ngoài bàn thờ Gia tiên, bàn thờ Thần tài, bàn thờ Phật, có một loại bàn thờ nữa là bàn thờ Thiên. Nếu có dịp ra ngoại ô thành phố hay về các vùng quê, thăm một gia đình nông dân, bạn thường thấy trước sân nhà, hoặc ngay trước hiên nhà một bàn thờ nhỏ, đơn sơ, không cầu kỳ. Người dân gọi đó là bàn thờ Thiên.
Bàn thờ Thiên được cấu tạo bằng một tấm ván vuông có cạnh khoảng 40cm (hình vuông tượng trưng cho đất – đất thuộc âm), đặt trên một trụ gỗ tròn (hình tròn, tượng trưng cho Trời – Trời thuộc dương). Bàn thờ Thiên mộc mạc, rêu phong đã thể hiện triết lý âm dương của người Việt. Biểu tượng vuông tròn – một biểu tượng có truyền thống lâu đời của người Lạc Việt. Có vuông có tròn tức là có âm có dương. Nói vuông tròn là nói đến sự hoàn hảo và những điều tốt đẹp. Bởi vậy, thành ngữ Việt Nam có câu: “Mẹ tròn con vuông.”
Theo nhịp sống hiện đại, người ta cũng có thể thay thế tấm ván bằng một tấm đan, trụ gỗ thay bằng trụ đúc bê tông và được lát gạch men đẹp đẽ. Bàn thờ không cao lắm, từ mặt đất cho tới mặt bàn thờ cao khoảng 1,5 mét. Trên mặt bàn thờ, người ta đặt một bát nhang, một bình hoa, một chén nước lã hay một ly rượu đế nhỏ. Những cành hoa tươi thắm được trồng trong mảnh vườn cạnh nhà, những nén nhang tỏa hương trầm ngào ngạt nghi ngút và một chén nước tinh khiết, tất cả là những lễ vật biểu hiện lòng thành kính của người dân dâng cúng trời. Mỗi sáng chiều, gia trưởng hoặc bất cứ thành viên nào trong gia đình đứng trước bàn thờ Thiên khấn vái bốn phương trời, mười phương đất, miệng lâm râm cầu khấn trời ban phước cho “gia môn khang thái, phước lộc thọ thành” và không quên nhớ tới tiên tổ, ông bà, cha mẹ. Nghi thức tế trời thật đơn giản, không trống phách ầm ĩ. Bàn thờ Thiên là nơi nối kết con người với trời đất, với tiền nhân và với mọi người.
Bàn thờ Thiên và nghi thức tế trời của người dân mang đậm tính mộc mạc, giản dị, chân thành của đất phương Nam. Người Nam Bộ nói riêng và người Việt nói chung đều gần gũi với đất với trời. Thờ kính, trời như một “Đấng tối cao”, giãi bày tâm hồn mến tin nơi trời, phó thác cuộc sống riêng tư và gia đình nơi trời hằng quan tâm đến cuộc sống của người dân:
“Nhờ trời mưa gió thuận hòa
Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau.”
Người dân không chỉ đơn thuần giao vối đất trời mà quên đi mối tương quan với tha nhân. Người dân Việt vốn sống là sống với nhau, cho nhau và vì nhau. Tình cảm ấy bắt nguồn từ chiếc nôi gia đình. Lòng hiếu thảo với cha mẹ, việc thờ kính gia tiên là truyền thống ngàn năm vững bền của người dân xứ Việt đã đi vào tâm hồn và nếp sống thường nhật của cha ông bao đời. Truyền thống hiếu đễ của dân Việt được nhân rộng ra nơi xóm làng, quê hương và đất nước.