Theo truyền thuyết của người Việt, gia đình nào cũng có bàn thờ để thờ cúng gia tiên, ông bà. Thờ cúng gia tiên là một nét văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt.
Ngôi nhà truyền thống của người Việt thường có ba hoặc năm gian, trong đó gian giữa được coi là quan trọng nhất, là trung tâm của ngôi nhà. Những việc quan trọng như thờ phụng, tiếp khách, sinh hoạt… đều diễn ra ở gian này.
Gian giữa lại luôn có cửa lớn ra vào; mở cửa là nhìn thấy trời đất lưu thông, âm dương hòa đồng. Bàn thờ là nơi thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với gia tiên, nên bàn thờ thường được lập ở chính gian giữa ngôi nhà. Bởi vậy, gia chủ không được kê giường ngủ đối diện với bàn thờ.
Bàn thờ có được thiết kế như thế nào thì nhất thiết nó luôn ở vị trí trang trọng, có độ cao thích hợp để khi cúng mọi người tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với gia tiên. Kiến trúc nhà ở nông thôn ít biến đổi, nên kiểu bàn thờ truyền thống vẫn giữ được những đặc trưng và đặt ở vị trí theo đúng phong thủy trong ngôi nhà. Nhưng với những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại, nội thất hiện đại ở thành phố thì hiện nay cách bố trí và các đồ thờ cũng có nhiều biến đổi để phù hợp với toàn cảnh của ngôi nhà mà vẫn giữ được tính tôn nghiêm nơi thờ cúng.
Vậy vị trí phòng thờ trong nhà ở hiện đại phải đặt ở đâu trong ngôi nhà cho đúng phong thủy? Trong ngôi nhà hiện đại, xếp đặt gian thờ cũng phải tuân thủ chặt chẽ và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc truyền thống nêu trên, đó là: Tại vị trí cao, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không có các phòng ốc khác đè lên, phía trước bàn thờ là các gian trang trọng, phía sau là cầu thang và không gian phụ như sân phơi, kho. Như vậy, phòng thờ đặt tại tầng trên cùng sẽ đạt được các tiêu chí này.
Nhà phố thường bị vây chặt bởi các nhà chung quanh. Nếu đặt bàn thờ dưới tầng trệt, ngay trong phòng khách, bước vào sẽ khó thông thoáng, thắp nhang nhiều sẽ làm ô nhiễm cả trần nhà. Bên cạnh đó, cần tránh trên đầu của bàn thờ là phòng vệ sinh, phòng trẻ em chơi đùa, bởi nó sẽ làm giảm tính tôn nghiêm của không gian trang trọng này. Và một lẽ nữa, không nên để mọi người từ ngoài cửa nhìn thấy hết bàn thờ, bài vị, hình ảnh gia tiên.
Trong ngôi nhà truyền thống, bộ bàn ghế tiếp khách thường được đặt ngay trước bàn thờ, nhưng trước khi vào chỗ này, khách phải đi qua sân, rồi bậc thềm hàng hiên, sau đó mới đến không gian trong nhà. Nhìn từ ngoài vào, hầu như không thấy bàn thờ. Đó là do khuôn viên ngôi nhà xưa rộng, xen lẫn cỏ cây xung quanh. Ngôi nhà hiện đại, nhà phố, căn hộ không thể giống vậy được.
Bản chất trường khí phòng thờ (hay bàn thờ) thuộc tính âm, mang tính chất hướng nội, không thích hợp với sự phô trương. Ngay cả trong ngày giỗ hay Tết thì thờ cúng cũng là việc riêng của gia đình đó; người ngoài muốn đến thắp nén nhang phải xin phép gia chủ. Về ngũ hành, bàn thờ thuộc hành Hỏa và Mộc, là hai hành hướng lên cao và cần sự chăm sóc mỗi ngày. Trừ bàn thờ Thổ địa – Thần tài là tín ngưỡng dân gian mọi nhà giống nhau, đặt gần cửa để nghênh tiếp tài lộc, còn lại bàn thờ gia tiên và tôn giáo riêng của mỗi gia đình (thờ Phật, thờ Chúa…) nên mang tính hướng nội, không cần phải đặt ngay trong phòng khách. “Tu tại tâm,” đó là điều cha ông vẫn thường khuyên con cháu. Như vậy, theo phong thủy, tốt nhất là đặt phòng thờ ở tầng áp mái.