Tháp Bình Sơn tại chùa Then (tên chữ là Vĩnh Khánh tự – chùa Vĩnh Khánh), trước thời Pháp, thuộc phủ Tam Đái, tỉnh Sơn Tây (đời Hồng Thuận 1509-1516). Trải qua nhiều lần cải cách địa giới hành chính, trước năm 2009, tháp Bình Sơn – chùa Then tọa lạc tại xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, từ ngày 30-4-2009, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thành lập huyện Sông Lô, được tách ra từ huyện Lập Thạch. Do đó hiện nay di tích nằm tại thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tháp Bình Sơn là di tích có kiến trúc độc đáo, sáng tạo, nơi hội tụ những tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt Nam cả về vật thể và phi vật thể, cả về Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật còn nguyên vẹn nhất trong số những tháp cổ nhất của nước ta còn tồn tại đến ngày nay.
Được xây dựng từ thời Lý – Trần, cách ngày nay hơn 700 năm, tháp Bình Sơn mang trong mình những nét đẹp của thời gian và dấu ấn lịch sử sâu đậm. Những sự kiện, sự tích bí ẩn về ngôi tháp là điểm tạo sự riêng biệt, thu hút những du khách ham muốn tìm hiểu về dòng chảy lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Tháp Bình Sơn không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn là biểu tượng của Phật giáo. Hình khối, hoa văn được chạm trổ trên tháp đơn giản, khỏe khoắn, đề tài gần gũi với người dân và chứa đựng những thông điệp sâu sắc. Mười ba tầng tháp biểu trưng cho những bước tu hành để lên đến cõi niết bàn của Phật tử. Tháp 13 tầng trong Phật giáo là một dạng tháp tương đối hiếm. Con số 13 là con số biểu tượng cho Phật. Kinh của Phật giáo chia các đối tượng Phật được xây tháp theo mức độ tu hành khác nhau, ứng với số lượng tầng tháp khác nhau. Tháp dành cho A La Hán khoảng 4-5 tầng, tháp dành cho Bích Chi Phật (hay còn gọi là Độc Giác Phật) khoảng 9-11 tầng và tháp dành cho Phật là 13 tầng. Tháp có hình vuông, biểu trưng cho vũ trụ. Gạch xây tháp được làm từ đất đã được nung ở nhiệt độ cao, ghép lại với nhau theo phương thẳng đứng, vừa khít mà không cần vôi vữa. Chính nhờ phương pháp lắp ghép độc đáo, sáng tạo nên tháp Bình Sơn mới có thể trụ vững với thời gian. Phần chân bệ, các viên gạch đúc đều có gờ và mấu, được gắn kết với nhau bằng phương pháp xây gạch khẩu. Phần chân tháp được lắp ghép bằng phương pháp cá chì: trên mỗi viên gạch có một lỗ hình thang, khi xếp hai viên cạnh nhau sẽ tạo ra một mộng, gọi là mộng cá. Thợ xây tháp đổ chì vào mộng cá đó để cố kết hai viên gạch cạnh nhau lại. Đây là một nghệ thuật xây dựng khá độc đáo, thể hiện sự tài hoa và trình độ tinh xảo của người xưa. Trên tháp Bình Sơn còn chạm trổ rất nhiều hình ảnh những cánh sen, bên dưới là hình ảnh sóng nước lăn tăn. Vậy nên cả tòa tháp Bình Sơn được ví như bông hoa sen khổng lồ nở trong ao thất bảo của Phật giáo. Hoa sen là hình ảnh biểu trưng của Phật giáo, tượng trưng cho sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên, chứa đựng đầy đủ các triết lý của Phật giáo về đời người.
Trên cơ sở kế thừa di sản nghệ thuật của thời Lý, nghệ thuật kiến trúc thời Trần đã phát triển theo lối riêng, mới mẻ, mở ra một thời kỳ rực rỡ nữa của Phật giáo. Khác với sự tinh vi, trau chuốt của thời Lý, phong cách nghệ thuật của giai đoạn này đơn giản, khỏe khoắn như muốn thoát khỏi nghi lễ, thể hiện trong từng đường nét chạm trổ sắc nét, gãy gọn, hình dáng kiến trúc chắc chắn, đề tài gần gũi với cuộc sống hiện thực hơn. Tháp Bình Sơn là một minh chứng tiêu biểu. Tháp như nét gạch nối giữa trời và đất, để từ đó những điều cầu nguyện tốt đẹp của con người sẽ đến được với Phật Tổ dễ dàng hơn.
Lễ hội Khu di tích lịch sử Tháp Bình Sơn – Chùa Vĩnh Khánh được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm, gọi là “Lễ hội chùa tháp.”
Với những giá trị về lịch sử kiến trúc nghệ thuật, tháp Bình Sơn có thể coi là biểu tượng cho sự trường tồn, vững bền trước những biến động của lịch sử và tự nhiên. Trải qua bao thăng trầm, ngọn tháp nay vẫn sừng sững giữa trời xanh. Nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị đặc biệt tiêu biểu của tháp Bình Sơn – một trung tâm Phật giáo, nơi khởi đầu của sự dung hội giữa Phật giáo có yếu tố nguyên sơ đầy chất trí tuệ với tín ngưỡng dân gian, ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg, xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt.