Từ trước đến nay mới chỉ nói tới ngày giỗ của từng gia đình hoặc từng ngành họ. Nhiều gia đình họp thành một ngành, và nhiều ngành họ thành một họ. Mỗi họ có một ông Tổ chung. Ngày giỗ ông Tổ gọi là ngày giỗ họ hoặc giỗ Tổ.
Người trưởng tộc lo việc làm giỗ, nhưng tất cả các ngành trong họ đều phải đóng góp.
Người trưởng tộc được hưởng của hương hỏa của tổ tiên để lại. Theo luật lệ và tập quán, của hương hỏa không được bán, phát để gây hoa lợi dùng trong việc tế tự và cúng giỗ.
Mỗi họ đều có một nhà thờ Tổ. Giỗ Tổ cúng tại nhà này.
Dẫu có của hương hỏa nhưng ngày giỗ Tổ, như trên đã nói, các hàng con cháu đều góp giỗ. Tiền cúng giỗ còn thừa sẽ dùng để sắm sửa tự khí hay trang hoàng nhà thờ.
Ngày giỗ họ, trưởng các ngành chi họ đều có mặt, trừ trường hợp bất đắc dĩ.
Nhiều họ lớn, trong ngày giỗ họ con cháu có mời phường bát âm tới tế lễ.
Về số tiền chung để góp giỗ, thường tính theo đầu người, nhưng chỉ đàn ông trên 18 tuổi mới phải nộp; đàn bà và trẻ được miễn. Có nhiều họ, con gái không được dự giỗ họ, vì con gái khi lấy chồng sẽ thuộc họ khác, con dâu mới được tới dự giỗ.
Trong ngày giỗ họ, sau những nghi lễ và sau bữa ăn, các trưởng chi thường cùng nhau họp bàn công việc họ.
Ngày giỗ họ không có mời khách khứa, chỉ có con cháu trong họ cúng lễ và ăn uống với nhau. Tuy không mời khách, nhưng vì con cháu đông nên ngày giỗ họ hao tốn cũng linh đình to tát.
Có họ lớn, nhân dịp ngày giỗ, làm như một ngày hội, mời phường chèo, phường múa rối tới múa hát cho con cháu xem.
Ngày giỗ họ là dịp duy nhất trong năm để cả họ họp mặt. Trong dịp này, các vị có tuổi thường kể cho con cháu nghe những công trạng, sự nghiệp của ông Tổ, lẽ tất nhiên là có nhiều điểm thêm bớt để con cháu lấy làm vinh vang về ông Tổ mà họ cố noi gương.