Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt nằm trong quần thể của Bảo tàng Quang Trung, thuộc địa phận thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Khu di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, gắn liền với tên tuổi của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, tiêu biểu là vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Ba di tích chính của Khu di tích gồm: Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cây me cổ thụ và giếng nước.
- Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt: Năm 1823, Đình làng Kiên Mỹ được xây dựng trên nền nhà cũ nơi ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ sinh ra, bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn bên cạnh Thành Hoàng làng. Đình bị thực dân Pháp đốt năm 1946. Năm 1958, Đình được xây lại và lấy tên là Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Năm 1998, Đền thờ mới có quy mô to lớn hơn được xây dựng trên nền điện thờ cũ.
Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt có lối kiến trúc theo kiểu chữ đinh, móng xây đá chẻ, vách xây gạch đặc, mái lợp ngói đúc bằng xi măng, diện tích trên 100m². Các án thờ được làm từ gỗ quý, chạm trổ công phu. Án tiền điện là án công đồng, thờ chung các vị trong điện và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn. Án hậu điện, tức Điện thờ chính, có ba gian, chính giữa thờ Quang Trung Hoàng đế – Nguyễn Huệ, bên phải thờ Thái Đức Hoàng đế – Nguyễn Nhạc, bên trái thờ Đông Định Vương – Nguyễn Lữ. Hai bên điện thờ các quan văn võ nhà Tây Sơn, tất cả đều có án thờ và trang trí theo kiểu cung đình ở miền Trung. Hai đầu hồi có giá chiêng, trống để phục vụ tế lễ.
Từ điện chính có nhà dẫn dài 6m, rộng 3m, trước nhà tứ giác. Hai bên có hai hàng cột tròn to trang trí hoa văn rồng mây quấn quanh cột, được đính bằng mẻ chai, chén vỡ nhiều màu sắc. Nhà tứ giác có tượng bán thân Hoàng đế Quang Trung bằng gốm, cao 0,6m, sơn đen, đặt trên bục cao 1m. Trước nhà dẫn có nhà bia hình tứ giác, bên trong đặt một tấm bia xi măng tráng đá mài xanh. Nội dung văn bia ca ngợi thân thế và sự nghiệp của ba anh em Tây Sơn. Lễ giỗ ba anh em nhà Tây Sơn vào rằm tháng 11 âm lịch gọi là “kỵ hiệp” và ngày giỗ trận kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào ngày 5 Tết. Tế lễ được tổ chức trang nghiêm và có đọc văn tế. - Cây me cổ thụ: Nằm ở phía bên trái Điện Tây Sơn, có tuổi thọ khoảng 300 năm, đường kính gốc 3,9m, chu vi tán 30m. Cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận “Cây di sản” vào năm 2011. Cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử, được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn.
- Giếng nước gia đình Tây Sơn Tam Kiệt: Nằm phía bên phải điện, bằng đá ong, có đường kính 0,9m và thành giếng cao hơn mặt đất 0,8m. Cả giếng nước và cây me tương truyền đều do cụ Hồ Phi Phúc (cha của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) trồng và tạo dựng nên.
Không gian của Khu di tích ban đầu là 7,4ha; năm 2004 mở rộng thêm 2,1ha về phía nam; năm 2007 mở rộng Khu di tích ra đến bờ Bắc sông Côn, bao cả di tích Bến Trường Trầu – nơi Nguyễn Nhạc dựng ngôi nhà chứa trầu và làm quán trọ cho khách buôn trầu, trước khi khởi nghĩa; năm 2013, một dự án tiếp tục mở rộng không gian cảnh quan ra hướng Bắc hơn 2ha, thiết kế nâng cấp Đền thờ và tôn tạo Bảo tàng Quang Trung. Hiện nay, tổng diện tích Khu di tích Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được quy hoạch gần 18ha.
Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg, ngày 31-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ.